Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thái Lan nâng dự báo xuất khẩu gạo cả năm lên 8,2 triệu tấn

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thái Lan nâng dự báo xuất khẩu gạo trong năm 2024 lên 8,4 triệu tấn so với dự kiến trước đó là 7,5 triệu tấn. Hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan đang gặp thuận lợi nhờ nhu cầu mạnh mẽ của các thị trường chính và đồng baht yếu.

Công nhân bốc dỡ các bao gạo của Thái Lan nhập khẩu ở cảng Malahayati, tỉnh Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP

Hưởng lợi nhờ nhu cầu của Indonesia và Philippines

Dữ liệu của Bộ Thương mại Thái Lan (MOT) công bố hôm 31-7 cho thấy, xuất khẩu gạo trong nửa đầu năm đạt 5,08 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo MOT, xuất khẩu gạo Thái Lan gặp thuận lợi nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ các thị trường chính là Indonesia và Philippines cũng như đồng baht suy yếu.

Dự báo, ​​xuất khẩu gạo cả năm sẽ đạt 8,2 triệu tấn gạo, với giá trị 162 tỉ baht (4,5 tỉ đô la Mỹ), cao hơn so với dự báo trước đó là 7,5 triệu tấn. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn 6,5% so với lượng gạo xuất khẩu năm ngoái.

Tại cuộc họp báo ở Bangkok, Ronnarong Phoolpipat, Cục trưởng Cục Ngoại thương của MOT cho biết, xuất khẩu gạo trong nửa đầu năm đạt 5,08 triệu tấn với giá trị 117,8 tỉ baht (3,3 tỉ đô la Mỹ) tăng lần lượt 25,1% và 55,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 6, Thái Lan xuất khẩu 1,02 triệu tấn gạo, tăng đến 78,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

MOT dự báo Philippines và Indonesia sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo để giảm bớt tác động của lạm phát và hạn hán. “Các nhà nhập khẩu gạo muốn nhập khẩu gạo để tiêu thụ và dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực”, Cục trưởng Cục Ngoại thương nói.

Hơn nữa, các hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ và sự mất giá của đồng baht, xuống còn 36-37 baht đổi mỗi đô la Mỹ, đang giúp duy trì khả năng cạnh tranh về giá của gạo Thái Lan. Hôm 25-7, MOT đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) để thảo luận về tình hình xuất khẩu gạo trong nửa cuối năm.

Philippines chính thức công bố giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống 15%, có hiệu lực từ đầu tháng 8 năm nay và kéo dài đến năm 2028.

Theo ông Phoolpipat, năm nay, Philippines và Indonesia dự kiến tăng nhập khẩu gạo lần lượt lên tới 4,7 triệu tấn và 3,6-4,3 triệu tấn. Điều đó mang đến cơ hội đầy hứa hẹn cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Thái Lan. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan cũng sẽ được hỗ trợ bởi lượng gạo sản xuất trong vụ chính chuẩn bị bị tung ra thị trường trong quí 4 năm nay.

Ông Phoolpipat cho biết, sản lượng gạo sẽ tăng lên vào quí cuối năm nhờ lượng mưa phục vụ canh tác tăng khi tác động của hiện tượng thời tiết El Niño giảm bớt. Dự báo, sản lượng gạo năm 2024 tăng 5,75% so với năm ngoái. Vì vậy, giá gạo Thái Lan ngày càng giảm và trở nên cạnh tranh hơn.

Tình hình xuất khẩu gạo Thái Lan vẫn đang thuận lợi do các nhà xuất khẩu cam kết xuất khẩu một lượng lớn gạo, đặc biệt là gạo trắng sang các thị trường xuất khẩu chính trong ASEAN gồm Indonesia, Philippines và Malaysia cũng như châu Phi và Trung Đông.

Cũng theo ông Phoolpipat, MOT sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân có liên quan, trong đó có TREA để thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Các hoạt động chính được lên kế hoạch cho những tháng còn lại của năm bao gồm Hội nghị Lúa gạo Thái Lan (TRC) 2024. Đây là hội nghị quốc tế lớn nơi các chuyên gia về thương mại gạo toàn cầu gặp gỡ để trao đổi thông tin về tình hình thị trường toàn cầu và tham gia đàm phán kinh doanh.

MOT cũng có kế hoạch tăng cường quan hệ và mở rộng thị phần gạo tại các thị trường trọng điểm như Nam Phi, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia và Philippines.

Đối mặt nhiều yếu tố rủi ro trong nửa cuối năm

Tuy nhiên, việc xuất khẩu gạo của Thái Lan cũng đối mặt nhiều yếu tố  rủi ro trong nửa cuối năm nay, đáng chú ý là khả năng Ấn Độ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, sản lượng gạo dự kiến tăng lên ở Việt Nam, Pakistan, Myanmar và Campuchia có thể làm tăng nguồn cung toàn cầu dẫn đến cạnh tranh gay gắt. Các rủi ro khác là căng thẳng địa chính trị và sự biến động mạnh về giá cước vận tải biển

Chủ tịch TREAm Charoen Laothamatas cho biết, xuất khẩu gạo của Thái Lan tăng vọt trong tháng 6, chủ yếu nhờ Indonesia tăng mua để bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu trong những tháng cuối năm vẫn không chắc chắn. Xuất khẩu gạo sẽ chịu tác động nặng nề nếu Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng.

Cùng với đó, triển vọng trước mắt của ngành gạo nước này vẫn còn ảm đạm do giá đắt hơn gạo của các nước xuất khẩu khác. Thái Lan nên khắc phục điều này bằng cách tăng năng suất, tạo thêm thu nhập cho nông dân và tăng cường khả năng cạnh tranh.

“Gạo Thái Lan vẫn đắt hơn gạo từ các nước láng giềng. Ví dụ, gạo từ Việt Nam rẻ hơn khoảng 30 đô la/tấn so với Thái Lan”, ông nói và cho biết, sự khác biệt về giá là do Thái Lan chỉ sản xuất 400 kg lúa/rai (1.600 mét vuông), so với 900 kg/rai ở Việt Nam.

Người đứng đầu TREA cũng cho rằng, nhu cầu gạo của các nước nhập khẩu sẽ chậm lại khi sản lượng gạo của các nước xuất khẩu tăng lên vào cuối năm. Vì vậy, có thể nước này sẽ xuất khẩu khoảng 7,5 triệu tấn gạo trong năm nay, đúng kế hoạch ban đầu.

Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 sẽ đạt 528,17 triệu tấn, tăng 1,4% so với niên vụ 2023-2024. USDA dự báo, xuất khẩu gạo của Ấn Độ Cambodia, Brazil, Uruguay, Paraguay, Argentina, Liên minh châu Âu, Úc và Mỹ sẽ tăng trong năm nay. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Myanmar, China, Guyana và Thổ Nhĩ Kỳ dự báo giảm.

Theo Bangkok Post, The Nation

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới