(KTSG) - Đường dây truyền tải điện 500 kV mạch 3 kéo dài được Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành tháng 6-2024 để tăng cung điện từ Nam ra Bắc. Đây là thách thức quá lớn khi mà dự án hiện chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.
- Triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 truyền tải điện cho miền Bắc
- Gia tăng năng lực truyền tải điện trong năm nay
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài gồm bốn tiểu dự án, có tổng chiều dài 514 ki lô mét, nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên), tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỉ đồng. Dự án đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII và dự kiến đưa vào vận hành năm 2025-2026 nhằm tăng công suất cung ứng điện từ Nam - Bắc lên 5.000 MW. Tuy nhiên, tại cuộc họp cuối tuần trước (ngày 8-7-2023)(1), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Thủ tướng yêu cầu tháng 6-2024 phải hoàn tất dự án này để tăng cung ứng, giảm thiếu điện cho miền Bắc.
Các dự án đường dây truyền tải điện 500 kV mạch 3 kéo dài có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối lưới điện liên miền, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc những năm tới. Đợt thiếu điện trầm trọng vừa qua một lần nữa cho thấy tầm quan trọng cũng như tính cấp bách của dự án này. Vào thời điểm đó, giả sử 85 dự án điện năng lượng tái tạo (tập trung chủ yếu ở miền Trung và miền Nam) có đầy đủ hồ sơ pháp lý và hoàn tất đàm phán bán điện với tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì cũng không thể đưa nguồn điện này ra Bắc, bởi đường dây 500 kV mạch 3 mới được đầu tư từ phía Nam ra đến Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Mặc dù rất cấp bách, nhưng yêu cầu vận hành dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài trong tháng 6-2024 là thách thức vô cùng lớn, thậm chí có thể là một nhiệm vụ bất khả thi, khi mà dự án có quy mô lớn, liên quan đến chín tỉnh, hiện vẫn chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư và chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp.
Chẳng hạn, đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa có quy mô hai mạch, dài khoảng 316,7 ki lô mét đi qua bốn tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung cho biết(2), thời gian thực hiện dự án có quy mô tương tự là khoảng 50 tháng kể từ khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đó là chưa xét đến rủi ro trong bồi thường giải phóng mặt bằng.
Với đoạn này, địa điểm xây dựng có địa hình phức tạp và chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện thời tiết bất lợi. Mặt khác, việc thực hiện các thủ tục trình Thủ tướng cho chủ trương chuyển đổi sử dụng đất rừng để xây dựng dự án thường kéo dài, thuận lợi cũng mất từ 10-18 tháng.
Ngoài ra, thời gian qua có nhiều thay đổi về các quy định của Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng, dẫn đến những khó khăn, vướng mắc với chủ đầu tư khi triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các dự án điện. Đến nay, dự án vẫn chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư nên Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung - đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý điều hành dự án - lo ngại rằng đoạn này có nguy cơ chậm trễ so với tiến độ đưa vào vận hành năm 2025. So với mốc thời gian mới là tháng 6-2024, áp lực càng trở nên nặng nề.
Trước đó, tại hội nghị sơ kết sáu tháng của Bộ Công Thương vào ngày 7-7-2023, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, cung ứng điện giai đoạn tới vẫn đối mặt nhiều khó khăn, nhất là các năm 2024-2025, ở khu vực miền Bắc. Tập đoàn sẽ tập trung triển khai đường dây 500 kV mạch 3 từ miền Nam, Trung ra Bắc và quyết tâm hoàn thành dự án vào tháng 5-2025. Ông Nhân cũng thừa nhận mốc vận hành dự án vào năm sau là thách thức rất lớn nhưng EVN và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (chủ đầu tư dự án) sẽ huy động tối đa nguồn lực để hoàn thành.
Để đảm bảo tiến độ, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia kiến nghị các cấp thẩm quyền chấp thuận dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài là công trình điện cấp bách trong Quy hoạch điện VIII và được áp dụng cơ chế để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án trong tháng 7.
Doanh nghiệp này cũng kiến nghị Thủ tướng thông qua số liệu theo báo cáo của UBND các tỉnh, giao trách nhiệm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các tỉnh triển khai. Bộ Công Thương được đề nghị thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế kỹ thuật song song quá trình trình duyệt chủ trương đầu tư và duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) song song với quá trình trình duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt ĐTM tối đa năm ngày sau khi có chủ trương đầu tư.
Kết luận cuộc họp cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu EVN và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia hoàn tất hồ sơ các dự án trong tháng 7, trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 8 và phê duyệt dự án vào tháng 9. Sau khi dự án được phê duyệt, hai đơn vị này khẩn trương làm việc với các địa phương để triển khai giải phóng mặt bằng và chậm nhất đến tháng 6-2024 phải hoàn thành dự án, đưa vào vận hành theo đúng tiến độ Thủ tướng giao.
Các mốc thời gian đặt ra cho thấy sự sốt ruột của người đứng đầu Chính phủ cũng như quyết tâm của các đơn vị trong việc triển khai dự án quan trọng và cấp bách này nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho miền Bắc. Nhưng có lẽ, đặt trong các điều kiện hiện tại thì ngay cả người lạc quan nhất cũng khó tin rằng đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài có thể vận hành vào tháng 6-2024.
Mặc dù vậy, yêu cầu của Thủ tướng chắc chắn sẽ gia tăng áp lực, buộc các bộ, ngành, địa phương liên quan phải nỗ lực trong các phần việc của mình nhằm đẩy tiến độ dự án nhanh nhất có thể. Song song đó, Bộ Công Thương và EVN cần tính toán thêm các phương án để miền Bắc không xảy ra thiếu điện trầm trọng cho đến khi đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài được hoàn thành.
(1) https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/gap-rut-trien-khai-cac-giai-phap-day-nhanh-tien-do-du-an-500kv-mach-3.html
(2) http://www.cppmb.com.vn/62-9-3313/default.as