Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thăm làng dệt lụa Sray Skôth

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thăm làng dệt lụa Sray Skôth

Con gái bà Néang On bên khung dệt lụa truyền thống.

(SGTO) - Từ Tri Tôn theo tỉnh lộ 984 về núi Cấm, đến xã Văn Giáo (Tịnh Biên) nhớ ghé thăm làng dệt ở ấp Sray Skôth - một làng nghề thủ công truyền thống của người Khmer Nam Bộ, một địa điểm văn hóa đặc sắc.

Nghề dệt thổ cẩm của người Khmer nơi đây có từ đầu thế kỷ 20. Thời đó, nhà nào cũng có cái xa quay tơ và khung dệt. Lụa Sray Skôth khá nổi tiếng, phần lớn bà con mang sang Phnom Penh (Campuchia) để bán. Dệt lụa thổ cẩm là nghề truyền thống của cư dân Khmer vùng Bảy Núi.

Trước kia, mỗi gia đình trong phum sóc vùng này đều có khung cửi dành cho phụ nữ dệt khăn, xà rông... Phần nhiều thiếu nữ Khmer đều biết dệt trước khi lấy chồng; các cô gái tự dệt những khúc lụa đẹp để may trang phục cho ngày cưới của mình. Kỹ thuật dệt lụa khá độc đáo, các nghệ nhân dệt ba lớp sợi tơ với ba màu khác nhau, người mặc vải lụa khi đứng có màu xanh, ngồi xuống ngả sang đỏ, nhìn nghiêng thấy màu cam.

Lụa dùng cho trang phục thường bắt bông trơn có hoa văn hình vuông, tròn hoặc đa giác. Vải lụa để làm thảm, rèm phải bắt bông dâu nên khó dệt hơn. Nhiều người Campuchia thích mặc lụa Sray Skôth nhờ bền và sợi tơ không nhuộm hóa chất. Màu sắc lụa không phai, trang phục lụa càng mặc càng óng ả.Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, đồng bào Khmer không còn tha thiết với nghề dệt truyền thống.

Lúc đó, nhiều người chuyển sang nghề nông, đi làm thuê xa nhà, cuộc sống nhiều gia đình thật khó khăn. Để hồi sinh nghề dệt thổ cẩm và cải thiện thu nhập cho người dân, một số nghệ nhân cố cựu ở Sray Skôth hành nghề trở lại.

Năm 1999, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang cùng Tổ chức CARE của Úc hỗ trợ vốn ban đầu cho 36 chị em phát triển sản xuất, hướng dẫn cách nhuộm tơ bằng thảo dược, xả tơ không phai màu, tăng độ bóng và sợi tơ không sùi lông. Nhờ kết hợp phong cách dệt truyền thống và kỹ thuật hiện đại nên màu lụa trông đẹp mắt hơn. Chất liệu lụa mềm mại, mịn và bền, phù hợp mọi thời tiết, mùa nắng mặc thấy mát, mùa lạnh mặc thấy ấm.

Lụa Sray Skôth có trên 20 mẫu hoa văn đặc sắc, mô tả truyền thuyết Phật Thích Ca, truyện cổ tích, các loại hoa quả. Hiện nay, thợ dệt ở xã Văn Giáo đã hình thành hợp tác xã (HTX) với 136 khung dệt và hơn 250 lao động phụ việc, mỗi xã viên thu nhập bình quân 30 ngàn đồng/ngày.

Qua 5 năm hoạt động, doanh thu của HTX gần 3 tỷ đồng. Người Khmer ở Tây Nam bộ mua lụa Sray Skôth về may trang phục mặc trong các dịp lễ tết, cưới hỏi, hội diễn sân khấu. Lụa Sray Skôth có mặt hầu hết các hội chợ triển lãm khu vực và toàn quốc.

Ở Sài Gòn, Hà Nội có người mua về làm váy nữ, khăn choàng cổ, áo gối. Sản phẩm lụa Sray Skôth không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất sang các nước Mỹ, Úc, Pháp, Thái Lan, thị trường Campuchia có tên gọi là Silk Khmer. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Văn Giáo - chị Néang Kim Lương, cho biết: "Ở Campuchia, người ta mua lụa Sray Skôth về gia công thành giỏ xách, bốp đựng tiền, áo gối, cà vạt, khăn choàng và trang trí cổ áo.

Chị Néang Sóc Khen hướng dẫn con gái dệt lụa.

Tổ chức Care đã mở 3 lớp đào tạo nghề cho 30 phụ nữ trẻ ở ấp này. Cuối năm 2007 sẽ hỗ trợ thêm 40 khung dệt nữa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và những phụ nữ gắn bó lâu dài với nghề dệt thổ cẩm". Thêm vào đó, nhiều gia đình quyết tâm dạy nghề dệt cho con gái, người cao niên giỏi tay nghề nhiều kinh nghiệm hướng dẫn cho con cháu nối nghiệp; góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nông thôn và bảo tồn nghề dệt truyền thống của dân tộc Khmer.

Bên cái xa quay tơ, bà Néang On, 66 tuổi, vợ ông Chau Mun, người trông nom văn phòng HTX dệt Văn Giáo, nói: "Trước đây, vợ chồng tôi có vài công đất, cấy lúa mùa năng suất thấp, cả nhà phải đi làm thuê, chạy ăn từng bữa sống qua ngày. Nhờ được hỗ trợ vốn phục hồi nghề dệt lụa truyền thống, gia đình tôi khấm khá lên, xây căn nhà mới.

Tôi và con gái đem sản phẩm bán nhiều nơi, có lần đi máy bay từ Sài Gòn đến Hà Nội để tham dự hội chợ triển lãm, nhiều khách nước ngoài tham quan mua xà rông và khoăn choàng các loại của tôi". Bây giờ, cuộc sống của nhiều hộ xã viên HTX dệt Văn Giáo được nâng cao, có 20% xã viên xây nhà mới khang trang, 70% số hộ mua sắm ti vi và tiện nghi sinh hoạt khác. Hàng trăm gia đình trong phum sóc thoát nghèo nhờ quay lại nghề dệt lụa.

Để HTX dệt Văn Giáo phát triển bền vững, bảo vệ sản phẩm lụa nổi tiếng, ngành khuyến công cần sớm hỗ trợ khôi phục lại diện tích trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và dệt lụa theo quy trình sản xuất khép kín; ngành du lịch cần mở rộng hoạt động làng nghề kết hợp du lịch sinh thái trong vùng Bảy Núi, giúp các cô thôn nữ ở ấp Sray Skôth dệt ra nhiều tấm lụa đẹp được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng.

ĐỨC GIANG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới