Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thách thức với ngành ngân hàng đã giảm…

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Lợi nhuận quí 1 của các ngân hàng vẫn thể hiện tốc độ tăng trưởng khả quan. Dù những thách thức vẫn còn đó, nhưng mức độ dường như không quá nghiêm trọng như các dự báo trước đây, nhất là sau hàng loạt chính sách, giải pháp hỗ trợ gần đây từ nhà điều hành.

Quí 1-2023, Techcombank lãi 5.623 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 17% so với cùng kỳ. Ảnh: THÀNH HOA

Lợi nhuận quí 1 vẫn khả quan

Vào thời điểm cuối năm 2022 đầu năm 2023, nhiều dự báo cho rằng ngành ngân hàng trong năm 2023 sẽ gặp khá nhiều thách thức dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Thực tế không ít ngân hàng đã đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 đầy thận trọng. Thậm chí, có ngân hàng còn dự kiến suy giảm trong bối cảnh nền kinh tế cũng đang thể hiện sự giảm tốc và hoạt động của các doanh nghiệp tiếp tục chìm trong khó khăn.

Nợ xấu có thể tăng trở lại là một trong những lo ngại lớn nhất, khi thị trường bất động sản vẫn đang suy yếu dần, doanh nghiệp đứt gãy dòng tiền với số lượng công ty rút lui khỏi thị trường ngày càng gia tăng. Cùng với đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chẳng những không còn mang lại lợi nhuận lớn cho các ngân hàng như những năm trước đây mà ngược lại còn tiềm ẩn rủi ro nợ xấu.

Nguồn thu nhập ngoài lãi không chỉ bị ảnh hưởng khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt trở lại, mà nguồn thu phí từ hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) cũng dự kiến bị ảnh hưởng sau hàng loạt tai tiếng gần đây, không chỉ từ hoạt động “bán bia kèm lạc” như khách hàng vay buộc phải mua bảo hiểm mà còn từ việc các hợp đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng bị tư vấn chuyển thành hợp đồng mua bảo hiểm.

Trong khi đó, chi phí đầu vào dự báo gia tăng với lãi suất huy động bắt đầu đi lên mạnh mẽ từ quí 4-2022, cộng thêm lượng tiền gửi thanh toán không kỳ hạn với lãi suất thấp giảm sút trở lại, ngay cả ở những ngân hàng có thế mạnh về nguồn tiền gửi giá rẻ này trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, việc cho vay cũng được dự báo gặp khó khăn hơn trong tình hình kinh tế suy giảm và tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ.

Tất cả những yếu tố này đều mang đến nguy cơ biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng sẽ bị thu hẹp.

Thực tế đã có những ngân hàng chứng kiến lợi nhuận suy giảm hoặc chỉ tăng trưởng nhẹ trong quí 1-2023. Như lợi nhuận trước thuế của ngân hàng SeABank giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 1.070 tỉ đồng; Techcombank lãi 5.623 tỉ đồng, giảm 17%; LienVietPostBank lãi 1.565 tỉ đồng, giảm 13%. Hay như lợi nhuận trước thuế của ngân hàng VietinBank là hơn 5.980 tỉ đồng, chỉ tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước; MSB lãi 1.526 tỉ đồng, tăng 2%.

Theo Công ty chứng khoán VNDirect, Thông tư 02 sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản, vay tiêu dùng cao trong danh mục tín dụng như Techcombank, MBBank và VPBank. Bởi lẽ, các ngân hàng này đang đối diện rủi ro trích lập dự phòng cao hơn các ngân hàng có mô hình kinh doanh “an toàn” (ít cho vay bất động sản, không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) trong thời điểm hiện nay.

Dù vậy, không ít ngân hàng vẫn cho thấy sự tăng trưởng tích cực khi môi trường kinh doanh trong thời gian gần đây đã có những sự thay đổi đáng kể từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Có thể kể đến như Ngân hàng BIDV công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 6.920 tỉ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Hay ACB lãi gần 5.157 tỉ đồng, tăng 25%; VIB lãi gần 2.700 tỉ đồng, tăng 18%; OCB lãi 983 tỉ đồng, tăng 18%; Vietcombank lãi hơn 11.221 tỉ đồng, tăng 13%; SHB lãi 3.620 tỉ đồng, tăng 12%; MBBank lãi hơn 6.512 tỉ đồng, tăng 10%; Bắc Á lãi 335 tỉ đồng, tăng 36%; KienlongBank lãi hơn 202 tỉ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.

Thách thức giảm bớt

Thứ nhất, lãi suất huy động đã giảm nhanh từ giữa tháng 3-2023 đến nay, đặc biệt sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hai lần giảm lãi suất điều hành, giúp chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng đang đi xuống trở lại. Đây được xem là một trong những yếu tố ảnh hưởng tích cực nhất lên hoạt động của các ngân hàng, khi không chỉ giảm bớt áp lực lên nguy cơ hệ số NIM bị thu hẹp. Lãi suất huy động thấp hơn dẫn đến lãi suất cho vay sẽ dần thấp hơn, giúp giảm bớt rủi ro nợ xấu gia tăng, đồng thời thúc đẩy tín dụng có thể tăng trưởng nhanh hơn khi kích thích nhu cầu vay tăng trở lại.

Thứ hai, dù rủi ro nợ xấu vẫn còn đó, thể hiện qua chất lượng tín dụng của một số ngân hàng có tín hiệu suy yếu qua báo cáo tài chính quí 1, với con số nợ xấu tuyệt đối lẫn tỷ lệ nợ xấu tương đối đều tăng nhanh so với cùng kỳ lẫn so với cuối năm trước khiến các ngân hàng này phải tăng trích lập dự phòng ảnh hưởng lên lợi nhuận, nhưng gần đây NHNN đã có giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ khi cho phép các ngân hàng được tái cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn đến tháng 6-2024.

Cụ thể, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Thông tư 02 cũng quy định dự phòng phải trích bổ sung với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn được thực hiện theo hai giai đoạn, tối thiểu 50% vào ngày 31-12-2023 và trích dự phòng thêm cho đủ 100% vào cuối năm 2024, nhằm giãn áp lực phải trích dự phòng đối với các khoản nợ xấu được tái cơ cấu.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VNDirect, Thông tư 02 sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản, vay tiêu dùng cao trong danh mục tín dụng như Techcombank, MBBank và VPBank. Bởi lẽ, các ngân hàng này đang đối diện rủi ro trích lập dự phòng cao hơn các ngân hàng có mô hình kinh doanh “an toàn” (ít cho vay bất động sản, không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) trong thời điểm hiện nay.

Đáng lưu ý là ngoài việc được giãn chi phí dự phòng ra hai năm, thông tư mới ban hành cũng có điểm hỗ trợ tích cực so với dự thảo ban đầu là vẫn cho phép các ngân hàng hạch toán lãi dự thu với các khoản nợ nhóm 1 được cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ, từ đó cũng giảm bớt những tác động tiêu cực đột ngột lên hệ số NIM.

Thứ ba, để giảm bớt những ảnh hưởng từ nguồn thu nhập ngoài lãi suy giảm do khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay phí thu từ kênh bancassurance, một số ngân hàng gần đây đã tái kích hoạt chính sách thu phí dịch vụ liên quan đến các hoạt động thanh toán, sau giai đoạn miễn giảm trong những năm gần đây để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này dù khiến một bộ phận khách hàng phản ứng nhưng trước nguy cơ lợi nhuận tăng trưởng chậm lại trong khi nguồn vốn ngày càng phình to, các ngân hàng có thể tiếp tục cân nhắc giải pháp này để đảm bảo duy trì các hệ số sinh lời.

Thứ tư, để hỗ trợ thị trường bất động sản cũng như thúc đẩy dòng vốn tín dụng phát huy hiệu quả thực chất hơn, NHNN cũng đã ban hành các chương trình phát triển tín dụng mà gần đây nhất là gói tín dụng 120.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội. Mức lãi suất của gói tín dụng này sẽ giảm 1,5% so với mức cho vay thông thường đối với với các chủ đầu tư tham gia phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Đối với người mua sẽ được hỗ trợ giảm 2%.

Đặc biệt, NHNN cũng đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 41/2016/TT-NHNN liên quan đến cách tính hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay nhà ở xã hội. Theo đó, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng với các khoản vay thế chấp nhà ở xã hội khi tính toán hệ số an toàn vốn (CAR) sẽ dao động từ 12-50%, thay vì mức 25-100% như hiện nay, nhằm khuyến khích các ngân hàng cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ.

Cuối cùng, theo thông tin chia sẻ từ NHNN trong cuộc họp mới đây, tín dụng quí 1-2023 đang tăng chậm, chủ yếu do nhu cầu vốn của nền kinh tế yếu. Hiện cơ quan này đang đưa ra các giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng thời gian tới. Ngoài ra, khi điều kiện cho phép, NHNN sẽ giảm thêm lãi suất điều hành. Đây đều là những chính sách hỗ trợ ngành nói chung và các ngân hàng nói riêng nhằm giảm bớt thách thức trong hoạt động năm nay.

2 BÌNH LUẬN

  1. Thách thức, khó khăn thì lúc nào chả có. Quan trọng là sự phối kết hợp giữa các chính sách hỗ trợ, giữa ngân hàng và doanh nghiệp có kịp thời và hiệu quả không thôi ? Có khó khăn thì mới biết được sự trưởng thành và sự tin cậy dài lâu đến mức độ nào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới