Thứ bảy, 15/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thách thức lớn với Mỹ khi tính toán thuế đối ứng với gần 200 nước

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chỉ đạo các cơ quan hữu trách đề xuất mức thuế đối ứng với từng nước để tái cân bằng quan hệ thương mại. Tuy nhiên, các cơ quan này sẽ mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, để điều tra và đánh giá trước khi đưa ra đề xuất về thuế mới vì 200 đối tác thương mại của Mỹ có biểu thuế riêng, gồm hàng ngàn mã thuế quan.

Tổng thống Donald Trump yêu cầu các cơ quan hữu trách nghiên cứu đề xuất áp thuế nhập khẩu đối ứng với tất các nước trong nỗ lực giảm thâm hụt thương mại. Ảnh: forexlive

Hệ thống thuế đối ứng rất phức tạp

Hôm 13-2, Tổng thống Trump ký biên bản ghi nhớ, trong đó chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ và Bộ trưởng Thương mại Mỹ nghiên cứu đề xuất các mức thuế đối ứng đối với từng nước cụ thể để khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ. Theo giải thích của người đứng đầu Nhà Trắng, thuế đối ứng có nghĩa là Mỹ sẽ áp thuế hàng hóa nhập khẩu với mỗi nước ngang bằng với mức thuế mà nước đó đang áp vào hàng hóa từ Mỹ.

Theo nội dung biên bản ghi nhớ do Nhà Trắng công bố, thuế nhập khẩu mới của Mỹ sẽ được tùy chỉnh với từng nước. Điều này không chỉ nhằm xóa bỏ mức chênh lệch của các khoản thuế mà các nước áp vào hàng hóa của Mỹ mà còn chống lại các rào cản phi thuế quan mà các nước này áp đặt dưới hình thức trợ cấp không công bằng, thuế giá trị gia tăng, tỷ giá hối đoái, bảo vệ sở hữu trí tuệ lỏng lẻo và các yếu tố khác hạn chế hoạt động thương mại của Mỹ.

Trao đổi với báo chí, Howard Lutnick, người được ông Trump đề cử giữ ghế Bộ trưởng Thương mại, tất cả nghiên cứu và đề xuất về thuế đối ứng sẽ hoàn tất vào ngày 1-4, và ông Trump có thể hành động ngay lập tức sau đó.

Tuy nhiên, quy mô của kế hoạch áp thuế đối ứng đòi hỏi nỗ lực hậu cần khổng lồ của Bộ Thương mại và Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR). Các cơ quan này cần tiến hành phân tích và tính toán thuế mới với gần 200 nước, vì mỗi nước có biểu thuế quan riêng bao gồm hàng nghìn mã thuế quan. Đó là chưa kể đến thách thức trong việc xác định mức tổn thất xuất khẩu của Mỹ do tác động từ các quy định quản lý, chính sách tài khóa và trợ cấp của các nước khác.

“Sẽ rất phức tạp khi thiết kế một hệ thống thuế quan có tính đối ứng hoàn toàn với tất cả các nước khác và áp dụng cho tất cả các sản phẩm”, Tim Brightbill, luật sư thương mại của hãng luật Wiley Rein bình luận.

Các chuyên gia thương mại khác cũng cho rằng, việc xây dựng hệ thống thuế đối ứng đặt ra thách thức lớn cho đội ngũ của ông Trump.

Theo Damon Pike, chuyên gia thương mại của hãng tư vấn và kiểm toán BDO International, mỗi thành viên trong số 186 thành viên của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đều có mức thuế suất khác nhau.

“Ở cấp độ quốc tế, có khoảng 5.000 mô tả khác nhau về mã phân loại hàng hóa (gồm sáu chữ số)”, ông nói.

Theo các quan chức cấp cao của Nhà Trắng, thuế đối ứng dự kiến có hiệu lực trong vài tuần hoặc vài tháng tới. Các quan chức này nhấn mạnh, cách tiếp cận của chính phủ Mỹ là trước tiên xem xét áp thuế đối ứng với những nước có thặng dư thương mại cao nhất với Mỹ và tập trung vào những vấn đề thương mại nghiêm trọng nhất. Trong năm 2024, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với thế giới tăng lên mức cao kỷ lục, 1.200 tỉ đô la Mỹ.

Mở ra khả năng đàm phán

Thuế đối ứng sẽ là hành động chính sách quy mô lớn nhất của ông Trump nhằm giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ và những gì ông mô tả là sự đối xử không công bằng đối với hàng xuất khẩu của Mỹ trên toàn cầu. Ông đã áp thuế  bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc và công bố mức thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực trong tháng tới.

Tuy nhiên, quyết định không áp thuế nhôm thép và thuế đối ứng ngay lập tức có thể được coi là tiền đề cho đàm phán, giống như chiến lược mà ông Trump đã sử dụng để đạt được nhượng bộ từ Mexico, Canada và Colombia.

Theo các chuyên gia, việc Mỹ không đặt ra thời hạn cụ thể để áp thuế đối ứng mở ra khả năng một số nước sẽ ngồi vào bàn đàm phán để giảm thuế quan. Sau đó, ông Trump sẽ hủy bỏ một số hoặc toàn bộ thuế đối ứng với những nước đó.

“Như thường lệ, ông Trump đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ (về thuế quan) rồi sau đó rút lại. Chúng ta lo sợ điều tồi tệ nhất và rồi nhận ra rằng đó chỉ là một phần của nghệ thuật đàm phán của ông Trump”, Michael Block, nhà chiến lược thị trường tại Third Seven Capital nói.

Block lưu ý, vào phút cuối, ông Trump đã hoãn áp mức thuế 25% dự kiến ​​có hiệu lực vào đầu tháng này đối với Canada và Mexico.

Theo Keith Lerner, đồng giám đốc đầu tư của Truist Wealth, nhà đầu tư có thể nghĩ rằng, thuế quan sẽ một lần nữa được ông Trump sử dụng như một con quân mặc cả trên bàn đàm phán thương mại và có thể không nghiêm trọng hoặc sớm áp dụng như lo ngại.

Theo Josh Lipsky, giám đốc cấp cao của Trung tâm Địa kinh tế thuộc Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu cố vấn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhiều nước sẽ tìm cách trì hoãn, miễn trừ thuế đối ứng hoặc thương lượng với Mỹ trong những tuần tới.

Một quan chức của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Trump hy vọng sẽ tiến hành thảo luận với các nước khác về việc chính sách hiện hành đã tạo ra môi trường thương mại mất cân bằng như thế nào. Ông sẵn sàng hạ thuế quan nếu các nước cắt giảm thuế quan hoặc xóa bỏ các rào cản thương mại khác.

Bất luận thế nào, chính sách thương mại cứng rắn của ông Trump đang gây ra sự bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu, khi doanh nghiệp và người tiêu dùng chờ xem ông sẽ hành động như thế nào đối với kế hoạch áp có thể làm gián đoạn quan hệ thương mại của Mỹ với phần còn lại của thế giới.

Theo Bloomberg Economics, thuế đối ứng ​​sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các nền kinh tế kém phát triển, nơi mức thuế trung bình đối với các sản phẩm của Mỹ cao hơn.

Cuộc đại tu mạnh mẽ của hệ thống thương mại toàn cầu

Quyết định điều chỉnh mức thuế nhập khẩu theo nguyên tắc có qua có lại của Mỹ sẽ đánh dấu cuộc đại tu mạnh mẽ của hệ thống thương mại toàn cầu. Trong nhiều thập niên, Mỹ thiết lập mức thuế quan thông qua các cuộc đàm phán tại các cơ quan quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc Mỹ áp dụng các mức thuế nhập khẩu mới, có khả năng cao hơn mức thuế hiện tại, về cơ bản sẽ loại bỏ cơ chế đàm phán đó để chuyển sang hệ thống do Mỹ tự quyết định dựa trên tiêu chí riêng.

Một hệ thống thuế quan đối ứng sẽ đánh dấu sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận thương mại của Mỹ và làm xói mòn một trong những nguyên lý cơ bản của hệ thống thương mại toàn cầu mà Mỹ đã định hình sau Thế chiến thứ hai. Mỹ từ lâu xem việc tiếp cận thị trường của nước này và sự cởi mở thương mại là một lợi thế kinh tế.

Timothy Brightbill của hãng luật Wiley Rein nhận định, động thái hướng tới hệ thống thuế quan đối ứng là một trong những thay đổi chính sách lớn nhất của Mỹ trong hơn 75 năm qua kể từ khi hệ thống thương mại đa phương hiện nay được thành lập vào năm 1947.

Hiện nay, khoảng 70% chủng loại hàng hóa được miễn thuế khi vào Mỹ. Trong các cuộc đàm phán trước đây tại WTO, Mỹ không thể thuyết phục Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil giảm thuế nhập khẩu với hàng hóa Mỹ. Những nước này có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi Mỹ chính thức áp thuế đối ứng.

Chad Bown, học giả cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson cho rằng, thuế đối ứng của ông Trump sẽ vi phạm các quy tắc của WTO trên hai khía cạnh.

Việc áp dụng mức thuế quan riêng biệt cho các nước khác nhau sẽ vi phạm cam kết của các thành viên WTO rằng, sẽ không được phân biệt đối xử giữa các đối tác. Và nếu Mỹ tăng thuế quan vượt quá mức tối đa đã đàm phán với các thành viên WTO khác, điều đó cũng sẽ phá vỡ các quy tắc thương mại của WTO, có thể châm ngòi cho các vụ khiếu kiện.

Nhưng cơ quan phúc thẩm (AB) tại WTO, có tiếng nói cuối cùng để giải quyết những tranh chấp như vậy, đã bị vô hiệu hóa vào thời kỳ chính quyền Trump đầu tiên khi Mỹ từ chối bổ nhiệm thêm bất kỳ nhân sự mới nào vào cơ quan nay. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục chính sách đó.

AB bao gồm bảy thẩm phán thụ lý các kháng cáo liên quan đến các phán quyết của ban hội thẩm WTO đối với các tranh chấp. Vì thiếu thẩm phán, AB đã không thể hoạt động kể từ năm 2019.

“Quyết định đơn phương tăng thuế nhập khẩu, theo từng sản phẩm, từng nước, sẽ là đòn giáng mạnh nhất từ ​​trước đến nay của Tổng thống Trump vào hệ thống thương mại dựa trên luật lệ”, Chad Bown bình luận.

Theo Bloomberg, NY Times, Atlantic Council

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới