(KTSG) - Thanh toán đa phương bằng ASEAN QR Code được cho là một bước quan trọng trong việc tạo ra một thị trường chung thật sự cho khối ASEAN .
- Kết nối thanh toán bán lẻ ứng dụng mã phản hồi nhanh (QR Code) giữa Việt Nam và Thái Lan
- Đà Nẵng: Đi chợ truyền thống, trả tiền qua điện thoại, QR Code
Người tiêu dùng được tiện lợi và tiết kiệm phí thanh toán khi du lịch trong khối. Hơn 70 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) của Đông Nam Á có cơ hội tiếp cận thị trường trong và ngoài khối. Các hoạt động kinh tế song phương và đa phương trong khu vực được thúc đẩy, giảm bớt mức độ rủi ro so với phụ thuộc vào đô la Mỹ làm trung gian thanh toán. Đó là những lợi ích có thể nhìn thấy từ việc thanh toán bằng ASEAN QR Code. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích trong khu vực nói vẫn còn có những điểm bất lợi từ độ mở của chính sách của các nước.
Bước quan trọng của thị trường chung ASEAN
Trong lịch sử tồn tại gần 60 năm của mình, ASEAN từng nghĩ đến và bàn luận về đồng tiền chung của khối kinh tế này. Tuy vậy, đến nay ý tưởng vẫn là ý tưởng. Hồi tháng 3-2023, Tổng thư ký ASEAN Kao Him Hourn cho rằng việc thiết lập liên minh tiền tệ không phải là ưu tiên vào lúc này, trong bối cảnh tổ chức khu vực này đang có nhiều chương trình nghị sự khác muốn thực hiện.
“Tôi nghĩ ý tưởng về liên minh tiền tệ đã được thảo luận từ 10 năm hoặc thậm chí 20 năm trước. Tuy nhiên, hành trình này vẫn còn rất xa vì chúng ta đang có những ưu tiên khác”, Tổng thư ký Kao nhấn mạnh. Ông nói hồi phục kinh tế sau dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu của ASEAN.
Indonesia là chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay. Thay vì liên minh tiền tệ, Indonesia đã đề xuất phát triển kết nối thanh toán khu vực nhằm thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới. Indonesia cũng đứng đầu tổ công tác ASEAN-BAC - bộ phận của khối phụ trách khu vực tư nhân có nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác và hội nhập kinh tế trong khu vực.
Từng là Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Indonesia, ông Tom Lembong hiện là Giám đốc Viện Chính sách bền vững có trụ sở tại Singapore. Ông xem ASEAN QR Code là một bước quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế đang diễn ra của ASEAN và cuối cùng là tạo ra một thị trường chung ASEAN thực sự.
Ông Lembong đánh giá cao “những nỗ lực ấn tượng của các ngân hàng trung ương ASEAN” để vượt qua các rào cản kỹ thuật về biến động tỷ giá hối đoái trong thời kỳ mà việc liên kết các hệ thống thanh toán có nhiều biến động.
Bên cạnh việc tiết kiệm tiền cho người tiêu dùng, thanh toán bằng mã QR cũng sẽ giúp bảo vệ các thành viên ASEAN trước nguy cơ biến động tỷ giá hối đoái.
“Vì tính bằng nội tệ, các khoản thanh toán sẽ không bị ảnh hưởng bởi tỷ giá hối đoái của đô la Mỹ, do đó bảo vệ hệ thống tài chính rupiah và ringgit khỏi những cú sốc đô la Mỹ tiềm năng”, Giáo sư kinh tế Yeah Kim Leng thuộc Đại học Sunway tại Malaysia giải thích về thỏa thuận thanh toán QR giữa Malaysia và Indonesia. Ông cũng là thành viên Ủy ban cố vấn tài chính của Thủ tướng Anwar Ibrahim.
Sáng kiến ASEAN QR Code có thể tạo chuyển biến lớn ở khu vực khi cho phép các doanh nghiệp từ siêu nhỏ, đến nhỏ và vừa (MSME) tiếp cận thị trường bên ngoài quốc gia của họ. Người lao động nhập cư đang làm việc trong khối ASEAN sẽ phải trả phí chuyển tiền ít hơn.
Pandu cho biết lao động nhập cư Indonesia, một nguồn kiều hối quan trọng cho nền kinh tế lớn nhất ASEAN, sẽ được hưởng lợi từ “rất nhiều khoản tiết kiệm chi phí” trong các lĩnh vực khác nhau.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Indonesia, kiều hối người lao động Indonesia ở Malaysia - nơi hiện có cộng đồng người Indonesia lớn nhất thế giới bên ngoài xứ vạn đảo, gửi về nước lên tới 638,35 triệu đô la trong năm 2022.
Pandu Patria Sjahrir thuộc Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN cho biết 70 triệu doanh nghiệp từ rất nhỏ trở lên của ASEAN sẽ có thể bán hàng ngoài thị trường địa phương và kết nối với người mua ở cấp quốc gia và khu vực.
Các ưu điểm khác của việc số hóa các khoản thanh toán bán lẻ cho nhóm doanh nghiệp MSME bao gồm giúp các thương nhân nhỏ tiếp cận tài chính thương mại xuyên biên giới, vì dữ liệu về họ và doanh số bán hàng của họ sẽ được ghi lại trực tuyến. Điều đó sẽ giúp các nhà tài chính dễ dàng hơn trong việc quyết định có nên cung cấp các khoản vay cho các tiểu thương hay không.
“Nếu có thể biến các hoạt động thương mại ngoại tuyến (offline) này trở thành thương mại trực tuyến (online), thì các nhà tài chính sẽ có thể có nhiều dữ liệu hơn như quy trình bán hàng, thông tin về người bán. Điều này giúp ngân hàng và các công ty tài chính có thể định giá những rủi ro mà họ đang thực hiện khi cấp vốn cho những người bán ngoại tuyến này. Họ sẽ sẵn sàng cho vay hơn”, ông Pandu nhấn mạnh.
ASEAN sẽ cởi mở đến độ nào?
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của mã QR sẽ phụ thuộc vào mức độ mở của chính sách mà chính phủ các nước ASEAN muốn thúc đẩy. Đó là việc nới lỏng hơn nữa các hạn chế gây bất tiện cho các nhà cung cấp, điểm bán hàng và người tiêu dùng, theo ông Lembong.
Những hạn chế như vậy bao gồm quy định số dư tối đa ở ví điện tử hay tài khoản ngân hàng tương đối. Mặt khác các ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý có thể cấm nhà cung ứng dịch vụ ví điện tử trả lãi hay đánh thuế trên tiền lãi từ số dư trong ví. Tuy vậy, các chuyên gia ngân hàng và ví điện tử Việt Nam giải thích với Kinh tế Sài Gòn: “Đây không phải là vấn đề ở Việt Nam bởi người Việt không có thói quen giữ nhiều tiền trong ví điện tử”.
Ông Lembong nói rằng các liên kết thanh toán xuyên biên giới sẽ “thậm chí còn biến đổi nhiều hơn” nếu được kết nối với các nền tảng khổng lồ hiện tại như Alipay, WeChatPay, Visa, Mastercard, Google Pay và Apple Pay.
“Điều đó sẽ cho phép khách du lịch và người tiêu dùng từ các quốc gia trên thế giới, thay vì chỉ từ các nước ASEAN, mua sắm và chi tiêu trực tiếp hoặc từ xa tại ASEAN”, ông nói với Nikkei Asia.
Trong khi đó, CEO Carmelo Ferlito của Trung tâm Giáo dục Thị trường có trụ sở tại Kuala Lumpur, cảnh báo rằng mã QR có khả năng “làm lộ quá mức” thông tin của khách hàng - nếu chính phủ theo dõi các thông tin chi tiêu. Hệ thống thanh toán bằng mã QR cũng có khả năng làm phát sinh gian lận trực tuyến.
Tuy nhiên, Giáo sư Yeah của Đại học Sunway nhận thấy hệ thống này đang mang lại những lợi ích to lớn. Trong trường hợp của Indonesia và Malaysia, hệ thống “sẽ thúc đẩy hoạt động bán lẻ, lữ hành, du lịch và thương mại giữa hai nước... đẩy nhanh quá trình hội nhập tài chính của khu vực”.
Nhưng hệ thống này dự kiến sẽ không có tác động lớn đến sự thống trị của đồng đô la ở châu Á hoặc bất kỳ khu vực nào khác, vì các mối liên kết nội tệ như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho hầu hết các giao dịch bán lẻ nhỏ và tức thì.
“Để giảm sự phụ thuộc quá mức của khu vực hoặc thế giới vào đồng đô la Mỹ, chúng ta cần thúc đẩy tài chính bán buôn - chứ không phải thanh toán bán lẻ. Đó là việc sử dụng bốn loại tiền tệ dự trữ toàn cầu chính khác trong thanh toán quốc tế, bao gồm euro, yen, bảng Anh và nhân dân tệ”.