Thứ Hai, 30/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thanh khoản hệ thống ngân hàng cuối năm vẫn dư thừa vì đâu?

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Nếu như thời điểm này năm ngoái, dòng tiền tắc nghẽn trên nhiều mặt trận, thanh khoản hệ thống căng thẳng khắp nơi, đẩy lãi suất tăng vọt trên các thị trường và các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất để giữ vững số dư huy động, năm nay mọi thứ lại đang diễn ra ngược lại…

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã duy trì được trạng thái dư thừa trong suốt những tháng qua. Ảnh: LÊ VŨ

Dồi dào thanh khoản

Lãi suất vay mượn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng cập nhật đến ngày 16-11-2023 chỉ còn 0,21%, kỳ hạn một tuần và hai tuần lần lượt là 0,33% và 0,52%. So với thời điểm đầu tháng, lãi suất qua đêm đã giảm 84 điểm cơ bản, còn kỳ hạn một tuần và hai tuần giảm 116 điểm cơ bản. Nhìn lại cùng kỳ năm ngoái, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng thường xuyên duy trì quanh mức 4-5%, thậm chí có thời điểm lên đến 6-7%.

Lợi suất trái phiếu chính phủ trong các phiên đấu thầu vừa qua cũng chỉ còn quanh 2,5-3,3% đối với kỳ hạn 10 năm, trong khi thời điểm này năm ngoái có lúc lên tới 4,8%. Lãi suất thấp như vậy nhưng lượng đặt mua từ các nhà đầu tư vẫn rất lớn và hấp thụ xấp xỉ 90% khối lượng gọi thầu. Đáng lưu ý là ở kỳ hạn dài 30 năm, lợi suất trúng thầu thậm chí chỉ ở mức 3,05%, với một phiên đấu thầu có khối lượng 750 tỉ đồng.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng nói chung và nhiều ngân hàng nói riêng đã duy trì được trạng thái dư thừa trong suốt những tháng qua. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh dòng tiền trong nền kinh tế vẫn đang bị ứ đọng tại một số khu vực, vòng luân chuyển của các nguồn vốn cũng không còn linh hoạt như những năm trước đây.

So sánh như vậy để thấy rằng thanh khoản của hệ thống hiện nay vẫn đang dồi dào như thế nào. Nếu như thời điểm này năm ngoái, dòng tiền tắc nghẽn trên nhiều mặt trận, thanh khoản hệ thống căng thẳng khắp nơi, đẩy lãi suất tăng vọt trên các thị trường và các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất để giữ vững số dư huy động, năm nay mọi thứ lại đang diễn ra ngược lại.

Đơn cử như việc các ngân hàng liên tục giảm lãi suất tiền gửi. Từ đầu tháng 11 đến nay, các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi, dù theo thông lệ dòng tiền gửi cuối năm thường chịu áp lực rút ra để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh bước vào giai đoạn cao điểm. Xu thế này diễn ra ở ngay cả những ngân hàng đã đưa lãi suất về mức đáy thấp nhất trong nhiều năm qua như Vietcombank, cho đến những ngân hàng quy mô nhỏ vốn luôn thua thiệt trong cuộc chiến huy động.

Thống kê cho thấy lãi suất tiền gửi bình quân của 35 ngân hàng nội địa đến giữa tháng 11 so với cuối tháng trước đã giảm 0,15 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1-5 tháng, xuống còn 3,8%; giảm 0,18 điểm phần trăm ở kỳ hạn 6-11 tháng, xuống còn quanh 5%; giảm 0,17 điểm phần trăm ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, xuống 5,3% và giảm 0,15 điểm phần trăm ở kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, xuống 5,5%. Theo đó, mặt bằng lãi suất bình quân hiện nay đã giảm về lại mức thấp hơn tháng 9 năm ngoái – thời điểm các ngân hàng bắt đầu bước vào cuộc đua lãi suất quyết liệt.

Đặc biệt, với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng, hầu hết các ngân hàng đã rời xa mức trần theo quy định là 4,75%, ủng hộ cho một đợt giảm lãi suất điều hành nữa có thể diễn ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát và tỷ giá vẫn tiềm ẩn những áp lực nhất định, ngành ngân hàng đang đối mặt với một vài thông tin không mấy tích cực, giới phân tích cho rằng động thái giảm thêm lãi suất điều hành khó có thể xảy ra trong tương lai gần.

Vì đâu?

Trước triển vọng không mấy chắc chắn của nền kinh tế, môi trường kinh doanh vẫn khá rủi ro, nguồn vốn nhàn rỗi dường như vẫn tập trung trú ẩn vào hệ thống ngân hàng, bất chấp lãi suất tiền gửi liên tục đi xuống trong thời gian qua. Cập nhật gần nhất từ trang web của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 8-2023, số dư tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,43 triệu tỉ đồng, tăng 8,93% so với cuối năm 2022, tương đương số tăng tuyệt đối là 567.600 tỉ đồng.

Ở chiều vốn ra, hoạt động tín dụng của các ngân hàng vẫn chậm chạp, dù đã bước vào giữa quí 4, giai đoạn cao điểm của các hoạt động sản xuất kinh doanh thường thúc đẩy nhu cầu vốn tăng mạnh trong những năm trước. Tuy nhiên, sự khác biệt năm nay tiếp tục thể hiện rõ. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng cập nhật đến cuối tháng 10 chỉ mới đạt 7,39%, còn cách rất xa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là 14%. Như vậy, nếu muốn đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm 2023, ngành ngân hàng cần phải bơm ra thị trường ít nhất 800.000 tỉ đồng nữa mới đưa tăng trưởng tín dụng lên 14%.

Nhiều ý kiến gần đây cho rằng tăng trưởng tín dụng trong năm nay chỉ từ 11-12% là phù hợp, theo đó hai tháng cuối năm có thể tăng thêm 2% mỗi tháng. Dù vậy, với hoạt động của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu chưa hoàn toàn phục hồi, các kênh đầu tư như bất động sản vẫn trì trệ, giải quyết bài toán tín dụng đầu ra là một thách thức không nhỏ. Thực tế không ít ngân hàng đã chủ động kiểm soát hoạt động cho vay thận trọng hơn trong môi trường rủi ro và nợ xấu đang gia tăng như hiện nay.

Vì lẽ đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng nói chung và nhiều ngân hàng nói riêng đã duy trì được trạng thái dư thừa trong suốt những tháng qua. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh dòng tiền trong nền kinh tế vẫn đang bị ứ đọng tại một số khu vực, vòng luân chuyển của các nguồn vốn cũng không còn linh hoạt như những năm trước đây.

Một yếu tố khác giúp thanh khoản hệ thống cuối năm vẫn dồi dào là lượng tín phiếu NHNN phát hành vẫn đang đáo hạn dần. Cụ thể, kể từ đầu tháng 11-2023, NHNN đã thu hẹp dần quy mô phát hành tín phiếu mới và ngừng hẳn nghiệp vụ này từ phiên 9-11, trong bối cảnh áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt. Theo đó, tính từ đầu tháng 11 đến cuối tuần trước (17-11), lượng tín phiếu (kỳ hạn 28 ngày) mới phát hành có quy mô đạt 46.250 tỉ đồng, trong khi lượng tín phiếu (kỳ hạn 28 ngày) đáo hạn là 150.900 tỉ đồng, đồng nghĩa NHNN đã bơm ròng 104.650 tỉ đồng cho hệ thống ngân hàng.

Khối lượng tín phiếu đang lưu hành là 103.750 tỉ đồng và số tín phiếu này sẽ dần đáo hạn từ nay đến ngày 6-12-2023, riêng trong tuần này (từ 20 đến 24-11) sẽ có 45.550 tỉ đồng tín phiếu đáo hạn. Chính lượng lớn thanh khoản từ tín phiếu đáo hạn quay trở lại hệ thống cũng đã góp phần đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trong các phiên vừa qua.

Với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ không còn lần tăng lãi suất nào trong năm nay, sau khi lạm phát mới công bố của nước này đã hạ nhiệt đáng kể và trên đường tiến về mục tiêu 2%, đô la Mỹ trên thị trường quốc tế dự báo có thể đi xuống trở lại. Xu thế này sẽ giúp tỷ giá không còn chịu áp lực quá lớn như thời gian gần đây, mở ra cơ hội cho nhà điều hành tiếp tục mua ròng ngoại tệ trong thời gian tới, khi nguồn cung ngoại tệ từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài và thặng dư thương mại hàng hóa đạt được rất lớn trong năm nay. Theo đó, thanh khoản của hệ thống vẫn sẽ tiếp tục được hỗ trợ thông qua kênh mua ngoại tệ của NHNN.

1 BÌNH LUẬN

  1. Đành rằng tín dụng tăng thấp là do kinh tế quá khó khăn, suy giảm tổng cầu từ cầu ngoài nước (xuất khẩu tăng chậm), cầu trong nước suy giảm, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng rất cao, nhất là ngành bất động sản có DN mới giảm tới trên 50%. Không kinh doanh được chẳng ai cần vay vốn, người tiêu dùng thắt hầu bao, đa phần ở Việt Nam chỉ có khoảng 20% là tầng lướp trung lưu cũng cân nhắc chi tiêu, còn người thu nhập trung bình và thấp thì việc làm suy giảm, không thu nhập không thể hoặc không dám vay tiêu dùng nữa.
    Nhưng cần nhìn thấu đáo hơn, nguồn vốn huy động từ nền kinh tế (thị trường I, từ dân và tổ chức) chỉ tăng 7,2% (theo công bố hết tháng 9 của NHNN) về thực chất cơ bản phần tăng 7,2% này chủ yếu đến từ phần tiền lãi nhập gốc của người gửi tiền, vì năm 2022 lãi suất tiền gửi rất cao, có NHTM đưa mức 10,5%/năm, bình quân chung cũng mức 9%/năm, nay từng bước đến kỳ đáo hạn không rút ra chi tiêu thì được nhập về gốc nên tăng 7,2% là chuyện rất bình thường. Thậm chí có thể thấy tăng như vậy là chưa cao do phần thu nhập dôi dư do tích lũy từ thu nhập kiếm được đã suy giảm, ngoại trừ phần tích lũy vàng, USD có thể mang bán đi gửi ngân hàng lấy lãi thì đáng lo ngại cho phần tăng lên không nhiều này.
    Tôi không đồng tình cách tính “cua trong lỗ” của bài viết này và nhiều bài viết khác tính để tăng 14% tín dụng thì phải bơm tiền từ tín dụng 800 ngàn tỷ-đến 1 triệu tỷ, vì không thể võ đoán như vậy. Muốn tăng được 800 ngàn tỷ thì cũng tương đương việc các ngân hàng phải tăng trưởng thêm gần 1 triệu tỷ nguồn vốn huy động từ nền kinh tế (thị trường I), vì ngân hàng chỉ được cho vay tối đa 80% nguồn vốn huy động từ thị trường I. Vậy nguồn huy động này làm sao có được khi thu nhập của người dân đang vô cùng khó khăn, DN thua lỗ không tăng thêm thu nhập? Câu trả lời cuối cùng vẫn phải là đến từ thị trường cung – cầu vốn sẽ tốt khi nền kinh tế bình thường trở lại, tiền ngân sách chi cho đầu tư công và chi tiêu hỗ trợ theo nghị quyết quốc hội ra được nền kinh tế gần 1 tiệu tỷ đồng đang bị nhốt chặt ở tài khoản của NHNN – tiền này được coi nằm trong kho phát hành (đồng tiền giấy) không phải là tiền của nền kinh tế.
    Tổng thể tiền của nền kinh tế (tổng phương tiện thanh toán – M2 đang thiếu trầm trọng, 9 tháng M2 tăng trưởng có 5,62%) đang thiếu trầm trọng, với tăng trưởng kinh tế 5% cộng với lạm phát 4% thì M2 ít nhất tăng lên là 9%. Cái mỏ con chuồn chuồn là ở 1 triệu tỷ của ngân sách cứ nhốt đó có tiền không tiêu được mới là cái núi thắt ngăn nền kinh tế bứt phá trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới