Chủ Nhật, 18/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thành lập kiểm ngư địa phương hỗ trợ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp 

Thành Tín

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ yêu cầu thành lập kiểm ngư địa phương để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, trong đó tập trung hỗ trợ ngành thuỷ sản, các tỉnh thành ven biển chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp (IUU).

Lực lượng chức năng đang kiểm tra thiết bị VMS trên tàu đánh cá. Ảnh: TTXVN

Đây là một trong những nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển được đề cập trong công điện 539/TB-VPCP về kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp lần thứ 8 của Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến tháng 3-2023, có 9 trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển thành lập tổ chức kiểm ngư địa phương. Trong đó, 8 tỉnh thành lập theo mô hình cấp phòng và tương đương thuộc Chi cục Thủy sản của Sở NN&PTNT, còn tỉnh Kiên Giang thành lập theo mô hình cấp chi cục (Chi cục Kiểm ngư) thuộc Sở NN&PTNT.

Để quản lý những tàu cá vi phạm, Chính phủ yêu cầu các địa phương lập danh sách cụ thể số lượng tàu cá “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm, chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản), tổ chức giám sát 24/24 hoạt động tàu cá qua hệ thống giám sát hành trình, theo dõi, xử lý những vi phạm ngắt kết nối hệ thống giám sát tàu cá (VMS) trong 6 tiếng không báo cáo vị trí. Cùng với đó là khởi tố, xét xử những môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Trong nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” IUU trong lần thanh tra thứ 5 của đoàn thanh tra Uỷ ban châu Âu (EC) dự kiến vào tháng 4-2024, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các bên để mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực biển giáp ranh với Indonesia, Thái Lan, Campuchia, đặc biệt là Malaysia để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài.

Trước đó, vào ngày 5-12, EC đã có Công thư chính thức (Ref.Ares (2023)8304503) về kết quả chống khai thác IUU tại Việt Nam sau đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10-2023. Theo Bộ NN&PTNT, trong nội dung này, EC khuyến nghị Việt Nam tăng cường các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và truy tố các hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt chú ý các trường hợp ngắt kết nối VMS sát biên giới vùng đặc quyền kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới