Thứ Tư, 18/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thành phố Thủ Đức cần có cơ chế đặc thù riêng để phát triển

T.Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tiềm năng, kỳ vọng phát triển rất lớn nhưng hiện trạng thành phố Thủ Đức vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn như 25 năm trước, khi chuyển từ cấp huyện thành 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức, rồi  nay tái nhập thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước. Thành phố Thủ Đức đang cần được trao thêm quyền và có cơ chế đặc thù riêng, theo phân tích từ Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS).

Thành phố Thủ Đức. Ảnh minh họa: Ngọc Linh.

Sau 25 năm tách, nhập, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố Thủ Đức vẫn chưa được đầu tư đồng bộ; ngoài một số tuyến giao thông trục chính, đa phần tuyến đường của thành phố nhỏ hẹp, dẫn đến kẹt xe, tắc đường thường xuyên.

Thủ Đức còn khá nhiều dự án cơ sở hạ tầng thiếu vốn, các dự án được bố trí vốn nhưng tiến độ triển khai cũng rất chậm. Trong năm 2022, thành phố Thủ Đức được giao 3.460 tỉ đồng cho 36 dự án đầu tư công, song tới cuối tháng 10-2022 giải ngân chưa tới 1%.

Thực trạng này dẫn tới thành phố Thủ Đức vẫn thường xuyên ngập sâu khi mưa to hoặc triều cường; vấn đề quy hoạch “treo”, dự án “treo” luôn là nội dung nóng bỏng trong các kỳ họp HĐND, gây nhiều bức xúc cho người dân của thành phố trong lòng thành phố.

Lý giải vấn đề này, các chuyên gia của Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông TPHCM (IPS) cho rằng, mặc dù khoác cho Thủ Đức tấm áo rộng lớn, thành phố đầu tiên trong thành phố; sau sáp nhập, Thủ Đức rộng hơn 21.000 héc-ta, dân số 1,2 triệu người, cao nhất TPHCM, tương đương thành phố Đà Nẵng song cơ chế, thẩm quyền của thành phố vẫn chỉ tương đương cấp huyện.

Thủ Đức mỗi năm đang thiệt hại hơn 1.200 tỉ đồng do lung túng trong cơ chế, thẩm quyền để giải quyết bài toán kẹt xe, ngập nước, hồ sơ hành chính. Đáng lo ngại hơn, đây chỉ là thiệt hại trực tiếp về cơ sở hạ tầng, chưa tính tổn thất gián tiếp đến các hoạt động kinh tế, dân sinh, và ảnh hưởng đến người dân thường ở mức cao gấp 3-4 lần.

Để thành phố phát huy những thế mạnh, tiềm năng, các chuyên gia của IPS cho rằng, Thủ Đức nên được chọn để thí điểm mô hình chính quyền đô thị kiểu mới, hiện đại thay vì từng bước xin cơ chế, phân cấp, phân quyền hoặc chỉ thí điểm một vài chính sách nhỏ lẻ điều chỉnh quy hoạch, tài chính ngân sách như hiện nay.

Với “thành phố trong thành phố”, thành phố Thủ Đức có thể chủ động thiết kế mô hình tổ chức và vận hành bộ máy (số lượng cấp chính quyền, cơ quan hành chính trực thuộc, biên chế…) để đáp ứng hiệu quả chức năng chính quyền đô thị, không nên bị ràng buộc bởi các quy định của Luật Tổ chức HĐND, UBND và nhiều quy định pháp lý khác theo Luật Chính quyền địa phương.

TPHCM cũng đề xuất Chính phủ, Quốc hội có thể ban hành nghị quyết riêng trao thẩm quyền cho thành phố Thủ Đức. Bởi một cơ chế đặc thù của TPHCM và bên trong đó là cơ chế đặc thù cho Thủ Đức sẽ giúp TPHCM dễ dàng thí điểm, triển khai, điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn. Đây cũng là động lực thúc đẩy chính quyền Thủ Đức sáng tạo, chủ động điều hành qua đó hỗ trợ tốt cho TPHCM thực hiện thành công mô hình thí điểm, thúc đẩy kinh tế – xã hội của thành phố phát triển vững.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới