Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thái Lan đối mặt khủng hoảng nợ hộ gia đình khi lạm phát tăng

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Với mức nợ hộ gia đình lên đến 400 tỉ đô la Mỹ, tương đương 90% GDP, thuộc hàng cao nhất châu Á, Thái Lan có thể tăng trưởng chậm lại do sức mua của người dân suy giảm trong bối cảnh lạm phát tăng và ngân hàng trung ương nước này dự kiến tăng lãi suất trong nửa cuối năm nay.

Gánh nặng hộ gia đình sẽ làm giảm sức chi tiêu của người dân Thái Lan trong thời kỳ lạm phát cao. Ảnh: Asia News

Nợ hộ gia đình ở mức cao nhất trong 14 năm

Một cuộc khảo sát gần đây của Đại học Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC) với 1.260 người có thu nhập dưới 15.000 baht (412 đô la Mỹ) mỗi tháng, cho thấy rằng 99% trong số họ đang mắc nợ. Nợ chủ yếu phát sinh từ chi phí hàng ngày, thẻ tín dụng và mua nhà và xe. Cuộc khảo sát ước tính khoản nợ trung bình của mỗi hộ gia đình ở Thái Lan đang là 217.952 baht (6.000 đô la), tăng 5,9% so với một năm trước đó và là mức cao nhất được ghi nhận trong 14 năm.

Theo KKP Research, đơn vị nghiên cứu của Ngân hàng Kiatnakin Phatra, có trụ sở tại Bangkok, tỷ lệ nợ hộ gia đình ở Thái Lan so với GDP đang ở mức cao thứ 11 của thế giới khi người dân phải xoay xở để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Báo cáo của KKP Research cho biết hầu hết các hộ gia đình ở nhóm 20% có thu nhập thấp nhất ở Thái Lan chỉ kiếm được trung bình 10.000 baht mỗi tháng nhưng mức chi tiêu tiêu hàng tháng tối thiểu của họ là 12.000 baht. Vì vậy, những hộ gia đình này đã phải đi vay để chi trả cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, làm tăng tỷ trọng nợ tiêu dùng ngắn hạn trong tổng nợ hộ gia đình.

Thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan cũng rất thấp so với các nước có mức nợ tương tự, cho thấy nền kinh tế Thái Lan dễ bị tổn thương bởi các khoản nợ hộ gia đình hơn các nước khác, KKP Research nhận định.

Chỉ số giá tiêu dùng của Thái Lan trong tháng 6 tăng 7,66%, mức cao nhất trong 14 năm, có thể buộc Ngân hàng trung ương Thái Lan sớm tăng lãi suất vào tháng 8.

Theo Ngân hàng Credit Suisse, Thái Lan có một trong những mức độ bất bình đẳng giàu nghèo cao nhất trên thế giới và nợ có xu hướng tập trung vào các hộ gia đình thu nhập thấp, có tỷ lệ tài sản trên nợ thấp hơn. Do đó, khi lãi suất tăng, các hộ gia đình này phải giảm tiêu dùng để trả nợ, khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Các hộ gia đình có thu nhập thấp cũng chịu sức ép lớn hơn khi lạm phát tăng do chi phí thực phẩm và năng lượng chiếm tỷ trọng tương đối lớn hơn trong tổng chi tiêu của họ.

KKP Research cho rằng mọi nỗ lực kích thích tiêu dùng thông qua vay nợ sẽ đi vào ngõ cụt vì Thái Lan đang có mức nợ hộ gia đình cao.

Điều này có nghĩa là nỗ lực kích thích tiêu dùng dựa vào nợ không thể tạo ra tăng trưởng. Nếu Thái Lan tập trung vào các nỗ lực giảm nợ hộ gia đình, động lực tiêu dùng sẽ giảm khoảng 1,3 điểm phần trăm, trong khi tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại khoảng 0,7 điểm phần trăm, gây ra tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài.

50% người trên 30 tuổi đang vay nợ

Các khoản nợ đeo đẳng bà Jiraporn Maysoongnoen, 58 tuổi, gần như trong suốt cuộc đời bà kể từ khi bà bước vào độ tuổi trưởng thành. Lúc bà 18 tuổi, khi đang làm giáo viên với mức lương hàng tháng bắt đầu từ 2.200 baht (60 đô la), bà đã vay tiền mua một chiếc xe máy để có thể đi làm việc ở miền đông Thái Lan.

Để có thêm thu nhập, bà bắt đầu kinh doanh tour du lịch cách đây hai thập niên, bà vay một lần nữa để mua xe buýt du lịch. Nợ của bà ngày càng tăng sau khi bà mua một căn nhà mới cho gia đình và trả các khoản vay bằng thẻ tín dụng.

Mặc dù giờ đây kiếm được mức thu nhập cao gấp 30 lần cách đây 4 thập niên, Maysoongnoen nói rằng bà ấy chưa một lần thoát cảnh nợ nần. Khoản nợ của bà hiện nay là trên 8 triệu baht (218.000 đô la). Bà nói: “Tôi không biết liệu có thể trả hết nợ vào năm 80 tuổi hay không. Nhưng làm thế nào tôi có thể lo liệu mọi thứ cho cuộc sống mà không cần đến các khoản vay?”.

Dù vẫn kiếm được thu nhập đều đặn, chứ không giống như hàng triệu người khác ở khu vực lao động phi chính thức của Thái Lan, bà Maysoongnoen là một phần của cuộc khủng hoảng nợ hộ gia đình ảnh hưởng đến khoảng 50% trong số 66 triệu người dân ở xứ sở Chùa Vàng.

Theo Kajorn Thanapase, Giám đốc Văn phòng Bảo vệ tài chính người tiêu dùng của Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT), nhiều người dân mắc nợ khi họ còn trẻ hoặc khi mới bắt đầu sự nghiệp. Phát biểu tại một hội thảo gần đây, do tổ chức Think Forward Center chủ trì, ông cho biết dữ liệu cho thấy một nửa số người trên 30 tuổi ở Thái Lan đang vay nợ và 1/5 trong số họ không có khả năng trả hết nợ, dẫn đến những “vết sẹo kinh tế” và ảnh hưởng đến năng suất lao động của họ.

Năm 2017, BoT đã ra mắt một chương trình có tên gọi “phòng khám nợ”, tập trung vào việc xử lý nợ xấu của các hộ gia đình, chẳng hạn như giảm lãi suất hoặc giãn thời gian trả nợ. Đồng thời, chương trình cũng cung cấp các kiến thức về tài chính, cho vay có trách nhiệm, bao gồm nguyên tắc cho vay theo giá trị tài sản cầm cố ở mức hợp lý.

Chính phủ Thái Lan đã xem năm 2022 là năm giải quyết nợ hộ gia đình, với mục đích giúp nông dân, giáo viên, nhân viên chính phủ, cảnh sát và những người có khoản vay sinh viên tái cơ cấu nợ và xử lý nợ.

Theo BoT, nợ hộ gia đình của Thái Lan ở mức 14,5 ngàn tỉ baht (gần 400 tỉ đô la) vào cuối năm 2021, với các khoản vay chủ yếu tập trung vào vay thế chấp mua nhà, cho vay kinh doanh và cho vay mua ô tô hoặc xe máy.

Nền kinh tế có thể tăng trưởng chậm cho đến năm 2025

Decharut Sukkumnoed, Giám đốc  tổ chức Think Forward Centre, cho biết không giống như nợ ở các nền kinh tế lớn, các khoản nợ hộ gia đình ở Thái Lan chủ yếu là để tiêu dùng, vì vậy, chúng có rủi ro thành nợ xấu cao hơn. Ông cho rằng sẽ mất nhiều thập niên để tỷ lệ nợ hộ gia đình/GDP giảm xuống, tùy thuộc vào tình trạng của nền kinh tế Thái Lan trong những năm tới.

Pavida Pananond, giáo sư kinh doanh quốc tế tại Trường Kinh doanh Thammasat (Thái Lan), cho biết có một vài trở ngại trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ hộ gia đình ở Thái Lan. Bà nói: “Nợ hộ gia đình không nhất thiết là một điều xấu nếu người vay có khả năng trả nợ. Tuy nhiên, mức nợ hộ gia đình trên GDP tăng lên trong giai đoạn này là điều đáng lo ngại vì đà tăng của lạm phát và lãi suất sẽ làm giảm khả năng trả nợ của các hộ gia đình, gây rủi ro cho sức khỏe tài chính nói chung của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các bên vay nợ khác”.

Bà dự báo Thái Lan sẽ rơi vào chu kỳ tăng trưởng kinh tế chậm ít nhất là cho đến năm 2025, khiến việc thanh toán các khoản nợ hộ gia đình trở nên khó khăn hơn. Theo bà, dân số Thái Lan ngày càng già hóa và điều này có nghĩa là một bộ phận người dân đối mặt với thách thức hơn trong việc trả nợ do thu nhập của họ bị giảm.

Theo Bangkok Post, South China Morning Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới