Thứ tư, 28/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thái Phiên và giấc mơ về ảnh nude

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thái Phiên và giấc mơ về ảnh nude

Huy Nguyễn

(TBKTSG Online) – Quanh chuyện nên hay không “cởi trói” cho ảnh nude với những ồn ào gần đây, TBKTSG Online đã có cuộc trò chuyện thú vị với nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên. Với anh, đây là một thế giới rất thiêng liêng giống như một tín ngưỡng mà trong đó, anh là một tín đồ ngoan đạo. Nhưng, anh chỉ dám ước mơ rằng: ảnh nghệ thuật nude sẽ được các cấp quản lý nhìn nhận một cách “bình thường” giống như nhiều loại hình nghệ thuật khác.

>> Jazz với Quyền Văn Minh

TBKTSG Online: Cho đến giờ, Việt Nam đã tiếp nhận rất nhiều giá trị văn hóa của thế giới. Theo anh, vì sao ảnh nude nghệ thuật vẫn tồn tại một cách bán công khai, trong khi nó đã phổ biến tại các quốc gia được xem là rất khép kín với chuyện này như Trung Quốc và Ấn Độ?

- Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên: Tôi biết có rất nhiều nhà quản lý văn hóa cảm thụ được vẻ đẹp của ảnh nude nghệ thuật. Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế là loại hình này còn rất mới tại Việt Nam, mà cái gì mới lạ luôn nhận được những luồng ý kiến trái chiều. Nói cách khác “thành trì định kiến” về ảnh nude tại Việt Nam còn quá kiến cố, thế nên những nhà quản lý rất dè chừng với thể loại nghệ thuật này.

Tôi xin tổ chức triển lãm tại Hà Nội, nơi có số lượng lớn công chúng có trình độ cảm thụ mỹ học cao. Hội đồng thẩm định gồm các nhà chuyên môn về mỹ học đã nhất trí thông qua nhưng sau đó cấp quản lý vẫn không cấp phép. Hai năm sau, tôi lại xin tổ chức triển lãm tại Huế nhưng cũng gặp phải vấn đề tương tự. Tôi đoán rằng các cơ quan quản lý sợ "gặp rắc rối" nếu như cuộc triển lãm nhận quá nhiều lời bình phẩm không tốt từ những người bảo thủ hay những ai chưa thực sự hiểu rõ về ảnh nude nghệ thuật.

Thái Phiên và giấc mơ về ảnh nude
Tác phẩm "Đồi Trinh nữ" - giải đặc biệt Daejeontimes Great 2005, Korea (ảnh do Thái Phiên cung cấp)

Anh có nghĩ rằng nếu cấp quản lý “thoáng” với ảnh nude thì loại hình này sẽ bùng nổ và dẫn đến những biến tướng không thể lường trước?

- Nghệ thuật luôn có sự sàng lọc rất khốc liệt, thậm chí là rất khắc nghiệt nên người nghệ sĩ đích thực cần phải trang bị cho mình một kiến thức chuyên môn sâu, một trình độ lý luận phê bình sắc sảo.

Hiện tại, ở Việt Nam có rất ít nghệ sĩ nhiếp ảnh thực sự theo đuổi thể loại ảnh nghệ thuật nude. Trong quá trình sáng tạo họ liên tục cập nhật kiến thức từ các nguồn Internet, giáo trình của thế giới. Tất nhiên, những người sáng tạo phải phân biệt được rõ ràng đâu là ảnh nude nghệ thuật, đâu là nude phi nghệ thuật. Nhờ vậy, họ mới tạo ra những tác phẩm mang đến cho người xem những giá trị mỹ cảm đích thực và những tác phẩm đó tồn tại được trong lòng công chúng, phù hợp với văn hóa của người Á Đông.

Ngược lại, gần đây những bức ảnh khoe thân vừa mới “ló dạng” là lập tức bị “ném đá” ngay. Công chúng rất công minh, sáng suốt, phân biệt rất rõ ràng cái nào là nghệ thuật, cái nào là phản cảm. Thế nên, tôi tin rằng nếu có mảnh đất màu mỡ để phát triển thì ảnh nude nghệ thuật sẽ không tạo nên một hiện tượng xã hội tiêu cực nào. Ngược lại, nó mang đến cho người xem những cảm xúc thẩm mỹ khi thưởng thức vẻ đẹp thuần khiết của tạo hóa ban tặng cho con người, đặc biệt là người phụ nữ.

Anh thừa nhận ảnh nude nghệ thuật còn là thể loại quá mới lạ, thế thì bằng cách nào công chúng có thể thấu hiểu được nó?

- Với người thưởng thức nghệ thuật, họ chỉ cần “cảm” chứ không cần phải hiểu nhiều về bộ môn nghệ thuật đó. Cụ thể như trong nhạc của Trịnh Công Sơn có khá nhiều ca từ rất khó hiểu, thậm chí mỗi người hiểu một cách khác nhau, nhưng hầu như cùng có chung một cảm xúc khi nghe những bài hát đó.

Với những người làm chuyên môn, thì nghệ thuật thị giác nói riêng giống như một ngoại ngữ mà ai muốn hiểu được nó thì bắt buộc phải học ngôn ngữ của nó. Ảnh nude cũng vậy, nó có ngôn ngữ riêng và cách hiệu quả nhất để hiểu nó là phải học từng bước.

Trước tiên, người xem phải biết cách cảm thụ được vẻ đẹp của đường nét, ánh sáng và màu sắc. Nếu thấu hiểu được những yếu tố này họ sẽ thưởng thức một tác phẩm nude đúng nghĩa dưới góc độ nghệ thuật chứ không xem nó là hiện thân của nhục cảm, dung tục.

Với anh, ngoài kiến thức chuyên môn, người nghệ sĩ sáng tác ảnh nude cần những yếu tố gì để tạo nên vẻ đẹp cho tác phẩm?

- Theo ý kiến cá nhân tôi, người chơi ảnh nude đúng nghĩa rất cần có một kiến thức văn hóa dày và đa dạng. Đầu tiên, phải cảm thụ được văn học, vì văn học chính là cái nôi của tất cả những bộ môn nghệ thuật khác. Có khi chỉ là một câu hò, một mùi hương lúa thoảng qua, hay một ánh trăng chênh chếch cũng có thể gợi ý cho người nghệ sĩ thổi hồn vào tác phẩm của mình.

Ví dụ, tôi tìm hiểu về tín ngưỡng phồn thực (phồn: nhiều, thực: nảy nở) của văn hóa Chăm, mới hiểu được giá trị của biểu tượng Linga (sinh thực khí nam) và Yoni (sinh thực khí nữ). Hai biểu tượng này minh chứng cho một triết lý là âm dương có hòa hợp và cân bằng thì vạn vật mới sinh sôi nảy nở, cây cỏ mới phát triển tốt tươi được. Trong tác phẩm “Đồi Trinh nữ” tôi đã xử lý ánh sáng và tạo dáng tư thế của người mẫu dựa trên hai biểu tượng này. Nude nghệ thuật rất sâu sắc nếu người nghệ sĩ phải biết tìm tòi học hỏi và dấn thân trong sáng tạo.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên

Xin hỏi anh một câu nhạy cảm, anh đến với ảnh nude vì tiền, vì danh tiếng hay vì điều gì khác?

- Cách đây hơn 20 năm tôi là một kỹ sư lâm nghiệp, làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu gỗ, một công việc có thu nhập khá và ổn định. Nhờ vậy tôi có thể mua được một chiếc máy ảnh, một thứ được xem là xa xỉ vào thời điểm ấy. Khởi đầu tôi chỉ chụp ảnh cho bạn bè, người thân. Chụp chân dung, cảnh vật rồi dần dần đi sâu hơn vào sáng tác. Đến một lúc nào đó, tôi nhận ra mình cần phải có một lối đi riêng, thế là tôi quyết định rời bỏ công ty để theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh khỏa thân - chụp ảnh nude.

Thật không dễ yêu cầu một người nào đó chấp nhận khỏa thân để chụp hình nên tôi mất nhiều công sức thuyết phục, kể cả chi phí cho những chuyến đi sáng tác. Cho đến hiện tại tôi vẫn không sống được từ ảnh nude. Tôi bảo đảm cho cuộc sống gia đình bằng cách chụp quảng cáo, làm lịch... và “cấu” một phần tiền kiếm được để sáng tác ảnh nude nghệ thuật.

Về chữ danh càng không dám nghĩ, bởi vì, 20 năm trước và đến tận hôm nay đụng tới đề tài nhạy cảm này thì chỉ nhận lấy những cái nhìn phán xét gay gắt, thậm chí những búa rìu của dư luận. Cuối cùng, tôi nhận ra tôi dấn thân vào ảnh nude chỉ vì đam mê. Tôi hạnh phúc khi được làm những gì mình yêu thích.

Có bao giờ anh chụp nude theo yêu cầu của khách hàng?

- Tôi đã từng được một nữ Việt kiều chấp nhận trả 2.000 đô la để chụp một bộ ảnh nude theo đúng mẫu mà cô ấy tìm được trong một tạp chí nước ngoài. Tôi không chê tiền nhưng đã từ chối vì không muốn copy ý tưởng của người khác. Tôi không chụp nude với mục đích kinh doanh mà chỉ để sáng tạo nghệ thuật, vì thế tôi không nhận tiền công chup nude. Đã nhờ tôi chụp nude thì phải đồng ý công bố, vì theo tôi thì cái đẹp phải đến với mọi người chứ không thể cất riêng trong ngăn kéo. Tôi cũng nhận được nhiều lời đề nghị chụp nude với thù lao hậu hĩnh từ những chàng trai. Tôi cũng từ chối, vì nhận ra mình chỉ chụp nude có hồn cho nữ giới mà thôi.

Ngay lúc này, anh có một kế hoạch mới và một ước vọng gì với ảnh nude nghệ thuật tại Việt Nam?

- Tôi sáng tác nghệ thuật theo cảm xúc, mà cảm xúc thì không theo một kế hoạch cụ thể nào. Vả lại nghề của tôi cũng lệ thuộc rất nhiều vào những yếu tố khách quan khác, nên cũng chưa biết trước mình sẽ làm được gì. Có thể là ngày mai tôi vác máy lên đường, cũng có thể là một vài tháng nữa tôi in tiếp tập 2 cuốn sách "Xuân thì".

Còn ước vọng với ảnh nude nghệ thuật ư, tôi khát khao cấp quản lý văn hóa hãy nhìn ảnh nude nghệ thuật bằng cái nhìn “bình thường” giống như các loại hình nghệ thuật khác. Hãy trả ảnh khỏa thân nghệ thuật về đúng với vị trí mà nó xứng đáng được có và đã có trên thế giới!

Xin cám ơn anh!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới