Thứ hai, 7/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tháng Tư xem Ván bài lật ngửa

Lâm Nghi (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) - Tháng Tư bao giờ cũng gợi nhiều cảm xúc lịch sử. Tháng Tư là lúc xem lại những bộ phim lịch sử kinh điển như Ván bài lật ngửa. Xem để thấy mỗi sớm mai khi chúng ta thức dậy, nhìn những đứa con đang bình yên trong giấc ngủ say nồng, hiểu ra rằng điều đó được đánh đổi bằng máu, rất nhiều máu, của những con người quên thân vì nước như Phạm Ngọc Thảo.

Năm 1954, Việt Nam ký Hiệp định Geneva, đất nước bị chia cắt thành hai miền với ranh giới là vĩ tuyến 17. Theo hiệp định, đây chỉ là ranh giới quân sự tạm thời để hai bên tập kết quân về hai miền vĩ tuyến. Kế hoạch là trong hai năm, Pháp phải rút toàn bộ quân về nước và tổng tuyển cử sẽ được thực hiện để bầu ra chính quyền chung, thống nhất quốc gia.

Tuy nhiên, lúc này Mỹ bắt đầu nhảy vào miền Nam với ý định muốn ngăn chặn một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa tương lai. Chính quyền Mỹ đã hậu thuẫn cho Ngô Đình Diệm, không che giấu mục tiêu phá hoại tổng tuyển cử, ngăn cản quá trình thống nhất đất nước. Thấy trước được nguy cơ can thiệp đó của Mỹ, nhằm ngăn chặn ý đồ của liên minh Mỹ - Diệm, chúng ta đã nhanh chóng bố trí mạng lưới tình báo ở lại miền Nam. Một trong những chiến sĩ tình báo xuất sắc nhất của Việt Nam khi đó là đại tá Phạm Ngọc Thảo - nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Thành Luân trong tác phẩm điện ảnh huyền thoại: Ván bài lật ngửa (1987).

Ván bài lật ngửa: thành công đến từ yếu tố con người

Ván bài lật ngửa được Nhà nước ưu ái dành kinh phí để sản xuất nhằm tri ân những con người hy sinh vì cách mạng. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam những năm 1980 đầy khó khăn, kinh phí thực sự vô cùng hạn hẹp. Vậy mà Ván bài lật ngửa vẫn thành công vang dội, đóng đinh trong lòng khán giả như là một trong những tác phẩm điện ảnh Việt Nam xuất sắc nhất cho đến tận ngày nay.

Thành công đầu tiên của phim đến từ kịch bản được viết bởi nhà báo tài năng Trần Bạch Đằng với bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý. Do đó, không hề ngạc nhiên khi phim được xây dựng trên sự hiểu biết tường tận về tình hình chính trị - kinh tế - xã hội của miền Nam Việt Nam giai đoạn tranh sáng tranh tối những năm 1954-1963, từ khi Diệm được Mỹ hậu thuẫn xây dựng chính quyền độc tài gia đình trị cho đến khi anh em Diệm - Nhu bị chính Mỹ giật dây ám sát.

Cốt truyện sâu sắc, mạch phim logic với lời thoại thông minh, sắc sảo. Cái hay của kịch bản phim là không xây dựng nhân vật phản diện chính của cách mạng, cố vấn Ngô Đình Nhu, như một thứ bù nhìn bất tài bạc nhược. Nếu như vậy thì hạ thấp trí tuệ của Nguyễn Thành Luân, vô hình trung sẽ hạ thấp cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc ta. Ngô Đình Nhu phải thâm trầm, sâu sắc và khó đoán thì mới làm nổi bật một Nguyễn Thành Luân thông minh, nhạy bén, điềm tĩnh và quyết đoán - những phẩm chất cần phải có của một chiến sĩ tình báo tài ba.

“Võ trường vắng bóng người anh kiệt
Khí phách hiên ngang giữa đất trời”
Đây là hai câu thơ được khắc trên bia mộ của người anh hùng. Đó cũng chính xác là cảm nhận của người viết về Phạm Ngọc Thảo: một “khí phách hiên ngang”.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác dẫn đến sự thành công rực rỡ của Ván bài lật ngửa là đạo diễn và dàn diễn viên. Nhà báo Trần Bạch Đằng đã đích thân chọn Lê Hoàng Hoa làm đạo diễn và diễn viên Nguyễn Chánh Tín thủ vai Nguyễn Thành Luân.

Lý do là phim cần những nhân chứng sống cho một miền Nam trước 1975. Vốn là dân miền Nam, sống và làm việc tại miền Nam suốt thời kỳ trước thống nhất, Lê Hoàng Hoa và Nguyễn Chánh Tín hiểu rất rõ xã hội, con người, lối sống và văn hóa miền Nam.

Do đó, khi khắc họa các chi tiết ấy trên phim, chúng ta sẽ thấy một miền Nam dưới thời Mỹ - Diệm cực kỳ chân thực: sự xa hoa tráng lệ bên ngoài với những quán bar, sòng bạc ăn chơi thâu đêm suốt sáng che đậy một chính quyền tham nhũng, dối trá, tàn nhẫn, sẵn sàng đàn áp nhân dân lao động khổ cực, cơ hàn. Có thể nói, Ván bài lật ngửa và vai diễn Nguyễn Thành Luân là tài sản lớn nhất trong gia tài nghệ thuật của đạo diễn Lê Hoàng Hoa và diễn viên Nguyễn Chánh Tín.

Cố diễn viên Nguyễn Chánh Tín thủ vai Nguyễn Thành Luân trong phim Ván bài lật ngửa.

Ngoài tuyến nhân vật chính, bộ phim còn để lại ấn tượng sâu sắc với dàn diễn viên phụ như thủ lĩnh Bình Xuyên - Lại Văn Sang của Hoàng Sơn, hay Trần Quang với vai diễn Y mơ Ê ban, nhân vật cầm đầu quân ly khai Fulro. Đây là những diễn viên gạo cội với diễn xuất xuất sắc, dù đất diễn không nhiều nhưng từng giây phút họ xuất hiện đều để lại dấu ấn khó quên trong lòng khán giả.

Đặc biệt, vai Ngô Đình Nhu lại được đảm nhận bởi một diễn viên hoàn toàn nghiệp dư, Lâm Bình Chi, một… anh chàng làm nghề bán vải. Do dáng dấp quá giống Ngô Đình Nhu nên đạo diễn đã thuyết phục anh đóng phim(1). Tuy nhiên, bằng sự cố gắng của bản thân và sự chỉ đạo tuyệt vời của đạo diễn, Lâm Bình Chi đã thể hiện ấn tượng vai diễn một tay cố vấn cáo già, lão luyện nhưng cũng đầy tuyệt vọng khi biết rằng cơ đồ họ Ngô đã đến lúc cáo chung.

“Anh đã thắng tôi trong một ván bài mà mọi con bài đều lật ngửa!”.

Đây là câu nói cuối phim mà cố vấn Ngô Đình Nhu nói với Nguyễn Thành Luân sau khi xâu chuỗi lại mọi sự kiện để nhận ra Luân thực sự là một điệp viên của miền Bắc. Tuy nhiên, thay vì giết Luân, Nhu vẫn chỉ đường cho Luân thoát khỏi hầm để không rơi vào tay Mỹ. Lý do đơn giản: Nhu cho rằng chỉ có trí tuệ của Luân mới đối phó được với CIA, trả thù cho mình và Diệm.

Kết phim là hình ảnh Nguyễn Thành Luân đặt vòng hoa trước mộ Nhu, thể hiện sự trân trọng cuối cùng của mình trước một đối thủ xứng tầm. Chi tiết này thể hiện tinh thần nhân văn của phim. Trong cuộc chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc, địch - ta phải rõ ràng, không khoan nhượng, nhưng không vì thế mà phủ nhận hay hạ thấp đối phương. Chính góc độ tiếp cận này khiến cho sự nghiệp cách mạng càng vẻ vang và mang tính nhân văn sâu sắc.

Câu nói kết phim của Nhu phản ánh chính xác lối hoạt động điệp viên của Nguyễn Thành Luân. Trong cả cuộc đấu trí kéo dài nhiều năm giữa Luân và Nhu, Luân chưa bao giờ che giấu thân phận của mình: xuất thân tham gia chống Pháp trong cuộc chiến chín năm, lên đến chức tiểu đoàn trưởng, phê phán thói tham nhũng cậy quyền thế của một số nhân vật cấp cao trong chính quyền Diệm, đồng thời không che giấu cảm tình với miền Bắc (chỉ duy nhất thân phận Đảng viên Đảng Cộng sản là được anh giữ kín). Do đó, Luân thoải mái thể hiện nhân cách thật của mình: dũng cảm, chính trực, trí thức và nhân đạo, đối lập với một số nhân vật cộm cán trong chính quyền Diệm hèn nhát, tham lam, nịnh bợ và độc ác.

Đại tá Phạm Ngọc Thảo: nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Thành Luân

Phạm Ngọc Thảo xuất thân từ gia đình đại điền chủ yêu nước ở miền Tây, có gốc Công giáo. Anh em của ông đều có quốc tịch Pháp và du học bên Pháp. Riêng ông do ảnh hưởng bởi Thế chiến thứ II nên ra Hà Nội học và tốt nghiệp trường Kỹ sư Công chánh. Gia đình ông do theo Công giáo nên có mối quan hệ thân tình với cha Ngô Đình Thục, anh trai Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông đã sử dụng mối quan hệ này làm bệ phóng để thâm nhập sâu vào chính quyền Diệm - Nhu, xây dựng được lòng tin sâu sắc của gia đình họ Ngô.

Cũng như Phạm Xuân Ẩn và Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo là một trong những nhà tình báo xuất sắc nhất của Cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, nhiệm vụ của ông khác biệt và nguy hiểm hơn. Ông không đơn thuần làm công việc ẩn mình dưới lớp vỏ bọc nghề nghiệp an toàn rồi bí mật chuyển tin của địch về miền Bắc như các đồng chí của mình. Thay vào đó, ông đích thân thâm nhập vào hàng ngũ địch, thực hiện các hoạt động có khả năng trực tiếp ảnh hưởng đến chính quyền địch như hai lần đảo chính mà ông tham gia với vai trò lãnh đạo.

Do bối cảnh hoạt động đặc biệt đó, hiện không có nhiều tài liệu về ông như Phạm Xuân Ẩn. Nhà báo Trần Bạch Đằng, từng là Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định, hiểu rõ Phạm Ngọc Thảo nên đã xây dựng nên Nguyễn Thành Luân lấy nguyên mẫu từ ông. Tuy nhiên, dù sao đây cũng là một tác phẩm mang tính hư cấu. Nhân vật Nguyễn Thành Luân được khắc họa mang tính “xi nê” lãng mạn hóa so với hình ảnh của một Phạm Ngọc Thảo thực sự ngoài đời. Nhưng với bản thân người viết, Phạm Ngọc Thảo ngoài đời hấp dẫn hơn: chân thực hơn (tất nhiên), mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và gan lì hơn. Ông hấp dẫn vì khí chất ấy và chết cũng vì khí chất ấy. Cho đến chết, dù bị tra tấn tàn khốc, ông chẳng những không tiết lộ về thân phận thật của mình mà còn không khai ra bất kỳ cái tên nào của chính phía Việt Nam Cộng hòa có liên quan đến cuộc đảo chính do ông cầm đầu.

Người ta hay thắc mắc tại sao sau khi cuộc đảo chính năm 1965 thất bại, ông không nhanh chóng ra chiến khu để bảo toàn tính mạng mà lại trốn trong một xứ đạo để cuối cùng có kết cục bi thương. Có lẽ, khó mà lấy suy nghĩ của một người bình thường để lý giải cho hành vi của những người đặc biệt như Phạm Ngọc Thảo. Người viết luôn nhìn thấy ở Phạm Ngọc Thảo dáng dấp của Che Guevara: cũng sự liều lĩnh ấy, gan lì ấy, mạnh mẽ ấy và quyết tâm ấy.

Quyết định không trốn ra chiến khu của ông khiến người ta nhớ đến Che Guevara khi ở Bolivia. Dù không được sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Bolivia đối với đường lối cách mạng bạo lực của mình, Che vẫn quyết tâm ở lại vì hy vọng có thể duy trì được cơ sở cách mạng ở quốc gia này dù biết là trăm ngàn gian khó, thậm chí kết cục là cái chết. Cũng như Che, có lẽ Phạm Ngọc Thảo quyết tâm đánh một ván bài cuối cùng trong cuộc đời mình: hy vọng có thể một lần nữa vượt qua thử thách, có thể tái gầy dựng vị thế của bản thân trong chính quyền mới, để tiếp tục cống hiến cho cách mạng.

Năm nay là tròn 70 năm ngày hy sinh của Phạm Ngọc Thảo. Nhìn lại cuộc đời ông, chúng ta thấy có quá nhiều điều đặc biệt: mang quân hàm đại tá của hai chính quyền đối địch, từng bị chính đồng chí của mình ám sát suýt chết khi làm Tỉnh trưởng Bến Tre do họ không biết ông là tình báo của cách mạng. Đời ông đặc biệt cho đến khi nằm xuống: có lẽ trong hàng ngàn ngôi mộ ở Nghĩa trang TPHCM, không có ảnh của anh hùng nào lại mang quân phục Việt Nam Cộng hòa với quân hàm đại tá như Phạm Ngọc Thảo.

Có lẽ không có điệp viên nào mãi đến 20 năm sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước mới được công nhận và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như ông. Theo ông Mười Hương, lý do là Nhà nước sợ việc bộc lộ thân phận của ông quá sớm sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của vợ con ông tại Mỹ. Đây có lẽ là lý giải hợp lý. Không vô cớ mà tháng 7-1995, Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam thì tháng Tám cùng năm, Phạm Ngọc Thảo chính thức được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Thay lời kết

Tháng Tư bao giờ cũng gợi nhiều cảm xúc lịch sử. 50 năm trôi qua, đúng nửa thế kỷ kể từ khi cuộc cách mạng thần thánh của nhân dân ta kết thành trái ngọt: Việt Nam thống nhất, non sông liền một dải. Còn gì phù hợp hơn là tháng Tư xem lại những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam về các chiến công cách mạng như Ván bài lật ngửa. Xem để thấy mỗi sớm mai khi chúng ta thức dậy, nhìn những đứa con đang bình yên trong giấc ngủ say nồng, hiểu ra rằng điều đó được đánh đổi bằng máu, rất nhiều máu, của những con người quên thân vì nước như Phạm Ngọc Thảo.

“Võ trường vắng bóng người anh kiệt

Khí phách hiên ngang giữa đất trời”

Đây là hai câu thơ được khắc trên bia mộ của người anh hùng. Đó cũng chính xác là cảm nhận của người viết về Phạm Ngọc Thảo: một “khí phách hiên ngang”.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

(1) Xem Những người làm phim “Ván bài lật ngửa” - Kỳ 7: Bộ phim thay đổi số phận vị đạo diễn, báo Thanh Niên, https://thanhnien.vn/nhung-nguoi-lam-phim-van-bai-lat-ngua-ky-7-bo-phim-thay-doi-so-phan-vi-dao-dien-185157073.htm

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới