Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tham vọng thương mại điện tử ở ASEAN của TikTok gặp khó sau lệnh cấm của Indonesia

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tham vọng mở rộng lĩnh vực bán lẻ trực tuyến ở Đông Nam Á của TikTok sẽ bị ảnh hưởng lớn sau khi Indonesia cấm giao dịch mua sắm trên các ứng dụng mạng xã hội, theo nhận định của giới phân tích. Điều đáng lo ngại cho TikTok là các chính phủ trong khu vực có thể áp dụng lệnh cấm tương tự.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia, Zulkifli Hasan cho biết chính phủ Indonesia ra thời hạn một tuần để TikTok gỡ tính năng TikTokShop ra khỏi nền tảng này và hoạt động độc lập. Ảnh: Kompas

Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Zulkifli Hasan, hôm 27-9 đã thông báo về việc chính phủ nước này áp đặt lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng tại nền kinh tế đông dân nhất Đông Nam Á (ASEAN) không được phép mua hoặc bán hàng hóa, dịch vụ thông qua các nền tảng nêu trên.

Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức và được thiết kế để bảo đảm sự cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền lợi của các tiểu thương buôn bán tại các cửa hàng trực tiếp cũng như bảo vệ dữ liệu người dùng. Bên cạnh đó, mức định giá hàng hóa rẻ trên các nền tảng mạng xã hội đang đe dọa các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tính năng mua sắm thông qua phát sóng trực tiếp TikTok Shop trên ứng dụng TikTok, được giới thiệu đầu tiên ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ASEAN, vào thời điểm đại dịch Covid-19 đang lan rộng.

Công ty công nghệ Bytedance (Trung Quốc), chủ sở hữu của TikTok, nuôi tham vọng biến lĩnh vực thương mại điện tử trở thành mảng kinh doanh trọng tâm bằng cách tận dụng sự tiếp cận lượng người dùng khổng lồ trên nền tảng mạng xã hội này.

Lệnh cấm của Indonesia có nghĩa là TikTok không được phép bán hàng trên nền tảng này. Chính phủ Indonesia đặt ra thời hạn một tuần để TikTok trở thành một ứng dụng độc lập, không có bất kỳ tính năng thương mại điện tử nào. Nếu không tuân thủ, TikTok có nguy cơ bị đóng cửa ở Indonesia.

“Việc trở thành một ứng dụng độc lập có thể hụt hẫng đáng kể cho người dùng TikTok hiện tại, tác động tiêu cực đến trải nghiệm người dùng”, Jonathan Woo, nhà phân tích của tại Phillip Securities Research, bình luận.

Hãng nghiên cứu thị trường BMI cho biết doanh nghiệp duy nhất bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm là TikTok Shop, vốn có toàn bộ mô hình kinh doanh dựa vào thương mại trên mạng xã hội.

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về thông báo này, đặc biệt là nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sinh kế của 6 triệu người bán hàng và gần 7 triệu người sáng tạo nội dung sử dụng TikTok Shop”, người phát ngôn của TikTok nói với CNBC về lệnh cấm. Tuy nhiên, người phát ngôn cho biết TikTok sẽ tôn trọng các quy tắc và quy định của địa phương.

Hồi  tháng 6, CEO của TikTok cho biết công ty sẽ rót “hàng tỉ đô la” vào Đông Nam Á, chủ yếu ở Indonesia, trong vài năm tới khi tìm cách đa dạng hóa hoạt động kinh doanh trên toàn cầu trước áp lực từ Mỹ ngày càng gia tăng.

Indonesia là thị trường thương mại điện tử lớn nhất của TikTok và đứng thứ hai toàn toàn cầu về lượng người dùng (125 triệu), chỉ sau Mỹ.

“Vì hầu hết các giao dịch trên TikTok đều là mua sắm ngẫu hứng, nên nhu cầu đăng nhập vào một ứng dụng thương mại điện tử riêng biệt có thể dẫn đến tỷ lệ thất thoát người dùng cao”, Sachin Mittal, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu viễn thông, truyền thông và công nghệ của ngân hàng DBS Bank, nhận định.

Mittal cho rằng, ngay cả khi TikTok xin được giấy phép hoạt động riêng cho mảng thương mại điện tử, thì việc hoạt động như một ứng dụng bán lẻ trực tuyến riêng biệt “vẫn có thể là một thách thức”.

Theo ông Simon Torring, đồng sáng lập của Cube Asia, lệnh cấm của Indonesia có thể truyền cảm hứng cho các chính phủ khác ở ASEAN theo đuổi các hành động tương tự. Vị doanh nhân này cho rằng Indonesia nổi tiếng là nước đặc biệt nghiêm ngặt trong việc thực thi luật pháp, đặc biệt là khi có mối đe dọa đối với các tiểu thương hoặc cộng đồng người tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, TikTok vẫn có thể kiếm tiền thông qua quảng cáo sản phẩm, thay vì tích hợp thương mại điện tử tích hợp, ông nói thêm.

Sắp tới, Indonesia sẽ yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử trong nước phải bán một số mặt hàng được nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài với giá tối thiểu 100 đô la Mỹ.

Theo báo cáo công bố hồi 6 của Công ty tư vấn Momentum Works, TikTok Shop chiếm 5% tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử ở Indonesia. Báo cáo cho biết, TikTok Shop đang xếp sau Shopee (36%), Tokopedia (35%), Lazada (10%) và Bukalapak (10%).

Momentum Works, ước tính rằng tính năng TikTok Shop tạo ra phần lớn doanh thu từ Đông Nam Á, đạt 4,4 tỉ đô la tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV). TikTok đang đặt mục tiêu nâng GMV lên 15 tỉ đô la trong năm nay.

Lệnh cấm của Indonesia được đưa ra giữ lúc TikTok đang tìm kiếm sự tăng trưởng bên ngoài Mỹ, nơi các ứng dụng thuộc sở hữu của Trung Quốc đối mặt với áp lực  chính trị. Ứng dụng TiTok đã bị cấm trên các thiết bị cá nhân ở Ấn Độ và bang Montana của Mỹ.

TikTok Shop đang tích cực mở rộng sự hiện diện ở Đông Nam Á để cạnh tranh với Shopee của Sea và Lazada của Alibaba.

“Trong thời gian tới, những bênh được hưởng lợi từ quy định cấm này sẽ là những công ty thương mại điện tử hiện hành như Shopee và GoTo (sở hữu nền tảng Tokopedia)”, Jonathan Woo, nhà phân tích của Phillip Securities Research nói.

Theo BMI, các nền tảng thương mại điện tử chiếm một phần đáng kể trong số liệu thanh toán kỹ thuật số của Indonesia. Trong tháng 7, giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đạt mức cao nhất trong lịch sử,  160 nghìn tỉ rupiah Indonesia (10,3 tỉ đô la) và số lượng giao dịch thanh toán số lên tới 1,7 nghìn tỉ. Cả hai số liệu đều tăng lần lượt 65,8% và 71,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo CNBC, CNN, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới