(KTSG) - Ngày càng nhiều siêu thị ở Anh lắp đặt công nghệ nhận diện gương mặt để nhanh chóng phát hiện kẻ cắp ngay khi chúng bước chân vào. Cách làm này cũng gây ra nhiều phản đối do lo ngại xâm phạm quyền riêng tư.
- Cơn sốt AI và xe điện ‘đốt nóng’ chứng khoán Hàn Quốc
- Doanh nhân 32 tuổi trở thành tỉ phú nhờ sử dụng AI để môi giới M&A
Mỗi khi bảo vệ các siêu thị phát hiện một vụ cắp vặt, dù bắt được thủ phạm hay chỉ quan sát thấy qua camera an ninh, họ sẽ tải hình ảnh kẻ cắp lên phần mềm nhận diện gương mặt, sau đó phần mềm sẽ lưu hình ảnh này vào một cơ sở dữ liệu dùng chung để chia sẻ cho nhiều siêu thị lân cận. Nếu giả dụ tuần sau kẻ cắp mới lò dò đến cửa siêu thị, camera có kết nối với phần mềm máy tính sẽ nhanh chóng nhận diện “cố nhân”, phát ra cảnh báo cho nhóm bảo vệ. Họ có thể chọn cách theo dõi kỹ kẻ cắp tiềm năng theo từng bước chân hay chặn lại rồi mời đi nơi khác mua sắm.
Một trong những nơi cung cấp dịch vụ cảnh báo kẻ cắp này là Facewatch, một công ty Anh hiện đang được nhiều cửa hàng bán lẻ khắp nước Anh sử dụng để ngăn chặn nạn cắp vặt từng gây thiệt hại dai dẳng cho họ. Với phí dịch vụ 250 bảng Anh mỗi tháng, siêu thị nào đăng ký tham gia sẽ được Facewatch cung cấp kết nối đến phần mềm và cơ sở dữ liệu gương mặt các kẻ cắp từng bị phát hiện. Mỗi khi nhận diện một gương mặt “quen thuộc” nào đó, Facewatch sẽ phát đi cảnh báo cho siêu thị có khách không mời đang ghé thăm.
Simon Mackenzie, một nhân viên bảo vệ tại cửa hàng bán lẻ QD Stores ở ngoại ô London, kể cho tờ New York Times, mỗi tuần anh ta bổ sung chừng một, hai gương mặt kẻ cắp vào cơ sở dữ liệu và ngày nào ít nhất anh cũng nhận được một cuộc cảnh báo từ Facewatch có kẻ tình nghi đến viếng cửa hàng của anh.
Facewatch do Simon Gordon, một chủ quán rượu ở London, sáng lập vào năm 2010. Thoạt tiên Gordon thuê các lập trình viên viết chương trình chia sẻ trực tuyến hình ảnh camera an ninh với cảnh sát địa phương, nhằm giúp cảnh sát phản ứng nhanh các vụ lộn xộn ở quán rượu. Lúc đó cảnh sát không quan tâm lắm, nhưng Gordon lại say mê với công nghệ nhận diện gương mặt, cứ suy nghĩ đến một tấm bảng lớn treo hết hình ảnh những kẻ hay gây rối để các chủ quán đều biết mà dè chừng. Đến năm 2018, công nghệ nhận diện gương mặt đã chín muồi để Gordon bắt đầu tung ra dịch vụ Facewatch.
Hiện nay Facewatch sử dụng công nghệ nhận diện của Real Networks và Amazon, lưu được hàng triệu hình ảnh từng ghi nhận và có chừng 400 cửa hàng, siêu thị ở Anh tham gia đăng ký sử dụng dịch vụ. Liam Ardern, quản lý điều hành chuỗi Lawrence Hunt với 23 cửa hàng tiện lợi có sử dụng dịch vụ Facewatch, cho biết nhờ công nghệ nhận dạng mà công ty anh đã tiết kiệm được ít nhất 50.000 bảng Anh kể từ năm 2020.
Danh sách kẻ tình nghi được cập nhật liên tục và, theo Gordon, hình ảnh kẻ tình nghi sẽ lưu trên cơ sở dữ liệu một năm, sau đó được xóa đi. Nhằm tránh nhận diện sai, mỗi khi hệ thống camera của các siêu thị nhận diện ai đó từng có tên trong danh sách tình nghi, một nhân viên của Facewatch sẽ rà soát nhanh để xác nhận và nếu đúng sẽ gửi cảnh báo đến siêu thị có kẻ tình nghi xuất hiện.
Mặc dù cẩn thận như vậy, sai sót cũng từng đã xảy ra. Vào tháng 10 năm ngoái, một phụ nữ đang mua sắm trong một siêu thị ở Bristol, Anh thì bị bảo vệ ngăn lại, mời đi nơi khác: bà bị Facewatch gửi cảnh báo như một kẻ cắp từng bị phát hiện. Người phụ nữ phản ứng; mấy ngày sau thì Facewatch liên lạc xin lỗi, bảo là phần mềm nhận diện sai. Khi người phụ nữ thuê luật sư, đòi kiện ra tòa, Facewatch rà soát lại cơ sở dữ liệu; đúng là cách đó 10 tháng người phụ nữ bị ghi hình trong một sự cố liên quan đến một món hàng 20 bảng Anh.
Tuy nhiên hình ảnh không cho biết thêm thông tin và lúc đó cả siêu thị lẫn Facewatch đều không trực tiếp gặp gỡ người phụ nữ nọ. Bà này không nhớ sự vụ, nói có thể lúc đó bà mua hàng rồi ra về mà không biết thẻ ghi nợ của bà chưa thanh toán thành công ở quầy tự tính tiền.
Trong khi công nghệ nhận diện gương mặt ngày càng phổ biến, các nước vẫn đang còn loay hoay về cách quản lý chúng. Châu Âu đang soạn luật, có thể sẽ cấm nhiều hình thức ứng dụng công nghệ nhận diện. Eric Adams, Thị trưởng thành phố New York lại khuyến khích các nhà bán lẻ sử dụng chúng để ngăn chặn tội phạm. MSG Entertainment, doanh nghiệp là chủ sở hữu Madison Square Garden và Radio City Music Hall, sử dụng công nghệ nhận dạng để cấm cửa các luật sư từng kiện công ty ra tòa. Cảnh sát ở London và Cardiff đang thử nghiệm công nghệ nhận diện để xác minh tội phạm khi chúng ra đường phố. Ngay tại lễ đăng quang của vua Charles III vào hồi tháng 5, công nghệ nhận dạng được sử dụng để kiểm soát đám đông.
Với ứng dụng công nghệ nhận dạng để phát hiện kẻ cắp siêu thị, nhiều người cho rằng biện pháp này không tương xứng với các tội cắp vặt, như ít đồ rau quả hay tã lót trẻ em do khó khăn kinh tế. Hơn nữa người bình thường bị nhầm với kẻ cắp thì không hề biết mình bị đưa vào danh sách đen và nếu biết cũng không có cách gì tự bào chữa.
Mặc dù còn những lo ngại như thế cũng như còn những sai sót do máy móc, thuật toán gây ra, nhiều chuyên gia cho rằng tốc độ, quy mô và chi phí của công nghệ nhận diện sẽ giúp nó lan ra nhanh chóng. Fraser Sampson, một chuyên gia an ninh đang tư vấn cho chính phủ Anh về sinh trắc học, nhận định: “Việc ứng dụng và triển khai (công nghệ nhận diện gương mặt) là khó lòng tránh khỏi. Vấn đề là khi nào mà thôi”.
Văn phòng Ủy viên Thông tin Anh quốc đã tiến hành một cuộc thanh tra Facewatch kéo dài cả năm. Sau cùng họ kết luận Facewatch được phép hoạt động sau khi thay đổi một số chính sách. Các siêu thị có sử dụng công nghệ phải treo nhiều bảng cảnh báo, chỉ được chia sẻ thông tin về các kẻ cắp hung dữ hay tái phạm nhiều lần; Facewatch chỉ được phát cảnh báo trong trường hợp gặp kẻ cắp bị phát hiện nhiều lần. Như thế một người bị ghi nhận sau một sự vụ nào đó như bà ở Bristol sẽ không bị đưa vào danh sách theo dõi. Điều này sẽ giúp loại trừ các trường hợp máy sai sót cũng như giảm bớt thông tin riêng tư bị giám sát.