Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thanh Hóa đẩy mạnh xúc tiến, thu hút khách du lịch từ ĐBSCL

Nguyên Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chiều 3-8-2023, tại thành phố Thanh Hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị tham vấn đại diện lãnh đạo ngành du lịch tại các tỉnh, thành phố ĐBSCL nhằm hoàn thiện tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh và tìm ra những giải pháp thu hút du khách từ khu vực ĐBSCL đến “xứ Thanh”.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong 7 tháng năm 2023 tổng lượng khách du lịch đến Thanh Hóa ước đạt trên 10,2 triệu lượt, đạt 85,5% so với kế hoạch năm 2023; tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 19.600 tỉ đồng, đạt 80,9% so với kế hoạch năm 2023.

Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyên Phong

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, cho biết mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận du lịch Thanh Hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, sản phẩm du lịch tuy được cải thiện nhưng vẫn thiếu những sản phẩm du lịch chất lượng cao để thu hút và phục vụ thị trường khách du lịch quốc tế và khách có khả năng chi trả cao.

Bên cạnh đó, lượt khách du lịch đến Thanh Hóa tương đối lớn nhưng chủ yếu là khách du lịch nội địa, tập trung chủ yếu vào mùa hè, đặc biệt là việc kết nối tour, tuyến, khai thác các điểm đến mới trong chương trình tham quan của du khách chưa thật sự phong phú, hấp dẫn để kéo dài thêm thời gia lưu trú và tăng chi tiêu của khách…

Chia sẻ về giải pháp thu hút khách du lịch từ ĐBSCL đến Thanh Hóa, các đại biểu cho rằng cần “rút ngắn” khoảng cách giữa ĐBSCL – Thanh Hóa, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch Thanh Hóa đến du khách khu vực ĐBSCL và đa dạng loại hình du lịch tại xứ Thanh.

Du khách tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyên Phong

Ông Vưu Chấn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Cần Thơ, cho rằng Thanh Hóa có tiềm năng du lịch lớn và đạt được nhiều kết quả du lịch ấn tượng trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng cần mở lại đường bay Cần Thơ – Thanh Hóa để các doanh nghiệp ĐBSCL dễ dàng đưa khách ra Thanh Hóa, thay vì bay ra Hà Nội và di chuyển vào Thanh Hóa.

Hiện tại, du khách ĐBSCL đi Thanh Hóa chỉ có thể đến TPHCM, sau đó bay đến sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) và di chuyển đến thành phố Thanh Hóa hoặc bay đi từ thành phố Cần Thơ, đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) và di chuyển khoảng 150km để đến thành phố Thanh Hóa. Đây có thể xem là “nút thắt” trong việc thu hút du khách miền Tây Nam Bộ đến với “xứ Thanh”. Việc mở lại đường bay Cần Thơ – Thanh Hóa sẽ góp phần đưa du khách ĐBSCL gần hơn với Thanh Hóa và ngược lại.

“Người dân ĐBSCL hầu như không biết Thanh Hóa nhiều so với các địa danh du lịch khác như Hạ Long, Phan Thiết hay Đà Nẵng… qua đó, cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Thanh Hóa đối với du khách vùng ĐBSCL”, ông Hùng nói thêm.

Cùng ý kiến với ông Vưu Chấn Hùng, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, cho rằng hình ảnh điểm đến du lịch Thanh Hóa chưa nổi bật đối với du khách ĐBSCL, khiến Thanh Hóa chưa được nhiều khách du lịch chọn lựa làm điểm đến.

Bức tranh thiên nhiên thơ mộng tại Pù Luông, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyên Phong

Về sản phẩm du lịch, bên cạnh loại hình du lịch biển với địa danh nổi tiếng là Sầm Sơn, ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Chi nhánh công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Bến Thành tại Cần Thơ, cho rằng ngành du lịch Thanh Hóa cần đẩy mạnh du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh. Đối với loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, loại hình du lịch này thích hợp với những người trẻ, người ưa khám phá, mạo hiểm. Các điểm đến thu hút khách như Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Vườn quốc gia Bến En, hang Co Luồng, bãi cò Tiến Nông, thác Voi… cần được tiếp tục quảng bá, giới thiệu đến du khách.

“Đối với loại hình mô hình văn hóa lịch sử, Thanh Hóa có rất nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Trong đó, một số điểm được đưa vào khai thác và thu hút du khách như Thành nhà Hồ, Di tích lịch sử Lam Kinh hay suối cá thần Cẩm Lương… Việc phát triển đa dạng các loại hình du lịch sẽ giúp Thanh Hóa phát huy tối đa tiềm năng du lịch cũng như giải quyết tính mùa vụ của du lịch địa phương”, ông Nghị nói thêm.

Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, đánh giá tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch khi sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đặc sắc, có giá trị quốc gia và quốc tế; cùng với hệ thống giao thông hoàn thiện và đa dạng các loại hình từ đường bộ với đường Cao tốc Bắc – Nam (rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội về tỉnh Thanh Hóa còn hơn 1,5 giờ), tuyến đường bộ ven biển từ tỉnh Quảng Ninh đến Nghệ An, đường sắt Bắc – Nam đến Cửa khẩu Quốc tế với CHDCND Lào, Cảng hàng không Thọ Xuân…

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với các hãng hàng không để sớm khôi phục lại đường bay Cần Thơ – Thanh Hóa và duy trì đường bay để thuận tiện trong công tác khai thác thị trường khách du lịch từ các ĐBSCL và ngược lại.

Thanh Hóa có rất nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Trong đó, một số điểm được đưa vào khai thác và thu hút du khách như Thành nhà Hồ, Di tích lịch sử Lam Kinh hay suối cá thần Cẩm Lương…

Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch và đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược. Tính đến thời điểm này, Thanh Hóa đã thu hút được 81 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 146.000 tỉ đồng. Trong đó có những dự án quy mô lớn, hệ thống dịch vụ đồng bộ, có chất lượng cao, hướng đến đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước thuộc phân khúc cao cấp đã và đang được triển khai như Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC Sầm Sơn (thành phố Sầm Sơn); Khu du lịch sinh thái biển Tiến Thanh (tại huyện Hoằng Hóa); các dự án của Tập đoàn SunGroup: Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội (tại thành phố Sầm Sơn), Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En (huyện Như Thanh)…

Khi các tổ hợp dự án ngày hoàn thành và đi vào vận hành, khai thác, cùng với sự phong phú và hấp dẫn về tài nguyên du lịch, hứa hẹn sự bứt phá mạnh mẽ của du lịch Thanh Hóa và cơ bản khắc phục được tính mùa vụ, vốn là điểm nghẽn của du lịch Thanh Hóa thời gian qua.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới