Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thanh khoản ‘tụt áp’!

Thanh Thủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tuần giao dịch từ ngày 22 đến 26-7-2024 tương đối ảm đạm khi VN-Index tiếp tục quán tính giảm mạnh trong đầu tuần để kiểm định lại vùng 1.220 điểm trước khi lực cầu trở lại giúp chỉ số phục hồi trong phiên cuối tuần.

Tổng cộng sau năm phiên giao dịch, VN-Index giảm 22,67 điểm (tương đương 1,79%), kết tuần tại 1.242 điểm. Đáng chú ý, thanh khoản giảm dần và xuống mức rất thấp cho thấy nhà đầu tư vẫn còn rất thận trọng trước những biến động của thị trường giai đoạn gần đây.

Chiến lược khuyến nghị hiện nay vẫn là duy trì một tỷ trọng cổ phiếu cân bằng, quản trị chặt rủi ro và chờ đợi điểm giải ngân thêm khi VN-Index xác lập được xu hướng tăng rõ ràng trở lại. Ảnh minh họa: LÊ VŨ

Bất chấp diễn biến ảm đạm của thị trường, vẫn có một số cổ phiếu có diễn biến khá tích cực. Điển hình như BCM của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Becamex IDC - bứt phá hơn 7% giá trị sau ba phiên tăng điểm liên tiếp để cán mốc 72.500 đồng/cổ phiếu - mức cao nhất trong bốn tháng qua, đưa giá trị vốn hóa của cổ phiếu này chạm ngưỡng 75.000 tỉ đồng.

Đà tăng mạnh của BCM thời gian qua nhiều khả năng xuất phát từ thông tin Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt giảm vốn nhà nước tại Becamex IDC từ 95,44% về 65% đến cuối năm 2025. Đây là cơ sở để cổ đông Nhà nước bán vốn và giảm sở hữu tại Becamex IDC. Một trường hợp khác là cổ phiếu NTP của Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cũng có tuần tăng giá tích cực và thiết lập mức đỉnh lịch sử mới tại 61.500 đồng/cổ phiếu nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc.

Cụ thể, công ty ngành nhựa này đã công bố báo cáo tài chính quí 2-2024 với doanh thu thuần đạt 1.680 tỉ đồng, tăng 37% và lợi nhuận sau thuế đạt 238 tỉ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2023. Đây đồng thời là mức lãi theo quí cao nhất lịch sử hoạt động của công ty.

Trong khi đó, khối ngoại bất ngờ có tuần mua ròng trở lại sau chuỗi tuần bán ròng liên tiếp gần đây. Lũy kế sau năm phiên giao dịch tuần qua, khối ngoại mua ròng 462 tỉ đồng trên toàn thị trường, trong đó bán ròng 410 tỉ đồng trên kênh khớp lệnh nhưng mua ròng tới 872 tỉ đồng trên kênh thỏa thuận.

Cổ phiếu KDC được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 481 tỉ đồng, gần như toàn bộ là mua qua thỏa thuận trong phiên cuối tuần. Ở chiều ngược lại, tâm điểm bán ròng tuần qua ghi nhận tại cổ phiếu DGC với giá trị 420 tỉ đồng, tiếp đến là SSI và MWG với giá trị bán ròng lần lượt là 289 tỉ đồng và 208 tỉ đồng.

Trên TTCK Mỹ, các chỉ số chứng khoán chính đều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (26-7), qua đó kết thúc một tuần đầy biến động ở Phố Wall. Tính tổng cộng tuần qua, chỉ số S&P 500 giảm 0,8%, trong khi Nasdaq giảm 2,1%. Chiều ngược lại, chỉ số Dow Jones tăng 0,8% nhờ dòng tiền chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu blue-chip.

Về các thông tin kinh tế, theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 6 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, bằng với mức dự báo của các chuyên gia. PCE - thước đo lạm phát được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng - phản ánh lạm phát trong nền kinh tế Mỹ đang tiếp tục giảm về mục tiêu 2% của Fed, dù tốc độ giảm còn chậm do lạm phát còn dai dẳng trong lĩnh vực dịch vụ. Dữ liệu trên càng củng cố khả năng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng khoảng 88% Fed sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9 trong khi mức đặt cược vào khả năng Fed tiếp tục hạ lãi suất vào tháng 11 và tháng 12 tới dao động quanh ngưỡng 60%.

Trong tuần này, giới đầu tư sẽ dồn sự chú ý vào cuộc họp của các ngân hàng trung ương lớn gồm Mỹ, Nhật Bản và Anh. Trong đó, cuộc họp của Fed diễn ra trong hai ngày 30 và 31-7 là tâm điểm. Tiếp đó, vào ngày thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 7 - cũng là một dữ liệu quan trọng có thể chi phối đường đi của lãi suất Fed trong thời gian tới.

Về xu hướng của VN-Index, đà hồi phục của chỉ số sẽ sớm gặp thử thách tại khu vực quanh 1.250 điểm. Dòng tiền vẫn đang tỏ ra dè dặt, càng làm gia tăng sự nghi ngờ trong các phiên hồi phục. Tuy vậy, diễn biến dần cân bằng sau chuỗi phiên lao dốc của một số cổ phiếu tăng “nóng” giai đoạn trước như VGI, HVN... đang khiến nhà đầu tư dần bớt lo ngại về tình hình giải chấp margin trên thị trường. Chiến lược khuyến nghị hiện nay vẫn là duy trì một tỷ trọng cổ phiếu cân bằng, quản trị chặt rủi ro và chờ đợi điểm giải ngân thêm khi VN-Index xác lập được xu hướng tăng rõ ràng trở lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới