Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thách thức giảm lãi suất cho vay và nợ xấu

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được xem là nhiệm vụ hàng đầu.

Tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế

Sau năm năm tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 với một số kết quả nhất định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây tiếp tục đề xuất kế hoạch cơ cấu nền kinh tế cho giai đoạn 2021-2025, với năm nội dung trọng tâm và chín nhóm chỉ tiêu cụ thể.

Kế hoạch trên đặt ra giữa lúc nền kinh tế đang phải vật lộn với tăng trưởng suy giảm và bất ổn gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, đe dọa sự sống còn của hệ thống doanh nghiệp, cũng như nguy cơ nợ xấu tăng vọt trong hệ thống ngân hàng.

Chính vì vậy, không có gì lạ khi cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục được xem là nhiệm vụ hàng đầu cho giai đoạn tới, nhằm hướng đến việc củng cố nền tảng vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế và hỗ trợ quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.

Yêu cầu cơ cấu lại hệ thống các TCTD đưa ra sáu mục tiêu cụ thể đi kèm với bảy nhóm nhiệm vụ - giải pháp, trong đó bên cạnh các mục tiêu mới cũng có những mục tiêu cũ mà đề án tái cơ cấu đặt ra trước đây chưa kịp hoàn thành. Tuy nhiên, ở đây chỉ tập trung vào hai mục tiêu đầu tiên mà cũng có thể xem là quan trọng và cấp thiết nhất hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi của nền kinh tế trong giai đoạn tới.

Mục tiêu giảm lãi suất cho vay: không dễ!

Mục tiêu đầu tiên tiếp tục là “giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý so với mức lãi suất huy động và có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình tại các nước trong khu vực, phù hợp với thay đổi về cấu trúc kinh tế”. Vấn đề đặt ra ở đây: mức “chênh lệch” bao nhiêu được xem là hợp lý và có tính cạnh tranh?

Dù mặt bằng lãi suất cho vay lẫn tiền gửi đã giảm đáng kể trong nhiều năm qua, nhưng một thực tế không thể phủ nhận là các đợt giảm lãi suất cho vay bao giờ cũng chậm hơn và ít hơn so với mức giảm của lãi suất tiền gửi. Điều này, một phần bởi vì chênh lệch đáo hạn giữa hoạt động cho vay và huy động, khi các ngân hàng có xu hướng huy động ngắn hạn và cho vay trung và dài hạn, theo đó khoảng cách giữa các lần điều chỉnh lãi suất theo hợp đồng cho vay thường dài hơn, cũng như phụ thuộc vào chính sách và động lực của chính các ngân hàng.

Hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động phổ biến nằm trong khoảng từ 2,5-5 điểm phần trăm/năm tùy theo sản phẩm và kỳ hạn, cá biệt những khoản vay tiêu dùng tín chấp chênh lệch có thể lên tới 7-8 điểm phần trăm/năm.

Do đó, có thể thấy, mục tiêu giảm chênh lệch lãi suất cho vay và huy động xuống mức “hợp lý” còn chung chung khi vẫn chưa xác định được con số định lượng cụ thể.

Ngoài ra, việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung bình trong thời gian tới cũng sẽ gặp không ít thách thức.

Đầu tiên là xu hướng thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất trở lại trên toàn cầu sẽ mạnh hơn trong những năm tới và Việt Nam có lẽ cũng khó lòng nằm ngoài xu hướng chung.

Thứ hai là xu hướng giá hàng hóa toàn cầu tiếp tục đi lên hiện nay càng tạo thêm áp lực lạm phát cao quay trở lại, kéo theo áp lực lên lãi suất tiền gửi của ngân hàng.

Thứ ba là với chính sách kích cầu đầu tư công để thúc đẩy kinh tế phục hồi nhanh hơn, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng sẽ được đẩy mạnh triển khai kéo theo nhu cầu huy động vốn của Chính phủ, từ đó có thể dẫn đến hiệu ứng lấn át, tức khi Chính phủ tăng vay nợ sẽ khiến lãi suất tăng và khu vực tư nhân bị hạn chế tiếp cận vốn hoặc phải chấp nhận lãi suất cao hơn.

Cuối cùng, gánh nặng nợ xấu cũng sẽ hạn chế động lực giảm thêm lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng, khi quá khứ những năm trước đây từng chứng kiến cục máu đông nợ xấu đã khiến các ngân hàng phải tìm cách duy trì mặt bằng lãi suất cho vay cao để bù đắp những thiệt hại do các khoản nợ xấu vì cho vay dễ dãi gây ra. Lần này, với nguy cơ nợ xấu từ các khoản vay buộc phải tái cơ cấu do ảnh hưởng của dịch bệnh, mà chưa biết sẽ còn kéo dài đến đâu, bài toán nợ xấu đang quay trở lại với hệ thống ngân hàng.

Xử lý nợ xấu - tiếp tục là bài toán khó!

Chính vì vậy, mục tiêu quan trọng thứ hai là “nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ”. Có thể thấy mục tiêu xử lý nợ xấu đã được đặt ra liên tiếp trong suốt 15 năm qua, từ Đề án tái cơ cấu 254 cho giai đoạn 2011-2015, đến Đề án 1058 cho giai đoạn 2016-2020 và tiếp tục được nhắc lại ở đề án lần này cho giai đoạn 2021-2025, cho thấy nợ xấu luôn là căn bệnh nan y dai dẳng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Nếu như giai đoạn trước nợ xấu phát sinh từ việc sở hữu chéo kéo theo tình trạng cho vay sân sau của các ông chủ ngân hàng, cũng như rót vốn ồ ạt vào các dự án bất động sản, doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, lần này nợ xấu đến từ những nguyên nhân mang tính khách quan hơn - đó là vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Đáng lưu ý là nếu như giai đoạn 2016-2020 việc xử lý nợ xấu đã đạt được kết quả khá tốt, thì chỉ cần từ năm ngoái đến nay nợ xấu lại có nguy cơ tăng vọt và xóa nhòa thành quả này.

Mới đây nhất, số liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến cuối tháng 6 vừa qua, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 3,66%. Nếu tính cả các khoản nợ cơ cấu lại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì tỷ lệ này là 7,21% - cao hơn con số 5,08% cuối năm 2020, tương đương con số tuyệt đối là gần 705.500 tỉ đồng, dù sáu tháng đầu năm nay cũng đã xử lý được số nợ xấu nội bảng 78.860 tỉ đồng.

Rõ ràng với các khoản nợ tái cơ cấu thời gian tới không thể xử lý được và buộc phải chuyển thành nợ xấu khi thời hạn tái cơ cấu kết thúc, có thể thấy mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3% là khá thách thức. Nếu nhìn vào tình hình nền kinh tế hiện nay và triển vọng không quá lạc quan trong giai đoạn tới, cũng như bài toán thiếu hụt lực lượng lao động tại các trung tâm kinh tế hậu giãn cách, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đi lên, số lượng doanh nghiệp phá sản ngày càng gia tăng, các khoản cho vay của ngân hàng cũng có thể tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực.

Trước triển vọng không mấy sáng sủa này, dễ hiểu vì sao mục tiêu từng bước phát triển thị trường nợ đi kèm theo sau mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%. Rõ ràng việc xử lý nợ xấu trong giai đoạn tới không chỉ cần đến nguồn lực của toàn bộ nền kinh tế mà còn cần thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài tham gia. Nhưng, xu hướng chính sách tiền tệ toàn cầu thắt chặt trở lại như đã nói, sẽ hạn chế dòng vốn quốc tế tham gia vào thị trường mua bán nợ xấu trong nước.

Vì lẽ đó, NHNN cũng đã sớm có đề xuất xây dựng Luật xử lý nợ xấu theo hướng tiếp tục kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42/2017/QH14, khi kết quả cho thấy việc xử lý nợ xấu theo các giải pháp đột phá của Nghị quyết 42 trong bốn năm qua đã đạt những thành tựu nhất định.

Thống kê cho thấy xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15-8-2017 đến 30-6-2021, là 359.410 tỉ đồng, trong đó thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 138.340 tỉ đồng (chiếm 38,5% tổng nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã xử lý), cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu đã xử lý trung bình trong giai đoạn 2012-2017 là khoảng 22,8%.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị, trong một số ít trường hợp, có khả năng sử dụng một số nguồn lực nhà nước nhất định để thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là việc cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu. Cần nhắc lại rằng việc sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu ngân hàng đã được thảo luận trong suốt giai đoạn 2011-2015 và kế tiếp là 2016-2020, nhưng chưa bao giờ được thông qua.

Kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 theo tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ở nội dung cơ cấu lại hệ thống các TCTD đặt ra sáu mục tiêu cụ thể như sau:
(i) Giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý so với mức lãi suất huy động và có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình tại các nước trong khu vực, phù hợp với thay đổi về cấu trúc kinh tế.
(ii) Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ.
(iii) Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD; nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh của các TCTD.
(iv) Có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Tất cả ngân hàng thương mại áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại ngân hàng thương mại nhà nước nắm cổ phần chi phối và ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn.
(v) Thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển mô hình ngân hàng số nhằm gia tăng trải nghiệm khách hàng trên cơ sở ứng dụng các công nghệ CMCN 4.0. Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
(vi) Đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho thúc đẩy ứng dụng và đổi mới công nghệ.

3 BÌNH LUẬN

  1. Quy luật cho thấy gần như luôn có sự tỷ lệ nghịch giữa giảm lãi suất cho vay và nợ xấu. Giảm lãi suất đồng nghĩa với cho vay dễ dãi và cho vay nhiều hơn. Đây là căn nguyên dẫn đến nợ xấu. Nhưng độ trễ thường mất vài ba năm. Hậu quả tiếp theo là lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy một chính sách khôn ngoan không phải là chính sách lấy lòng hết cả thiên hạ mà phải biết lấy cái căn bản làm hiệu quả, làm rường cột bảo vệ nền kinh tế.

    • Đồng tình với anh việc giảm lãi sẽ dẫn đến bất ổn vĩ mô trong dài hạn. Nói nôm na là trade-off, được này phải mất kia. Mình nghĩ linh hoạt nhất và hiệu quả nhất là giảm lãi suất vay với các khoản vay hiện tại trong ngắn hạn thời gian COVID (điều mà các NH đã làm rồi và có thể xem xét để đẩy mạnh). Còn nếu giảm lãi vay luôn thì sẽ chịu áp lực từ lạm phát và chính sách thắt cung toàn cầu, dẫn đến NHVN chịu thêm nhiều rủi ro nhưng không có return hợp lý bù cho rủi ro đó.

  2. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến 2025 định hướng đến 2030 đã có quyết định của Thủ tướng chính phủ từ mấy năm nay, đang thi hành. Không hiểu nay Bộ Kế hoạch Đầu tư lại có ‘tờ trình cơ cấu lại TCTD”!?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới