Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thành phố ven sông từ góc nhìn chỉnh trang đô thị

(KTSG Online) – Sài Gòn - TPHCM hình thành và phát triển bên một con sông lớn tương tự nhiều đại đô thị trên thế giới. Khi những nơi này đã thành công với mô hình đô thị đẹp, có điểm nhấn riêng hài hòa cùng sông nước, định hướng phát triển TPHCM ở tầm vóc tương tự vừa có nhiều cơ hội, vừa đầy thách thức.

Nhằm khai thác quỹ đất, cảnh quan môi trường ven sông, rạch để phát triển kinh tế - xã hội, UBND TPHCM đã phê duyệt đề án "Phát triển kè sông và kinh tế, dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045". Có thể xem việc xây dựng và thực hiện đề án này như làm sáng viên ngọc vốn tiềm ẩn vẻ đẹp lung linh ven sông Sài Gòn.

Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM, sông Sài Gòn gồm hai vùng: Vùng thượng lưu từ hồ Dầu Tiếng (nằm trên địa bàn ba tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Bình Phước) đến cầu Phú Long (quận 12). Vùng trung lưu, hạ lưu từ cầu Phú Long đến Mũi Ðèn Ðỏ (ngã ba sông Sài Gòn-sông Soài Rạp). Mục tiêu của đề án là từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông Sài Gòn, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh.

Đề án được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một (2022-2025), thành phố sẽ triển khai chương trình cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn, khu vực trung tâm gắn với các đề án phát triển kinh tế dịch vụ, ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước. Triển khai một số dự án điển hình về đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp hoạt động du lịch và kinh dịch vụ giải trí.

Giai đoạn hai (2025-2045), thành phố sẽ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp với hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí. Ðồng thời, hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch tại khu vực dọc sông; liên tục rà soát, nghiên cứu, cập nhật và hoàn thiện cơ chế quản lý khu vực dọc bờ sông theo hướng bảo đảm lợi ích chung của thành phố, phù hợp chủ trương, định hướng quy hoạch cấp cao hơn, đáp ứng với thị trường, tốc độ phát triển chung.

Thành phố đang mời các chuyên gia, nhà khoa học, kiến trúc sư giàu kinh nghiệm đóng góp ý kiến hoàn thiện đề án một cách chi tiết, nhằm phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, tạo nét đặc trưng độc đáo của đô thị, khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ.

Sài Gòn - TPHCM hình thành và phát triển bên một con sông lớn tương tự mô hình nhiều đại đô thị trên thế giới như: Venice (Ý), St. Petersburg (Nga), Paris (Pháp), London (Anh), Thượng Hải (Trung Quốc)... Khi những nơi này đã thành công với mô hình đô thị đẹp, có điểm nhấn riêng hài hòa cùng sông nước, định hướng phát triển TPHCM ở tầm vóc tương tự vừa có nhiều cơ hội, vừa đầy thách thức. Việc tổ chức khai thác kinh tế dịch vụ sẽ đánh thức tiềm năng ven sông Sài Gòn, từ đó hướng đến phát triển TPHCM trở thành đô thị sông nước. Viễn cảnh hai bên bờ sông Sài Gòn chỗ nào cũng khang trang, sạch đẹp, có không gian công cộng, có bến để du khách dùng phương tiện đường thủy là giấc mơ của nhiều thế hệ.

Một trong những nét văn hóa của thành phố phương Nam hơn 300 năm tuổi là hoạt động kinh thương trên bến dưới thuyền, nhưng lâu nay cảnh quan ven sông còn khá nhếch nhác, chưa xứng tầm với thành phố. Bến Bạch Đằng sau khi được chỉnh trang cùng với quảng trường quanh tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo vừa được cải tạo xong sẽ tạo nên không gian đô thị đẹp, ấn tượng cho khu vực này. Tuy nhiên, thiết kế cảnh quan còn chưa hoàn chỉnh các không gian dịch vụ cho người dân. Đơn cử, vẫn còn thiếu phương án giao thông kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ nên người dân muốn đi qua khu bờ sông còn gặp khó khăn.

Việc xúc tiến thực hiện kế hoạch của TPHCM còn là cơ hội để giải quyết bài toán thiếu diện tích công cộng, cây xanh mà lâu nay đông đảo người dân trăn trở.

Tuy nhiên, không nên xây dựng dàn trải mà nên xem xét tùy theo từng đoạn mà quy hoạch phù hợp, có các công trình điểm nhấn, công trình công cộng, văn hóa, lịch sử làm điểm đến du lịch. Trong 5 năm tới, cần quy hoạch bờ kè sông đi ngang qua khu vực bán đảo Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), quận 7 vì nơi đây đã có hạ tầng và nhiều kết nối tiện ích được đầu tư sẵn.

Theo Kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, thành phố cần sớm có quy chế quản lý, sử dụng, khai thác hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, từ đó làm công cụ để tổ chức thực hiện. Ngoài ra, cần tận dụng quỹ đất dọc hành lang sông để quy hoạch và thực hiện tuyến đường từ trung tâm thành phố đến huyện Củ Chi nhằm giảm áp lực hạ tầng lên Quốc lộ 22 vốn đang quá tải hiện nay, đồng thời đánh thức tiềm năng vùng đất phía tây bắc.

Với tỷ lệ diện tích dành cho công viên cây xanh khoảng 60% quỹ đất bên sông, thành phố có thêm từ 1.800 ha đến 3.000 ha, tương đương với chỉ tiêu cây xanh từ 0,6 đến 1,8 m2/người, cao hơn chỉ tiêu đất công viên cây xanh theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam và gấp 1,22 đến 3,67 lần so với chỉ tiêu cây xanh thực tế hiện nay của thành phố. Nếu theo phương án dành khoảng 20% cho giao thông và 20% cho các dịch vụ, không gian mở công cộng, thành phố sẽ có khoảng 220 đến 600 ha để xây dựng các công trình bảo tàng, khu ẩm thực, câu lạc bộ, sân thể dục, thể thao, khu vui chơi cho trẻ em, nhà văn hóa, cửa hàng bán lẻ, triển lãm ngoài trời, trung tâm biểu diễn, sinh hoạt lễ hội... Ngoài ra, không gian ngầm dưới kè bờ sông có thể tận dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, vui chơi giải trí sôi động như bar, karaoke, beer club, bãi đậu xe ngầm.

Bên cạnh cải tạo không gian trên bờ, việc đảm bảo mặt nước dưới sông luôn sạch sẽ cũng rất quan trọng. Do đặc thù nước sông Sài Gòn chảy qua nhiều địa bàn nên thường kèm theo rác thải, lục bình. Việc trục vớt, dọn dẹp nên được thực hiện thường xuyên để cảnh quan đẹp cả trên bờ lẫn dưới nước.

Nội dung: Phạm Cường - Trình bày: Thu Trang - Hình ảnh: Lê Vũ

 

-------------------------------

Tài liệu tham khảo:

https://tuoitre.vn/tiec-dut-ruot-cho-tp-hcm-khi-so-voi-thuong-hai-20190322084423388.htm

https://edition.cnn.com/travel/article/venice-wheelchair-accessible-route/index.html

https://www.forbes.com/sites/carltonreid/2018/12/20/parisian-boulevards-built-wide-not-for-cars-but-to-better-quell-street-protests/?sh=1618a3fe2d1c

Tin mới