Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tham vọng dẫn đầu của Samsung với dự án nhà máy chip 17 tỉ đô la

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tham vọng dẫn đầu của Samsung với dự án nhà máy chip 17 tỉ đô la

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Hãng điện tử Samsung đang tìm các địa điểm thích hợp ở bang Texas, Arizona và New York để xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn với tổng vốn đầu tư có thể lên đến 17 tỉ đô la Mỹ, theo các nguồn tin nắm rõ kế hoạch của Samsung.

Tham vọng dẫn đầu của Samsung với dự án nhà máy chip 17 tỉ đô la
Một tổ hợp nhà máy sản xuất chip của Samsung ở gần Hwaseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Tập đoàn này đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy chip mới ở Mỹ với tổng vốn đầu tư có thể lên 17 tỉ đô la. Ảnh: Bloomberg

Tận dụng chính sách ưu đãi của Mỹ

Tờ Wall Street Journal hôm 22-1 dẫn lời một trong các nguồn tin này cho hay Samsung đang khảo sát hai địa điểm ở gần Phoenix, bang Arizona và hai địa điểm sát thành phố Austin, bang Texas và một khu công nghiệp lớn ở hạt Genesee, bang New York.

Một yếu tố quan trọng có thể quyết định liệu Samsung có triển khai kế hoạch này hay không là chính phủ Mỹ sẵn sàng cung cấp các chính sách ưu đãi ở mức nào để bù đắp cho chính sách ưu đãi và chi phí nhân công và hoạt động rẻ hơn ở các nước khác.

Lời đề xuất của Samsung được đưa ra giữa lúc Mỹ đang cân nhắc phân bổ hàng tỉ đô la để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất chip trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Các chính sách ưu đãi mới đối với hoạt động sản xuấ chip đã được đưa vào Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NADD) vừa được Quốc hội Mỹ thông qua trong tháng này nhưng chúng chưa nhận được nguồn ngân sách hỗ trợ.

Nhà máy chip mới của Samsung ở Mỹ dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 10-2022 và sẽ sử dụng 1.900 lao động, theo nội dung thư trao đổi giữa Samsung và chính quyền TP. Googyear, vùng ngoại ô của đại đô thị Phoenix ở Arizona, một trong những địa điểm mà Samsung đang cân nhắc đặt nhà máy.

Theo như thông lệ, đối với các dự án công nghiệp lớn, giới chức trách của Goodyear hứa cung cấp một loạt sách ưu đãi bao gồm miễn giảm thuế và nâng cấp hạ tầng.

Trước đây, chính phủ Mỹ không cung cấp sự hỗ trợ liên bang dành cho các nhà máy chip. Nhưng đại dịch Covid-19 làm bộc lộ rõ tình trạng xáo trộn các chuỗi cung ứng toàn cầu có thể làm gián đoạn nghiêm trọng dòng chảy của các linh kiện cần thiết đối với các công nghệ quan trọng trong các hoạt động từ sản xuất smartphone (điện thoại thông minh) 5G cho đến máy bay chiến đấu. Điều này khiến chính phủ Mỹ bắt đầu chú trọng đến năng lực tự chủ nguồn cung chip.

Với sự trỗi dậy của ngành công nghiệp chip ở châu Á trong những thập niên gần đây, thị phần sản xuất chip của Mỹ trên toàn cầu đã giảm về mức 12%, theo báo cáo của hãng tư vấn Boston Consulting Group hồi năm ngoái. Chính phủ Mỹ nhận thấy rằng cần phải cung cấp sự hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp chip để đảo ngược xu hướng suy giảm thị phần này.

Trong một bài viết đăng cùng ngày, Bloomberg cũng dẫn các nguồn tin cho hay Samsung đang xem xét đầu tư hơn 10 tỉ đô la để xây dựng nhà máy sản xuất chip hiện đại nhất của hãng này ở Austin, Texas. Samsung kỳ vọng nhà máy mới sẽ giúp Samsung kiếm thêm nhiều khách hàng ở Mỹ và bắt kịp với đối thủ TSMC đang dẫn đầu ngành chip. Các nguồn tin nói rằng Samsung muốn khởi công xây dựng nhà máy trong năm nay, lắp đặt các thiết bị chính kể từ năm 2022 và bắt đầu vận hành sớm nhất là vào đầu năm 2023.

Samsung đặt ra tầm nhìn trở thành tay chơi lớn nhất trong ngành công nghiệp chip toàn cầu có giá trị 400 tỉ đô la mỗi năm. Công ty này dự định đầu tư 116 tỉ đô la vào mảng thiết kế và sản xuất chip trong 10 năm tới để bắt kịp TSMC bằng cách giới thiệu các sản phẩm chip sử dụng công nghệ 3-nanometer (3 nm)
“Nếu Samsung thực sự muốn thực hiện mục tiêu trở thành nhà sản xuất chip dẫn đầu vào năm 2020, công ty này cần phải đầu tư lớn ở Mỹ để bắt kịp TSMC”, Greg Roh, Phó Chủ tịch cấp cao ở Công ty HMC Securities, nhận định.

Đề xuất của Samsung diễn ra sau khi đối thủ sản xuất chip TSMC (Đài Loan) ra quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chip khổng lồ ở bang Arizona vào năm ngoái. Tháng 12-2020, TSMC cho biết đã chi 89 triệu đô la để mua đất ở phía bắc TP. Phoenix, phục vụ dự án xây dựng nhà máy chip với tổng vốn đầu tư 12 tỉ đô la.

TSMC là nhà sản xuất chip gia công, có nghĩa là công ty này sản xuất chip theo các mẫu thiết kế của khách hàng. Samsung cũng có mảng kinh doanh sản xuất chip gia công và đây sẽ là hoạt động trọng tâm của nhà máy chip mới ở Mỹ. Tuy nhiên, Samsung cũng có một loạt sản phẩm điện tử tiêu dùng sử dụng chip do hãng này tự thiết kế và sản xuất.

Trên thực tế, Samsung đã có các cơ sở sản xuất chip ở Austin, Texas kể từ thập niên 1990 và đang mở rộng trong những năm gần đây. Samsung đã mua thêm đất tần các cơ sở này vào năm ngoái.

Các đối thủ trỗi dậy, Intel thất thế

Làn sóng đầu tư xây dựng nhà máy chip mới ở Mỹ là một trong những thay đổi đang diễn ra rộng khắp ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ.

Hãng Intel, nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ, đã tụt lại đằng sau các đối thủ nước ngoài và dự định thuê các nhà máy ở châu Á gia công nhiều hơn đối với các sản phẩm chip cao cấp nhất của Intel.

Intel buộc phải chọn giải pháp thuê gia công nhiều hơn khi các đối thủ đang gặm nhậm thị phần của hãng này nhờ các sản phẩm chip có hiệu năng tương đương hoặc cao hơn so với chip của Intel cũng như nhờ giá cổ phiếu của họ tăng, tạo điều kiện cho họ thực hiện một loạt thương vụ thâu tóm để củng cố sức mạnh.

Mới đây, Giám đốc điều hành Intel, Bob Swan đã phải từ chức để nhường ghế cho ông Pat Gelsinger, cựu Giám đốc điều hành hãng phần mềm VMWare. Dưới thời kỳ chèo lái của Swan, Intel phải chật vật cạnh tranh và để mất thị phần vào tay các đối thủ trong các mảng kinh doanh quan trọng và gặp phải các sự cố trì hoãn sản xuất.

Trong khi đó, các đối thủ trong nước của Intel đang tìm cách trỗi dậy. Hãng sản xuất chip đồ họa Nvidia (Mỹ) đang đề xuất mua lại hãng thiết kế chip Arm Holdings (Anh) với mức giá lên đến 40 tỉ đô la Mỹ, và đây sẽ thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp bán dẫn.

Hai hãng chip khác của Mỹ, Advanced Micro Devices và Analog Devices cũng sẽ củng cố sức mạnh thông qua các thương vụ thâu tóm đình đám sắp thực hiện. Trong khi đó, Samsung hầu như đứng ngoài các hoạt động thâu tóm và sáp nhập trong ngành công nghiệp chip.

Bộ máy lãnh đạo của Samsung đang đối mặt với sự xáo trộn mới sau khi một tòa án phúc thẩm ở Seoul ra phán quyết phạt tù 2,5 năm rưỡi đối với Phó chủ tịch Samsung, Lee Jae-yong, người thừa kế và cũng là lãnh đạo cao nhất trên thực tế của Samsung vì liên quan đến vụ bê bối tham nhũng khiến Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất vào năm 2016.

Hội đồng xét xử kết luận Lee Jae-yong đã đưa hối lộ cho cựu Tổng thống Park Geun-hye và một người bạn thân của bà để nhờ vả chính phủ của bà ủng hộ vụ sáp nhập hai công ty liên kết của Samsung, giúp ông củng cố quyền kiểm soát ở Tập đoàn Samsung. Ông Lee, người thừa kế thế hệ thứ ba của Tập đoàn Samsung, là người chịu trách nhiệm phê duyệt sau cùng đối với các quyết định lớn trong hoat động kinh doanh của Samsung.

Theo WSJ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới