Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tham quan nông trại cầm điện thoại ‘làm hết’ chuyện nhà nông

Hòa Vang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngạc nhiên và ấn tượng là những cảm xúc của khá nhiều người khi đến tham quan, trải nghiệm mô hình trồng rau, củ, quả sạch ứng dụng công nghệ cao rộng gần 3 ha tại tổ 1, thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng của kỹ sư công nghệ thông tin Nguyễn Tấn Phương (sinh năm 1984, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).

Lối vào nông trại Afarm. Ảnh: Hòa Vang

Anh Phương cho hay, anh đã dùng chuyên môn của mình để thực hiện thành công Afarm – nông trại trồng rau sạch công nghệ cao mang lại hiệu quả và thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Đây là nông trại sử dụng công nghệ quản lý dựa trên điện thoại thông minh với hoài bão từ anh Phương là góp sức cho nền nông nghiệp Việt Nam áp dụng công nghệ cao.

Anh Phương tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TPHCM vào năm 2007. Sau tốt nghiệp, anh đi làm như mọi người mới ra trường và cơ duyên đến với việc “lấn sân” qua trồng trọt là do anh thường xuyên đi thực tế tại các nông trại khi nhận thiết kế phần mềm. Từ đó, anh bắt đầu cảm thấy hứng thú với việc trồng rau sạch công nghệ cao.

Anh Nguyễn Tấn Phương. Ảnh: NVCC

Năm 2016, anh bắt đầu về quê và lựa chọn mảnh đất ở xã Hòa Phú để xây dựng nông trại. Được chính quyền địa phương hỗ trợ các dự án nông nghiệp công nghệ cao nên nông trại của anh gặp thuận lợi khi xây dựng.

Qua đó, Afarm chính thức hoạt động, kết nối khách hàng từ tháng 3-2018 với hơn 30 loại rau ăn lá ngắn ngày, các loại dưa lưới. Đến nay, mỗi tháng Afarm cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn rau các loại đến tận các hộ gia đình, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán nông sản sạch trên địa bàn Đà Nẵng. Từ thành công của Afarm tại Đà Nẵng, anh đang xây dựng thêm 2 nông trại ở TPHCM và TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Nhóm kỹ sư của nông trại Afarm. Ảnh: Hòa Vang

Điểm khác biệt của Afarm so với các nông trại khác là được chủ nhân xây dựng mô hình Farm on Smartphone (tạm dịch: trồng trọt bằng điện thoại thông minh). Vì là kỹ sư công nghệ thông tin nên anh tự thiết kế phần mềm dành cho nông trại mình, nhờ ứng dụng công nghệ cao mà nhân công trong nông trại chỉ khoảng 10 người. Một người có thể quán xuyến vài ngàn mét vuông trồng trọt. Khi sử dụng ứng dụng, người dùng có thể đặt lệnh từ gieo trồng, tưới tiêu cho đến thu hoạch.

Khu trang trại Afarm được quy hoạch nằm ven QL14G là tổ hợp gồm có 5 nhà màng, trồng bằng phương pháp thủy canh (trong đó bốn nhà màng trồng rau và 1 nhà màng trồng dưa lưới). Đặc biệt, các nhà màng có thiết kế phù hợp với thời tiết mưa bão miền Trung.

Hiện Afarm có 3 kỹ sư đạt chuyên môn về các ngành nông nghiệp, công nghệ sinh học. Quá trình trồng rau tại Afarm cũng tuân thủ nghiêm ngặt bốn không, gồm: không xài giống biến đổi gene, không thuốc trừ sâu, không thuốc tăng trưởng và không thuốc hóa học.

Đậu rồng trồng khắp nơi trên lối đi, vừa che bóng mát vừa làm thực phẩm sạch. Ảnh: Hòa Vang

Một điểm đặc biệt khác là khách hàng mua rau của Afarm được trải nghiệm từ quá trình gieo trồng, chăm sóc cho đến khâu thu hoạch. Mỗi khách hàng có nhu cầu đặt Afarm trồng rau sẽ chủ động tải ứng dụng Afarm về và đăng ký tài khoản người dùng.

Sau khi lựa chọn loại rau theo sở thích của mình, khách hàng có thể theo dõi toàn bộ quy trình chăm sóc, phát triển của loại rau đó. Đồng thời, mọi người còn theo dõi các thông số kỹ thuật của rau qua những giai đoạn sinh trưởng được cập nhật thường xuyên trên app.

Sau thời gian thực của cây rau qua quá trình gieo trồng đến kỳ thu hoạch, khách hàng nhận sản phẩm và được giao tận nhà lần lượt 5 ngày 1 lần liên tục tùy theo gói rau mà khách hàng đặt mua là 3, 6 hay 12 tháng. Mỗi lần giao khoảng từ 3 kg rau, bao gồm 3 đến 6 loại rau khác nhau.

Rau sau thu hoạch sẽ được vận chuyển đến tận nơi cho khách hàng. Ảnh: Hòa Vang

“Hiện tại, trang trại ứng dụng trồng rau theo phương pháp thủy canh và toàn bộ các quy trình gieo trồng kiểm soát nhiệt độ, ánh sáng hoàn toàn tự động. Rau công nghệ chủ yếu bằng ứng dụng điện thoại, khách hàng có thể thực hiện toàn bộ quy trình gieo trồng trên đó. Ứng dụng cũng giúp cho trang trại giảm công nhân vì hệ thống hoàn toàn tự động, chỉ cần điện thoại di động thì dù ngồi ở đâu cũng có thể kiểm soát được”, anh Phương cho hay.

Cụ thể, người dùng tải ứng dụng Afarm và đăng ký tên, e-mail, địa chỉ, số điện thoại. Sau đó có hơn 40 loại hạt giống để họ kéo thả vào khu vườn của mình. Thông qua màn hình ứng dụng, khách hàng theo dõi được tình trạng của cây trồng như tên cây, ngày tuổi, tình hình nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ dinh dưỡng.

Thêm nữa, khách hàng như được tận tay trực tiếp chăm sóc khu vườn rau của mình thông qua dịch vụ nhắc nhở tưới nước, chọn giống, thu hoạch…

Gian trưng bày rau ăn lá và các sản phẩm khác của Afarm tại một kỳ hội chợ. Ảnh: Hòa Vang

Ông Nguyễn Văn Bửu, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, cho biết anh Phương là người có tâm huyết với nông nghiệp công nghệ cao. Hiện xã có 3 nông trại đang hoạt động nhưng Afarm được đánh giá là thành công về quy mô, chất lượng cũng như cách ứng dụng công nghệ. Hiện nay, sản phẩm của Afarm được người dùng ưa chuộng, trong đó có 2 sản phẩm dưa lưới và rau ăn lá là sản phẩm đạt OCOP (3 sao và 4 sao).

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

1 BÌNH LUẬN

  1. Nông dân thời 4.0 là phải biết khoa học và công nghệ, khác biệt lớn so với nông dân truyền thống là chỉ học hỏi qua kinh nghiệm của người đi trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới