Thứ ba, 11/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thăm lại ngôi nhà cổ của “Người tình”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thăm lại ngôi nhà cổ của “Người tình”

Cát Lộc

Thăm lại ngôi nhà cổ của “Người tình”
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Ảnh: Cát Lộc

(TBKTSG Online) - Sau khi bộ phim L’Amant (Người tình) được công chiếu lần đầu tiên tại Pháp (từ ngày 22-1-1992, sau đó là Anh và Mỹ) đã khiến cho ngôi nhà cổ nằm bên bờ sông Sa Đéc (Đồng Tháp) trở nên nổi tiếng đối với du khách nước ngoài, nhất là người Pháp, họ thường tìm đến tham quan ngôi nhà cổ mà Huỳnh Thủy Lê đã từng một thời sống với cha mẹ ông.

Bộ phim L'Amant được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Marguerite Duras (1914 1996), một nhà văn, nữ đạo diễn điện ảnh người Pháp nổi tiếng, kể về mối tình đầu lãng mạn giữa một thiếu nữ 15 tuổi người Pháp và một người Hoa giàu có, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ tình cờ trên chuyến phà Vĩnh Long - Sa Đéc. Chuyện phim được phóng tác từ cuộc tình của bản thân tác giả - khi còn là một thiếu nữ 17 tuổi, sống với mẹ là hiệu trưởng trường tiểu học Sa Đéc -  và “công tử” Huỳnh Thủy Lê, con trai thứ một thương gia Huê kiều giàu có tại địa phương.

Ngày nay, ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (số 255A đường Nguyễn Huệ, thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp) nằm cặp bờ sông, sát bên chợ Sa Đéc nên lúc nào cũng nhộn nhịp cảnh bán mua. Dù vậy, lọt thỏm vào bên trong sân nhà, nhất là vào bên trong nhà thì không khí tĩnh mịch, êm ả như gợi ta sống lại một thời quá vãng, khi mà ông Huỳnh Thủy Lê còn thơ bé, nhất là khi vừa đến tuổi đôi mươi phải lòng một thiếu nữ Pháp đẹp xinh.

Từ sân nhìn vào, ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê toát lên vẻ cổ kính của nó không phải vì lớp vôi, lớp sơn các song sắt phai màu, mà vì dù ngôi nhà được thiết kế theo kiến trúc kiểu Pháp thời ấy nhưng vẫn ảnh hưởng phong cách trang trí thường thấy trong những công trình to lớn của người Hoa định cư tại Việt Nam.

Bàn thờ Quan Công với hoành phi, câu đối, bao lam... chạm trổ tinh xảo. Ảnh: Cát Lộc

Theo tư liệu, ngôi nhà nầy do ông Huỳnh Cẩm Thuận (sinh năm 1862), xây dựng vào năm 1917 với vật liệu được nhập từ Pháp. Mặt tiền nhà được trang trí bằng các mảnh sành, sứ, khuôn bông. Nền nhà lót gạch bông. Vách nhà xây tường dày nên vào trong nhà dù mùa nóng bức vẫn giúp ta cảm nhận không khí mát mẻ, dễ chịu. Đáng chú ý, nóc nhà cong vút hình mũi thuyền – phong cách kiến trúc đậm nét sông nước phương Đông. Cũng như bao ngôi biệt thự Huê kiều khác, như các “cung” (miếu thờ người Tiều mà ta quen gọi “chùa”) thường có cặp lưỡng long tranh châu bên giữa đỉnh nóc nhà.

Bên cạnh phong cách Hoa, ngôi nhà còn gợi cho ta ấn tượng kiến trúc La Mã thời kỳ Phục hưng (thế kỷ 17) với cửa vòm, cột vuông gắn hoa văn và phù điêu nghệ thuật. Khung cửa chính bằng đá xanh nguyên khối đưa từ Trung Hoa sang, bên trên có bức hoành phi chạm trổ hoa văn, sơn son thếp vàng ba chữ "Huỳnh Cẩm Thuận” bằng Hán ngữ. Trên hai khung cửa phụ bằng gỗ có hai câu đối chữ Hán là “Cảm tình” và “Thuận ý”. Giữa gian nhà chính là bàn thờ với bức chân dung Quan Công (Quan Vân Trường) oai nghiêm; cùng nhiều hoành phi, câu đối chữ Hán và bao lam thành vọng bày trí khá hài hòa, chạm trổ tinh xảo.

Bên trái gian chính có đặt chiếc máy hát quay tay, chiếc tivi cửa lùa – loại máy thu hình có giá trị vào khoảng cuối thập niên 1960. Trong nhà có bộ bàn ghế, sập cổ là nơi ông Huỳnh Cẩm Thuận nghỉ ngơi sau những giờ làm việc nhọc mệt hoặc ngồi ngẫm nghĩ chuyện làm ăn... Ngoài ra ta còn thấy những vật dụng gia đình thường nhật như tủ rượu, giá sách, bộ ấm trà, đèn vẫn còn được gìn giữ cẩn thận đến ngày nay. Trên bức tường bên phải ngôi nhà treo những tấm ảnh màu, được trích từ phim Người tình.

Các bức ảnh trích trong phim “Người tình” treo trên vách phải nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Ảnh: Cát Lộc

Đến đây, nếu muốn tận hưởng không khí xưa, thời Huỳnh Thủy Lê còn trẻ, khách du lịch có thể mướn một trong hai phòng ngủ của ngôi nhà. Đêm ngủ trong ngôi nhà cổ nầy, khách sẽ có dịp nhớ lại câu chuyện mối tình lãng mạn, trắc trở của cặp đôi trai Huê kiều và gái Pháp.

Sau khi kết thúc chuyện tình vì trắc trở hôn nhân, ông Huỳnh Thủy Lê cưới vợ. Có lần sau đó, chàng đưa vợ sang Pháp du lịch, nhớ người tình Pháp năm xưa, chàng tìm cách liên lạc. Cuộc gặp gỡ qua điện thoại nầy, Huỳnh Thủy Lê nói trong nghẹn ngào: “Tôi vẫn yêu em như thuở nào”. Câu nói ấy khiến bà Marguerite Duras xuyến xao và cuộc tình lãng mạn ấy đã được lưu giữ trong ký ức và trở thành tiểu thuyết “L’Amant”, được xuất bản năm 1984, được trao giải Goncourt, xuất bản bằng hơn 40 thứ tiếng và sau đó được đạo diễn Jean Jacques Annaud dựng thành phim năm 1992.

Chuyện tình giữa chàng trai Huê kiều và cô gái Pháp nghèo khó ấy đã giúp ngôi nhà Huỳnh Thủy Lê thành điểm du lịch độc đáo. Năm 2009, ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được xếp hạng Di tích Quốc gia. Từ đó, ngôi nhà cổ nầy luôn rộn rịp bước chân du khách gần xa đến viếng thăm, hoài nhớ một thời xa xưa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới