Thái Lan: hệ lụy chương trình mua lúa giá cao
Chánh Tài
![]() |
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra vận động tranh cử ở vùng nông thôn Thái Lan vào năm 2011. Ảnh: Reuters |
(TBKTSG Online) – Áp lực ngày càng tăng với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra sau khi nội các Thái Lan phê duyệt ngân sách 240 tỉ baht (7,8 tỉ đô la Mỹ) để kéo dài chương trình mua lúa giá cao thêm một năm nữa vào ngày 2-10.
Chương trình bắt đầu vào tháng 10-2012 và dự kiến sẽ mua 15 triệu tấn lúa. Các nghị sĩ đảng đối lập Dân chủ không tin các kho dự trữ lúa của chính phủ chỉ còn bốn triệu tấn như Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom thông báo. Họ nói còn 14 triệu tấn lúa trong các kho dự trữ.
Ngày 3-10, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Thái Lan Virabongsa Ramang cảnh báo chương trình mua giá lúa giá cao sẽ đe dọa sự ổn định của quốc gia và cần hủy bỏ. Ông nói chương trình này ngốn một khoản ngân sách lớn của chính phủ và có thể làm nảy sinh tham nhũng.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra phản bác quan điểm của ông Ramang. Bà cho rằng tăng thu nhập của nông dân sẽ giúp kích thích nền kinh tế.
Lỗ 80 tỉ baht vì mua lúa giá cao
Thách thức ẩn chứa trong chính sách trợ cấp nông nghiệp vẫn là vấn đề nhức nhối của các nước có mức thu nhập trung bình: Làm thế nào để thu nhập người dân ở vùng nông không tụt sâu hơn nữa so với thu nhập người dân thành thị. Các chuyên gia cảnh báo các chính sách theo hướng chủ nghĩa dân túy như chương trình mua lúa giá cao có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực cho ngân sách của chính phủ.
Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra quyết định mua lúa cao hơn 40% so với giá thị trường vào năm ngoái với ước vọng sẽ giúp tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa. Những nông dân này đang đòi hỏi chính phủ phân phối thịnh vượng tốt hơn và không phải ngẫu nhiên mà họ ủng hộ mạnh mẽ đảng cầm quyền Pheu Thai.
Trong năm qua, chương trình thu mua giá lúa giá cao đã tiêu tốn của chính phủ Thái Lan khoảng 260 tỉ baht (8 tỉ đô la Mỹ) tính đến nay. Năm nay, giá gạo trong nước tăng lên trong thời gian ngắn khi hạn hán hoành hành ở Mỹ nhưng nói chung vẫn còn yếu. Chính phủ Thái Lan đã thu mua rất nhiều lúa và phải bán lỗ để giải phóng các kho dự trữ quá chật chội. Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom thừa nhận chính phủ lỗ khoảng 70-80 tỉ baht (47.600-54.400 tỉ đồng Việt Nam) cho chương trình mua lúa giá cao trong năm qua. Tính ra, trong năm qua, chính phủ Thái Lan đã chi 3,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chương trình mua lúa giá cao.
Chất lượng gạo giảm
Nông dân Thái Lan đang sản xuất nhiều lúa gạo hơn nhờ chính sách hỗ trợ của chính phủ. Tuy nhiên, về lâu dài, chính chính sách thua mua lúa giá cao sẽ khiến nông dân tập trung vào sản lượng thay vì chất lượng.
Nhà kinh tế trưởng Sutapa Amornvivat ở phòng nghiên cứu của ngân hành thương mại Siam (Thái Lan) cảnh báo chính sách mua lúa giá cao 15.000 baht (10,2 triệu đồng VN)/tấn sẽ hủy hoại hiệu quả sản xuất lúa gạo. Nông dân sẽ chạy đua tăng sản lượng bằng cách sử dụng nhiều phân bón hóa học và làm hỏng đất đai. Bà cho biết sản lượng gạo của Thái Lan năm ngoái giảm xuống chỉ còn 450kg/rai (1.600 m2), chỉ bằng phân nửa so với Việt Nam. Điều đáng lo ngại hơn là việc chạy đua sản lượng sẽ khiến chất lượng gạo của Thái Lan xuống thấp.
Hơn nữa, chương trình mua lúa giá cao sẽ khiến Thái Lan mất vị trí xuất khẩu gạo số một thế giới do thua thiệt về lợi thế cạnh tranh.
Hiện nay, giá gạo xuất khẩu Thái Lan cao hơn 30-40% so với giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Ấn Độ. Trong khi đó, Myanmar, từng là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đang bắt đầu cải cách và sẽ sớm nâng cao sản lượng như đã làm cách đây 10 năm nhờ chi phí lao động thấp.
Bà Amornvivat kêu gọi chính phủ chi nhiều tiền hơn để cải thiện chất lượng gạo, tăng năng suất và củng cố sức cạnh tranh thay vì tiếp tục chương trình mua lúa giá cao. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhận định Thái Lan chỉ lấy lại vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới chỉ khi chấm dứt chương trình mua lúa lúa giá cao.
Chính sách trợ cấp không đi đúng hướng
Dư luận chung có thể đồng tình với việc các nước công nghiệp chưa phát triển như Thái Lan đưa ra các chính sách trợ cấp nhằm tránh để các vùng nông thôn bị bỏ lại phía sau khu vực thành thị. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chương trình mua lúa gạo ở Thái Lan là giải pháp đúng.
Điều cần thiết hơn là các nhà hoạch định chính sách Thái Lan cần thúc đẩy thu nhập nông thôn tăng tự nhiên thông qua tăng năng suất nông nghiệp qua cải tạo và bồi bổ đất đai, cơ khí hóa, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ mới.
Chính sách trợ cấp nông nghiệp vẫn được thực hiện ngay cả ở những nền kinh tế phát triển như Mỹ hay châu Âu nhưng tác động tài chính của chúng chỉ ở mức nhỏ vì nông dân chỉ chiếm 3-5% lực lượng lao động. Trong khi đó, ở các nước thu nhập trung bình, nông dân chiếm đến 20-30% lực lượng lao động, do vậy, các nước này có nguy cơ bị kẹt với khoản ngân sách khổng lồ dành cho các chương trình trợ cấp nông nghiệp.
Đưa ra chương trình mua lúa giá cao, bà Yingluck đang tự đặt mình vào thế đặng chẳng đừng vì bà đang cần sự ủng hộ của bộ phận cử tri nông thôn để củng cố sức mạnh chính trị. Nếu bà ngưng chương trình, nông dân sẽ không chịu ngồi yên và căng thẳng xã hội có thể trỗi dậy. Bằng chứng là ngày 2-10, 3.000 nông dân đã tụ tập trước Viện quản lý phát triển quốc gia Thái Lan để biểu tình phản đối sau khi một nhóm học giả của viện này kiến nghị tòa án hiến pháp Thái Lan ra quyết định ngưng chương trình mua gạo giá cao.
(theo Reuters)