Thứ ba, 5/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thẩm định hàng loạt luận án tiến sĩ: nhiệm vụ bất khả thi

Thiện Khang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sau khi dư luận xã hội rộ lên việc các luận án tiến sĩ không đủ tầm và na ná nhau như sản phẩm từ “lò ấp trứng”, đầu tuần này Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức lên tiếng và tuyên bố sẽ thẩm định lại những luận án tiến sĩ bị phản ánh về chất lượng.

Báo Thanh Niên dẫn lời bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết theo quy chế hiện hành về đào tạo tiến sĩ, bộ này sẽ tổ chức thẩm định nội dung một số luận án khi có phản ánh, khiếu nại hoặc tố cáo hay theo yêu cầu của công tác quản lý, kiểm tra và giám sát. Thế nhưng, liệu mọi việc có đơn giản và dễ dàng như lời bà vụ trưởng hay không? Xin thưa là không, nếu tuân thủ đầy đủ theo quy định hiện hành.

Theo Điều 21, Thông tư 18/2021 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, thì đối với những trường hợp chất lượng luận án không đạt yêu cầu quy trình thẩm định phải đi qua đủ ba bước như sau:

- Bước 1, Bộ GD-ĐT phải thành lập hội đồng thẩm định luận án tiến sĩ gồm bảy thành viên. Luận án không đạt yêu cầu thẩm định khi có từ hai thành viên có mặt trở lên không thông qua.

- Bước 2, trong trường hợp hội đồng kết luận luận án không đạt yêu cầu, cơ sở đào tạo tổ chức và chủ trì đối thoại giữa hội đồng thẩm định và hội đồng đánh giá có sự tham dự của đại diện Bộ GD-ĐT. Số lượng thành viên của hai hội đồng dự họp tối thiểu là chín người, trong đó chủ tịch, người phản biện, thư ký và các thành viên có ý kiến không tán thành của cả hai hội đồng phải có mặt.

- Bước 3, luận án không được thông qua nếu có từ ba thành viên có mặt tại buổi đối thoại trở lên không tán thành. Kết quả cuộc họp đối thoại là kết quả thẩm định cuối cùng về chất lượng luận án.

Có thể nói thẳng, việc thẩm định này sẽ chẳng đi đến đâu vì Bộ GD-ĐT sẽ xử lý thế nào với việc phải lập ra hàng trăm hội đồng thẩm định nếu có hàng trăm luận án bị khiếu nại? Thời gian thẩm định sẽ kéo dài bao lâu mới xong với quy trình ba bước theo quy chế hiện hành? Chỉ riêng việc tập hợp đủ những thành viên không được phép vắng mặt trong cả hai hội đồng đã là một việc không dễ dàng.

Đó là chưa kể những hệ quả kéo theo nếu chuyện “tước bằng” xảy ra. Những cá nhân và tổ chức liên quan đến việc thông qua luận án tiến sĩ không đạt sẽ bị xử lý ra sao? Đây cũng là việc phức tạp và tế nhị vì sẽ đụng chạm đến nhiều cây đa cây đề trong giới khoa bảng nước nhà.

Cũng theo bài báo đã dẫn ở trên, bà Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng trách nhiệm khi luận án tiến sĩ không đạt chất lượng chủ yếu thuộc về cơ sở đào tạo vì “Bộ GD-ĐT luôn yêu cầu các cơ sở đào tạo chủ động và thực hiện trách nhiệm giải trình trong quá trình đào tạo. Bộ cũng đề nghị các bên liên quan và toàn xã hội tiếp tục tăng cường giám sát, phản ánh, tư vấn… nhằm tăng cường chất lượng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, trong đó có đào tạo tiến sĩ”.

Có lẽ bà vụ trưởng đã quên rằng, dù trách nhiệm là ở hội đồng khoa học tư vấn, nghiệm thu đánh giá luận án tiến sĩ thì cũng không thể bỏ qua vai trò hậu kiểm của Bộ GD-ĐT. Bởi vì, các đề tài luận án tiến sĩ, sau khi đã được hội đồng tư vấn và cơ sở đào tạo quyết định, đều phải báo cáo Bộ GD-ĐT thẩm định chứ không chỉ để báo cáo hành chính. Mặt khác, Bộ GD-ĐT còn có khâu hậu kiểm, thẩm định lại 20% luận án đã bảo vệ, cấp bằng.

Trên thực tế, công tác hậu kiểm này chưa được làm đến nơi đến chốn, chưa triệt để và cách giải quyết cũng nửa vời. Có luận án qua hậu kiểm đã bị hủy, thu hồi bằng tiến sĩ, nhưng chủ tịch hội đồng, các phản biện và thành viên không hề bị xử lý, họ vẫn tiếp tục làm chủ tịch hội đồng và phản biện các luận án khác, theo Tuổi Trẻ.

Lẽ ra, nếu Bộ GD-ĐT làm chặt chẽ, nghiêm túc khâu hậu kiểm thì đã không để lọt lưới hàng loạt luận án kiểu “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La”. Mà chỉ riêng luận án cùng chủ đề “phát triển môn cầu lông” còn có thêm ít nhất… sáu cái trên hệ thống cơ sở dữ liệu được công bố từ năm 2018 đến nay.

Bộ GD-ĐT đã gác cửa ra sao mà để lọt lưới hàng loạt như vậy để rồi giờ đây lại phải tổ chức thẩm định luận án tiến sĩ?

1 BÌNH LUẬN

  1. Xin thôi. Đừng đề xuất làm những chuyện… tào lao nữa. Chắc chắn hậu quả tiếp theo sẽ còn tệ hơn nhiều so với những câu chuyện quá tệ đã và đang xảy ra rồi. Nếu muốn mọi thứ thay đổi, hãy tự nghiêm túc thay đổi bản thân mình trước đã.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới