Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thách thức trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thách thức trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Hữu Đạo

(TBKTSG) – Chính sách bảo hiểm và hỗ trợ thất nghiệp là một chính sách tốt cần được duy trì và đã được quan tâm sát sao ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực thi cần đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các khâu và các cơ quan có liên quan, nhằm phát huy tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực có thể có đến nền kinh tế.

Thách thức trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Nhân viên quầy rau trong một siêu thị. Ảnh: MINH TÂM

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020 số lượng người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước tăng đột biến so với cùng kỳ những năm trước. Cụ thể, trong chín tháng đầu năm, số lượng lao động nộp hồ sơ hàng tháng tăng 1,5-2 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Điển hình là tháng 5-2020, tổng số hồ sơ nộp tại trung tâm dịch vụ việc làm ở các địa phương lên đến hơn 160.000, cao nhất trong vòng sáu năm trở lại đây. Công tác giải quyết các hồ sơ này cũng được các trung tâm dịch vụ việc làm nhanh chóng xử lý.

Cụ thể, tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước trong chín tháng là 839.260 người, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, trong giai đoạn khó khăn này, có hơn 1,6 triệu lượt người lao động – tương đương 182,3% số lượt lao động nộp đơn xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp – đã được tư vấn việc làm và tư vấn học nghề tại các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương.

Điều này khẳng định vai trò quan trọng của các chương trình hỗ trợ người lao động mất việc làm, như trợ cấp thôi việc, bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ thất nghiệp, đó là một xu thế phát triển tất yếu của thị trường lao động hiện đại(1). Mặc dù vậy, các tranh luận xung quanh lợi ích và cách thức thực hiện các chương trình, đặc biệt là bảo hiểm thất nghiệp, luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân, các nhà lập pháp và cả giới học thuật.

Trong một nghiên cứu của mình, GS.TS. Robert A. Moffitt tại Đại học John Hopkins (Mỹ), Phó chủ tịch Tổ chức các nhà kinh tế học lao động, cho rằng: “Thách thức lớn nhất của trợ cấp thất nghiệp là làm sao bảo vệ được người lao động đồng thời giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ không mong muốn”(2). Các thách thức này cần tiếp tục được nhìn nhận một cách khách quan trong điều kiện cụ thể của thị trường lao động Việt Nam để có giải pháp tháo gỡ phù hợp.

Các tác động tích cực

Từ góc độ kinh tế vi mô, bảo hiểm thất nghiệp trước tiên và quan trọng nhất là một cơ chế bảo hiểm an sinh cho người lao động. Khi có việc làm, người lao động và doanh nghiệp cùng đóng một khoản phí nhỏ. Khi gặp rủi ro về việc làm, quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ một phần thu nhập, đảm bảo duy trì cuộc sống và tạo một khoảng thời gian đệm cần thiết để người lao động có thể tìm kiếm một công việc mới, phù hợp, đúng nguyện vọng và kỹ năng.

Đây chính là cơ chế giá đỡ an toàn để người lao động nói riêng và thị trường lao động nói chung luôn duy trì được hoạt động kinh tế ở mức tối ưu, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh, khủng hoảng hay trước những sự cố bất ngờ.

Từ góc độ kinh tế vĩ mô, bảo hiểm thất nghiệp lại hoạt động như một cơ chế hấp thụ sốc tự động trong các giai đoạn khó khăn hay suy thoái kinh tế. Theo nghiên cứu, trợ cấp ở mức 60% lương trước khi thất nghiệp đã cho phép hầu hết người lao động duy trì mức tiêu thụ thông thường(3).

Đây là cơ chế quan trọng trong việc duy trì tổng cầu và khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo sản lượng và tổng cung của nền kinh tế, hỗ trợ việc cắt đứt vòng xoáy suy giảm và giảm thiểu tác động của suy thoái.

Bên cạnh đó, bảo hiểm thất nghiệp còn đóng vai trò không nhỏ trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bảo hiểm thất nghiệp có tác động làm giảm tỷ lệ đói nghèo tính trên tất cả các hộ gia đình – riêng đối với nhóm nhận trợ cấp thường xuyên, tỷ lệ nghèo có thể giảm từ 22,5% xuống 13,6% nhờ có bảo hiểm thất nghiệp(4).

Cuối cùng, với điều kiện người lao động phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định về thời gian làm việc, mức thu nhập hoặc mức đóng góp tối thiểu trước khi nghỉ việc, bảo hiểm thất nghiệp cũng khuyến khích người lao động ưu tiên lựa chọn các công việc có tính ổn định và bền vững cao. Đây chính là hiệu ứng quyền lợi của các chương trình trợ cấp thất nghiệp, nâng cao chất lượng việc làm theo đúng cơ chế vận động của kinh tế thị trường.

Tác dụng phụ không mong muốn

Phải lưu ý rằng bản chất của bảo hiểm thất nghiệp, nếu đứng độc lập, sẽ đơn thuần là một biện pháp giải quyết thu nhập tạm thời. Trường hợp người lao động trì hoãn tìm kiếm việc làm mới do đã nhận được trợ cấp thất nghiệp có thể dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn. Hiểu rõ được động cơ của người lao động trong trường hợp này và có những chính sách phù hợp đi kèm sẽ là nhiệm vụ căn bản của nhà quản lý.

Người lao động thất nghiệp kéo dài tình trạng thất nghiệp do hai động cơ chính. Một là khi nhận được trợ cấp – đặc biệt là mức trợ cấp cao và không quy định thời gian tối đa được nhận (hệ thống bảo hiểm thất nghiệp ở một số quốc gia như Bỉ, New Zealand và Úc, được thiết kế để hỗ trợ người lao động vô thời hạn) – họ sẽ không cảm thấy nhu cầu cấp thiết phải tìm kiếm một việc làm mới. Hai là khi người lao động thất nghiệp đã có trợ cấp, họ sẽ từ chối những việc làm mới không phù hợp hoặc yêu cầu công việc thấp hơn năng lực, trình độ của mình.

Phân biệt rõ sự khác biệt giữa hai động cơ này có hàm ý chiến lược cho chính sách. Động cơ thứ nhất là một tác dụng phụ không mong muốn, cần được giảm thiểu. Động cơ thứ hai lại tạo ra một cơ chế phân bổ lại việc làm hiệu quả, kích thích sự phát triển của việc làm bền vững.

Để giảm thiểu các hệ quả kém tích cực, mức độ và thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp cần được thiết kế một cách khoa học, bài bản. Hơn thế nữa, vai trò của các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp và các cơ quan dịch vụ việc làm tại địa phương trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nghiên cứu đã chứng minh rằng khi chế độ bảo hiểm thất nghiệp gắn liền với yêu cầu về tìm việc, người lao động sẽ có thời gian thất nghiệp ngắn đi rõ rệt(5). Các cơ quan việc làm địa phương sẽ có vị thế đặc biệt để triển khai nhiệm vụ này. Một mặt, họ có thể đảm bảo quản lý, theo dõi, hỗ trợ, tổ chức, gia tăng xác suất tìm được việc như ý cho người lao động.

Mặt khác, xuất phát từ am hiểu thực tế về nhu cầu thị trường của địa phương, các cơ quan này còn có thể tổ chức các lớp học kỹ năng phù hợp, thường xuyên liên lạc, tư vấn cho cả người lao động và người sử dụng lao động, gia tăng kết nối cung cầu, đảm bảo sự vận động liên thông, liên tục của thị trường.

Bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam

Ở Việt Nam, quy định về trợ cấp thất nghiệp khá rõ ràng và tương đối hoàn chỉnh.

Hơn thế nữa, Việt Nam cũng đã “địa phương hóa” rất tốt hệ thống bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc. Trong khi Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm, trực thuộc Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), là đơn vị sự nghiệp có nhiệm vụ hỗ trợ, triển khai các hoạt động sự nghiệp về bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ở tất cả 63 tỉnh thành là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, song song với tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo kỹ năng và dạy nghề cho người lao động.

Tuy nhiên, hệ thống bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam vẫn còn những điểm yếu cần được quan tâm hơn.

Thứ nhất, chính sách bảo hiểm thất nghiệp có độ bao phủ còn hẹp, mới tập trung ở khu vực lao động chính thức, trong khi chưa với được tới khu vực lao động phi chính thức lên tới 19,5 triệu người tính đến hết quí 2-2020. Nếu bảo hiểm thất nghiệp có độ bao phủ rộng hơn, lượng lao động “dễ bị tổn thương” trong đợt đại dịch Covid-19 có thể đã nhỏ hơn rất nhiều.

Thứ hai, hiệu quả trong khai thác và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp cần được đánh giá một cách bài bản, khoa học để có những chiến lược phù hợp cho trung và dài hạn. Ngoài việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, quỹ bảo hiểm thất nghiệp cần có sự chủ động trong việc khai thác kịp thời thông tin việc làm, đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm và đẩy mạnh liên kết với các cơ sở đào tạo để hỗ trợ nâng cao tay nghề cho người lao động.

Chính sách bảo hiểm và hỗ trợ thất nghiệp là một chính sách tốt cần được duy trì và đã được quan tâm sát sao ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực thi cần đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các khâu và các cơ quan có liên quan, nhằm phát huy các tác động tích cực và hạn chế các tác động tiêu cực có thể có đến nền kinh tế. Đây là nhiệm vụ khó khăn không chỉ cho các nhà quản lý, các nhà làm chính sách mà còn là thách thức cho cả các nhà khoa học để có những nghiên cứu, thiết kế phù hợp, kịp thời, hướng tới một thị trường lao động hiện đại, phát triển.

(1) Berg J., Salerno M. (2008).

(2) Moffitt, R. (2014).

(3) Gruber, J. (1997).

(4) Gabe, T. and Whitter, J. M. “Antipoverty effects of unemployment insurance.” Congressional Research Service Report for Congress.

(5) Tham khảo: (1) Michael C. Keeley and Philip K. Robins, (Jul., 1985). (2) Rothstein, J. (2011). (3) Dolton, P. and O’Neill, D. (2002).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới