Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thanh long không thể mãi cảnh chợ chiều

Hồ Nguyên Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trong suốt lịch sử 200 năm “ăn nhờ ở đậu”, thanh long tạo nên kỳ tích cho nông nghiệp Việt Nam trong hai thập niên vừa qua. Thế nhưng, thanh long sớm gặp cảnh bị hắt hủi khi Việt Nam đã leo lên đỉnh thế giới về trồng và xuất khẩu thanh long.

Một trang trại trồng thử nghiệm thanh long ở hạt Yeongdong, tỉnh Chungcheong Bắc, Hàn Quốc trong năm 2018. Ảnh: Korea Times

Thuộc họ xương rồng, thanh long là giống cây bản địa của Mexico và các nước vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ được người Pháp đưa vào Việt Nam vào đầu những năm 1800. Từ những vườn thanh long tập trung đầu tiên ở Bình Thuận thập niên 1980, thanh long dần lan sang hai tỉnh Long An, Tiền Giang và các tỉnh khác. Diện tích tăng vọt từ hơn 5.500 héc ta trong năm 2000 lên hơn 55.000 héc ta trong năm 2018, tức tăng 10 lần, và vẫn đang tiếp tục mở rộng. Thanh long được mệnh danh là “nữ hoàng trái cây” và kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 1 tỉ đô la từ năm 2019.

Tủi phận “nữ hoàng”

Thích hợp với đất đai và thổ nhưỡng ba tỉnh nói trên, đặc biệt là Bình Thuận, thanh long thành giống quý, cho trái ngon. Du khách châu Á rất quan tâm trái thanh long ruột đỏ vùng Bình Thuận bởi “màu đẹp, vị ngon và lạ với họ”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trao đổi với chúng tôi trong một cuộc trò chuyện cuối năm 2019.

Bà nói rằng người Việt hoàn toàn không ý thức mình có nguồn giống cây trồng quý, và quý ở đây là được định nghĩa là “sản lượng ít nhưng chất lượng cực cao”.

“Chúng ta quá khờ dại khi đến đâu cũng nói đây là giống quý nhưng dễ trồng. Có những lúc, các chuyến chuyên cơ của các phái đoàn nước ngoài tràn ngập thanh long Việt Nam và những đoạn giống. Họ mang về và chúng ta cũng không ý thức bảo vệ nguồn giống”, bà Lan kể.

Trong khi đó, thanh long được nhân giống nhanh và trồng ồ ạt, phần lớn là loại ruột trắng, ở hàng chục tỉnh thành trong nước. Chất lượng tỉnh nào cũng ngang ngang nhau, không có sự nổi bật bởi ngành nông nghiệp quan niệm “đây là cây xóa đói giảm nghèo”. Hệ quả là, bà Lan nói, người dùng trong nước không thể phân biệt đâu là thanh long từ Bình Thuận hay từ Long An, Tiền Giang hay từ các tỉnh ở phía Bắc.

Những giây phút vinh quang của thanh long sớm phụt tắt. “Giờ đây, Trung Quốc, Đài Loan và Thái Lan đã phát triển được trái thanh long có giá trị cao hơn từ nguồn giống của Việt Nam. Trong khi Việt Nam sản xuất dư thừa và có lúc đổ cho bò ăn thì thật đau lòng…”, bà Lan tỏ ra tiếc vì bài học mất độc quyền cây thanh long đắt giá.

Bà nhắc lại câu chuyện xuất khẩu nông sản của thập niên 1970-1990 sang các nước Đông Âu. “Chúng ta cứ xuất mãi dứa, nhãn, vải trong hộp từ năm này sang năm khác. Thời cuộc thay đổi, thị trường cũ không còn, nhưng những lon dứa, nhãn và vải vẫn như cũ và chúng ta bỏ luôn thị trường cũ đã gầy dựng bao năm”, bà nói.

Thời thế đã thay đổi

Thanh long Việt Nam từng được thương lái Trung Quốc tranh giành mua với giá 50.000-60.000 đồng/ký. Khi người dân mở rộng diện tích ồ ạt để tăng sản lượng, giá thanh long lại rớt thẳng đáy. Lúc tắc biên, thanh long chỉ còn 500 đồng/ký, nông dân đổ đống làm thức ăn cho bò và gia súc hoặc để thối rữa trên các cánh đồng.

Để tăng tính cạnh tranh thanh long cần phải “biến hình” thành các sản phẩm cao cấp hơn, giá trị hơn như sấy khô hay sấy dẻo, nước ép si rô, chip hay snack thanh long, rượu vang thanh long, kem thanh long, chả cá thanh long, bánh mì thanh long… Đặc biệt, sản phẩm bột thanh long nhiều dinh dưỡng.

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng thời hoàng kim của thanh long Việt Nam giờ đã qua. Trái thanh long Việt giờ buộc phải cạnh tranh với sản phẩm của nhiều nước khác.

Ngay tại Trung Quốc – thị trường tiêu thụ đến 90% thanh long Việt Nam – diện tích trồng cũng tăng gấp 10 lần đạt hơn 35.000 héc ta trong những năm gần đây, tập trung ở các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam và Phúc Kiến. Thanh long Việt không chỉ phải canh thời tiết, mùa thuận, mùa nghịch mà còn phải lo né vụ thu hoạch của Trung Quốc để bán được hàng.

Láng giềng Campuchia đang có những bước đi rốt ráo để cạnh tranh với xoài, chuối và ngay cả thanh long của Việt Nam trên thị trường nhập khẩu vào Trung Quốc. Hồi tháng 5-2020, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Campuchia đã khởi động dự án thử nghiệm phát triển thanh long. Trên 1.000 héc ta đất nông nghiệp, Campuchia sẽ trồng 1 triệu cây thanh long hướng đến xuất khẩu. Campuchia cũng đang đàm phán với Chính phủ Trung Quốc để xuất thanh long theo đường chính ngạch.

Có khí hậu hàn đới, nhưng Chính phủ Hàn Quốc cũng đang khuyến khích và hỗ trợ nông dân trồng thanh long và các loại cây ăn trái nhiệt đới để tăng thu nhập – theo Korea Times. Cơ quan phát triển nông thôn Hàn Quốc cho biết diện tích trồng trái cây cận nhiệt đới đạt 170 héc ta trong năm 2019, tăng 50% so với năm 2017. Xoài và chanh dây dẫn đầu về diện tích trồng, kế đến là chuối và thanh long.

Tuy nhiên, khác hẳn với Trung Quốc và Campuchia, mục tiêu của Hàn Quốc là chuyển đổi canh tác để thích hợp với biến đổi khí hậu trong 50-60 năm tới. Nếu nhiệt độ trái đất vẫn ấm dần như tốc độ tăng hiện nay, 62,3% diện tích trồng trọt của Hàn Quốc sẽ thành đất trồng vùng cận nhiệt đới vào năm 2080.

Trong khi đó, các nhà khoa học Mỹ hiện đang nghiên cứu ít nhất ba giống thanh long từ Việt Nam được đặt tên Bien Hoa White, Bien Hoa Red và Vietnamese Giant. Ba giống này cùng nhiều giống thanh long từ các nước khác đang được các nhà khoa học Mỹ nhân rộng ở bốn bang California, Florida, Hawaii và Texas – theo hãng tư vấn Blue Book Services.

Tìm kiếm tương lai mới

Cuối tháng 8-2021, Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương đề nghị các địa phương cần quy hoạch lại vùng trồng thanh long gắn với yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn của từng thị trường như EU, Bắc Mỹ, Nhật Bản… Các trang trại trồng thanh long không thể tiếp tục mở rộng diện tích mãi được.

Những lời kêu gọi tương tự lại cất lên vào cuối tháng 12 vừa rồi khi gần 5.000 xe tải chở thanh long và nông sản ở phía Nam bị tắc biên ở biên giới phía Bắc. “Chúng ta không thể bỏ được thị trường Trung Quốc khổng lồ này bởi nó nằm sát cạnh, thuận lợi. Nhưng phải xem đây là cơ hội để đánh giá lại đất đai, công nghệ và năng lực của nông nghiệp trong nước. Phải xem đây là điều may mắn, cho chúng ta cơ hội để tập dượt, chuẩn bị cho thị trường khó tính hơn và ở xa hơn nữa như Mỹ và châu Âu. Chính vì thế phải nâng cao năng lực bảo quản và chế biến”, CEO Vinamit Nguyễn Lâm Viên nói.

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Việt Nam chúng ta từ bao đời nay làm nông với quan niệm xa xưa như vậy. Trước đây, nước là nguồn tài nguyên vô tận, nay đã khác. Hai yếu tố kế đến cũng thay đổi. Đã đến lúc chúng ta chú trọng và nên nói nhất giống tốt, nhì phân hữu cơ – những yếu tố tạo nên giá trị gia tăng mới cho hàng nông sản Việt Nam trong tương lai”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định.

Khoảng 20 giống thanh long đang được trồng khắp các tỉnh tại Việt Nam, trong đó phổ biến là loại ruột trắng. Trong khi đó, giống ruột đỏ LĐ1 và giống ruột hồng và tím đỏ LĐ5 lại cho chất lượng tốt hơn. Đặc biệt là LĐ5 có vị ngon hơn, có thể bảo quản lâu hơn, hình dáng đẹp và kháng sâu bệnh.

Đã đến lúc nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam không thể đơn giản xuất trái thanh long tươi nữa. Thanh long cần phải “biến hình” thành các sản phẩm cao cấp hơn, giá trị hơn như sấy khô hay sấy dẻo, nước ép si rô, chip hay snack thanh long, rượu vang thanh long, kem thanh long, chả cá thanh long, bánh mì thanh long… Đặc biệt, sản phẩm bột thanh long (hay còn gọi là bột pitahaya) có hàm lượng dinh dưỡng và tác dụng rất tốt cho sức khỏe, được coi là một siêu thực phẩm nhiệt đới.

Tài liệu khoa học của tác giả Phan Thị Thu Hiền đăng tải trên trang của Trung tâm Công nghệ thực phẩm và phân bón châu Á – Thái Bình Dương (FTTC-AP) của Đài Loan đề nghị cần tập trung vào các giá trị dinh dưỡng và y học của loại siêu trái cây này. Bà Phạm Chi Lan một lần nữa kể: “Hơn 20 năm trước, lúc thanh long còn hiếm, ông đại sứ Singapore hỏi tôi tìm mua thanh long Việt Nam cho người thân ở Singapore vì nó có thể chữa chứng đi tiểu đêm. Đến nay, các cơ quan nghiên cứu Việt Nam vẫn chưa thật sự bắt tay thực hiện các công trình nghiên cứu về khả năng chữa bệnh của cây trái Việt Nam, tiến hành thử nghiệm lâm sàng và công bố với thế giới”.

2 BÌNH LUẬN

  1. Không có gì là lạ, chuyện báo trước cách đây 5 năm khi TQ chuyển giống và trồng cả chục ngàn ha, nhiều người trồng thanh long ồ ạt xuống tới Tiền giang giá hàng năm ngày càng rớt… Tôi nghĩ Nhà nước cũng chẳng bận tâm tới những người làm ăn không cập nhật thông tin, kiến thức, cứ để rớt giá họ tự động suy nghĩ đầu tư hợp tác hay dùng kỹ thuật chuyên sâu hơn là cứ kiểu “trời sinh voi sinh cỏ”.

  2. Thanh long có thể nhiều nơi, nhiều nước trồng được. Nhưng để có thanh long hương vị riêng như Bình thuận là rất hiếm. Ta đang sở hữu những “thứ Trời cho” nhưng chưa biết cách vận dụng và phát huy, thụ hưởng, mà ngược lại thậm chí cứ nghĩ mình rằng sẽ “thay thế được Trời”, lai giống và lai căng tùm lum mọi thứ ! Một cách nghĩ và cách làm mới, nhưng không phủ định sạch trơn, luôn là phương châm cấp bách trong giai đoạn sắp tới. Không riêng gì thanh long, VN có đủ và nhiều những nông sản “trên cả tuyệt vời” khác. Đó là thực tế nhưng bị lãng quên và lãng phí quá nhiều ! ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới