(KTSG Online) – Thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh sau đại dịch Covid-19, nhờ hệ thống văn bản pháp lý dần hoàn thiện cũng như sự phát triển của cơ sở hạ tầng thanh toán. Dư địa tăng trưởng được cho là còn rất lớn trong xu hướng sử dụng điện thoại và internet, nhưng điểm nhấn trong thời gian tới sẽ là câu chuyện làm sạch và khai thác cơ sở dữ liệu người dùng.
Tại buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng “Ngày không tiền mặt năm 2023” ngày 26-5, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (thuộc Ngân hàng Nhà nước), cho biết hoạt động thanh toán không tiền mặt trong nền kinh tế vẫn đang tiếp tục tăng trưởng tốt.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2023, số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55% về giá trị. Còn trên hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, số lượng giao dịch tăng 70,77% và tăng 18,55% về giá trị.
Số lượng giao dịch qua máy POS tăng 37,57% trong khi giá trị tăng 32,09%. Đáng chú ý là giao dịch qua kênh ATM tiếp tục giảm 2,37% về số lượng và giảm 4,02% về giá trị, cho thấy xu hướng giảm rút tiền mặt mà chuyển sang các kênh thanh toán không dùng tiền mặt.
Một điểm đáng chú ý khác là trong thời gian qua, các dịch vụ thanh toán trực tuyến phát triển, ghi nhận sự vươn lên của nhiều giải pháp thanh toán mới như mã phản hồi nhanh (QR Code) hay thanh toán phi tiếp xúc (contactless),… Nhiều dịch vụ ngân hàng có thể được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng và có ngay kết quả.
Thống kê chung trong năm 2022 cho thấy giao dịch không dùng tiền mặt tăng 53,51% về số lượng, qua kênh Internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 65,55% về số lượng và 13,31% về giá trị. Còn với phương thức QR Code, số lượng giao dịch tăng đến 160,71% và giá trị tăng 43,84%.
Riêng với VietQr, sản phẩm của Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cùng các ngân hàng và nhà mạng, ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ sau hai năm chính thức triển khai. Theo đó đã có khoảng 26 triệu lượt người đã sử dụng dịch vụ chuyển tiền bằng mã VietQr, riêng tháng 4-2023 có khoảng 16 triệu người.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc NAPAS, đánh giá dịch vụ chuyển tiền qua VietQR và các dịch vụ thanh toán trên nền tảng VietQR đã thâm nhập khá sâu vào đời sống người dân, cũng như trong nhiều lĩnh vực. “Trong thời gian tới, xu hướng sử dụng điện thoại thông minh, mobile banking, cùng với chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN, sẽ giúp dịch vụ thanh toán bằng mã VietQr ngày càng phát triển hơn nữa”, ông Hùng chia sẻ.
Lãnh đạo của chuỗi Co.opmart, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op, cho biết thống kê sơ bộ 3 năm gần đây cho thấy số lượng giao dịch bằng thẻ, chuyển khoản hoặc ví điện tử đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. Đáng chú ý trong xu hướng này là việc người người mua sắm trẻ có tỉ lệ thanh toán không sử dụng tiền mặt cao nhất là cao nhất.
Trong thời gian qua, hình thức thanh toán qua ví Mobile Money (ví điện tử qua nhà mạng viễn thông) cũng tăng trưởng nhanh khi phủ sóng rộng khắp. Thống kê cho thấy tổng số tài khoản Mobile-Money được đăng ký và sử dụng hơn 3,71 triệu tài khoản với gần 8.880 điểm kinh doanh được thiết lập, đi cùng 15.300 đơn vị chấp nhận thanh toán.
"Làm sạch" và khai thác cơ sở dữ liệu người dùng
Lãnh đạo Vụ thanh toán cũng cho biết NHNN và Bộ Công an đã ký kết phối hợp triển khai đề án về kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và định danh điện tử. Đây là nhiệm vụ được xác định là rất quan trọng của ngành ngân hàng, nhằm làm sạch dữ liệu cũng như có cơ sở để phát triển them các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với khách hàng.
Theo thông tin trước đó, NHNN đã hoàn thành kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức từ tháng 12-2022 cho dịch vụ công của NHNN, đồng thời "làm sạch" 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia và hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch hàng triệu hồ sơ khách hàng còn lại.
Các tổ chức tín dụng cũng triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ Căn cước công dân gắn chíp trong một số nghiệp vụ như xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM; thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư,...
Trong thời gian tới, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của NHNN về ứng dụng, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy triển khai Đề án 06 (Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030), cũng như kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và NHNN.
Việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các đơn vị trong ngành ngân hàng, kết nối với doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế số.
Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản hướng dẫn Nghị định 101, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (hay còn gọi là sandbox). Đây cũng là những quy định quan trọng thúc đẩy việc chuyển đổi số của ngành.
“Ngày không tiền mặt” do báo Tuổi Trẻ đề xuất (16-6) được bắt đầu từ năm 2019, là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.Sự kiện năm nay còn hướng đến các nội dung, nhiệm vụ tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030), nhằm hưởng ứng thông điệp “Năm 2023 - năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.Các hoạt động chính trong chuỗi sự kiện năm nay bao gồm Hội thảo quốc gia “Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội”, đề cập các chủ đề gia tăng kết nối dữ liệu, thúc đẩy thanh toán thông minh; những vấn đề cần phải giải quyết để tích hợp, kết nối, liên thông dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực, hệ thống…; vấn đề an ninh bảo mật trong hoạt động thanh toán; sự bùng nổ của công nghệ thanh toán và các vấn đề phải đối mặt.Điểm nhấn năm nay còn là Lễ hội “Cashless Town” kéo 3 ngày (từ 16-18 tháng 6) tại đường Lê Lợi, phối hợp Sở Công thương TPHCM tổ chức với sự đồng hành của các nhà cung ứng, các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Lễ hội được tổ chức theo mô hình xã hội không tiền mặt thu nhỏ trong đó người tham dự tham quan mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí mà không dùng tiền mặt.Chương trình năm nay còn nhiều hoạt động khuyến mãi tiêu dùng khác Cuộc thi Chiến thần không tiền mặt, hướng đến sự quan tâm của những người trẻ, tận dụng những tiện ích của thanh toán không tiền mặt để hướng tới cuộc sống thông minh; hay chương trình, Big Boom khuyến mãi tập trung, với nhiều hàng hóa ưu đãi từ bên bán hàng và cả trung gian thanh toán.