Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tháng Chạp

Vũ Thị Huyền Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngày bé, tháng Chạp thường bắt đầu bằng những lo toan của mẹ. Ngó ra ngoài vườn xem đàn gà liệu Tết bán được chưa? Dưới bếp còn chục tải sắn khô không biết liệu có đủ trang trải vài ba khoản nợ. Mấy đứa nhỏ đâu có hiểu được những tiếng thở dài trong bữa cơm chiều. Mải hớn hở nói với nhau về ước mơ có một chiếc áo mới mặc trong ngày Tết.

 

"Ngó ra vườn, bà nhớ ra cần phải làm đất gieo ít hạt giống rau để Tết con cháu về đông đủ có rau sạch mà quây quần nấu lẩu". Ảnh minh họa: Nhân Tâm

Những đứa trẻ năm ấy giờ thành mẹ, thành cha. Tháng Chạp này người thì quay cuồng với deadline. Người chạy đua để hoàn thành bao nhiêu kế hoạch còn ngổn ngang, dang dở. Người mải miết tăng ca để có một cái Tết đủ đầy, no ấm.

Tôi ngó quanh nhà xem có gì cần phải sửa sang. Hệt như lúc còn sống, bà tôi ngó quanh thấy mấy chỗ hàng rào bị thủng cần phải kéo cành tre rấp lại để bò bê không vào phá vườn. Thấy cổng nhà đã hoen gỉ cả rồi, bà nhắc bố tôi sơn lại. Cánh cửa nhà dạo này hay kêu kèn kẹt, bà đoán chắc cũng đến lúc cần tra dầu vào bản lề. Kẻo người già thường dậy sờ sệt lúc nửa đêm gà gáy, bà sợ cửa kêu làm cả nhà mất giấc.

Ngó ra vườn, bà nhớ ra cần phải làm đất gieo ít hạt giống rau để Tết con cháu về đông đủ có rau sạch mà quây quần nấu lẩu. Có hôm đang ngồi giã trầu, như chợt nhớ ra điều gì, bà gọi mẹ tôi đến dặn dò: “Còn mấy chỗ họ nợ tiền hàng, ai trả thì tốt, còn ai khất thì cũng vui vẻ để ra Giêng con à. Năm nay ai cũng khó khăn, Tết nhất lại trăm khoản chi tiêu, mình đừng làm khó”. Mẹ tôi gập cuốn sổ ghi nợ lại, chỉ cười. Bao năm về làm dâu, mùa Tết nào bà cũng dặn mẹ từng ấy câu như thế…

Quán tạp hóa của bà nằm ở đầu làng. Ngày xưa nó chỉ là chiếc quán lá nhỏ bán xà phòng, bột ngọt, tiền vàng, bánh kẹo. Sau này quán lớn dần lên, bán đủ thứ trên đời. Quán đông khách không chỉ bởi bà bán rẻ hơn chỗ khác, mỗi thứ chỉ lấy lãi tí ti. Mà còn vì tính bà dễ lắm, ai mua hàng thiếu tiền thì ghi nợ chẳng bao giờ nặng nhẹ câu nào. Cứ cuối tháng hết tiền, giờ tan ca là công nhân đổ ra mua chịu. Có hề gì, tiền không thu lúc này thì thu lúc khác.

Bao nhiêu năm, người khất nợ thì nhiều nhưng không có ai quỵt nợ. Tính bà thương người nên trước cửa quán bao giờ cũng kê một chiếc sạp gỗ.

Hàng ngày, ngoài mấy chiếc xe tải đến giao hàng thì còn có bà con trong làng ghé qua gửi bán mấy chục trứng gà, vài mớ rau vườn nhà, mấy chai tương nếp. Rồi thì mùa nào quả nấy: xoài, vải, nhãn, ổi, chuối dựng cả buồng. Cũng có khi khách đến mua hàng bật cười khi thấy cua đồng bò lột cột trong chậu nhôm. Bà cười bảo: “Của thằng nhỏ xóm bên đi bắt dưới đồng cả trưa vừa mang ra gửi. Mua đi, cho thằng bé có tiền mua sách vở”.

Đồ của bà con gửi để trên chiếc sạp gỗ, tự ghi giá vào tấm giấy bìa. Cứ cuối ngày đưa những đồng tiền bán hàng hộ cho mọi người, mắt bà lấp lánh vui.

Khi đã già, tháng Chạp đến bà hay ngồi trước nhà ngó từng vệt gió quệt qua những tàu lá chuối. Có khi tiếng quả hồng cuối mùa rụng trong vườn cũng khiến bà giật mình hỏi “mấy đứa nhỏ đấy ư?”. Thấy ai đó đi ngang qua sân bà hay níu lại bằng câu hỏi bâng quơ nào đó.

Nhớ nhớ, quên quên, bà nhắc lại từng khuôn mặt trong làng. Người còn, người mất, cũng có người biền biệt xa quê bao năm chưa trở lại. Có người hẹn mà không tới. Có người tới mà không hẹn. Tháng Chạp này tôi ngồi nhớ bà, nghe gió luồn qua vườn chuối. Rưng rưng…

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới