Thứ tư, 13/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng – chờ dòng vốn từ Trung Đông

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Với mục tiêu đẩy mạnh ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược và năng lượng, Việt Nam đang tích cực kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ những khu vực có nguồn vốn dồi dào như Trung Đông.

Tìm kiếm cơ hội

Chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến ba quốc gia lớn tại khu vực Trung Đông, gồm Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), Nhà nước Qatar, thăm và tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 tại Vương quốc Ảrập Saudi, là tâm điểm ngoại giao trong những ngày cuối tháng 10-2024. Ngoài việc chính thức nâng cấp quan hệ với UAE lên thành đối tác toàn diện và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA), kêu gọi đầu tư là nội dung cốt lõi trong các chương trình nghị sự với các nước này.

Với mục tiêu đẩy mạnh ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược gồm các sân bay, cảng biển, đường cao tốc, Việt Nam đang cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Thủ tướng đã đề nghị các tập đoàn lớn như Abu Dhabi Ports và NDMC của UAE nghiên cứu, đẩy mạnh hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực này.

Trong khi đó, Quỹ Đầu tư quốc gia Abu Dhabi (ADIA) - quỹ đầu tư lớn thứ tư thế giới, sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong những lĩnh vực mà Thủ tướng đề cập và đó cũng là những lĩnh vực ADIA có nhiều kinh nghiệm. ADIA sẽ nhanh chóng cử đoàn công tác tới Việt Nam để sớm biến các ý tưởng hợp tác thành hiện thực. Tại Việt Nam, ADIA đã đầu tư vào Công ty cổ phần The CrownX (TCX) thông qua Công ty Platinum Orchid (thuộc sở hữu của ADIA), cùng với các quỹ TPG và SeaTown Holdings Internationa mua lại 19% cổ phần của Masan.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) - một trong những tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới, đang có kế hoạch đầu tư 150 tỉ đô la Mỹ trong năm năm tới để xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu, cũng cho biết đánh giá cao tiềm năng tại khu vực châu Á và đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư, mà Việt Nam được coi là một thị trường trọng điểm. UAE hiện là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ tư trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với sản lượng dầu khai thác đạt khoảng 3.046 triệu thùng/ngày.

Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư từ các nước phương Tây gặp khó khăn, các quỹ đầu tư Trung Đông đại diện cho chính phủ, nắm trong tay khối tài sản khổng lồ nhờ cơn bùng nổ giá dầu, đang nổi lên như những nhà tài trợ quan trọng trong việc định hình tương lai của nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ, đặc biệt quan tâm tới các ngành thuộc xu thế mới.

Tại Qatar, tiếp xúc với Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA), Thủ tướng đề nghị QIA đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược và năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Điều này phù hợp với định hướng phát triển của QIA, khi tầm nhìn quốc gia Qatar 2030 sẽ chuyển đổi từ doanh thu dựa trên khí đốt tự nhiên sang các khoản đầu tư, nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào giá năng lượng. Đáng lưu ý, tại Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và QIA đã hai lần ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) nhằm tăng cường trao đổi thông tin, tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy cơ hội hợp tác.

Quỹ Phát triển Ảrập Saudi (SFD) cũng là một trong những đối tác quan trọng, khi tại Việt Nam quỹ này đã cung cấp vốn vay ưu đãi cho 12 dự án với tổng số vốn khoảng 160 triệu đô la Mỹ, từ xây dựng, mở rộng các cơ sở giáo dục, y tế... đến xây dựng các tuyến đường giao thông và cải tạo cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở khu vực nông thôn. Lãnh đạo SFD cam kết sẽ dành nguồn lực nhiều hơn nữa cho các dự án tại Việt Nam và khẳng định vinh dự được trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam; cho biết tháng 12 tới sẽ cử đoàn công tác tới Việt Nam để tiếp tục tìm hiểu, triển khai các dự án hợp tác cụ thể.

Ngoài ra, các tập đoàn lớn như Saudi Aramco cũng bày tỏ mong muốn đầu tư vô lọc hóa dầu và phân phối xăng dầu vào một thị trường tiềm năng, quan trọng của khu vực như Việt Nam, do đó sẽ tiếp tục đàm phán tích cực với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và sớm cử đoàn công tác đầy đủ lĩnh vực sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư bằng những dự án cụ thể. Ngay sau cuộc tiếp xúc, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, PVN và Saudi Aramco đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thương mại dầu khí.

Từ khu vực đang chuyển mình

Khu vực Trung Đông gồm 17 quốc gia thành viên với dân số hơn 500 triệu người và tổng GDP 4.287 tỉ đô la Mỹ tính đến năm 2023, có vị thế địa chính trị và kinh tế quan trọng trên toàn cầu nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ. Trong đó, UAE, Qatar và Saudi Arabia nằm trong những nước có quy mô kinh tế, vai trò quan trọng nhất tại Trung Đông. Đơn cử như Ảrập Saudi - nền kinh tế lớn nhất vùng Vịnh, hiện đứng đầu thế giới về xuất khẩu dầu mỏ, với trữ lượng khoảng 264,4 tỉ thùng, chiếm 20% trữ lượng thế giới, sản lượng 10-13 triệu thùng/ngày.

Đây cũng là những đối tác hợp tác hữu nghị quan trọng, lâu dài và toàn diện trên nhiều lĩnh vực trong chính sách ngoại giao của Việt Nam tại khu vực. Ba quốc gia này cũng xác định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại ASEAN trong chính sách “Hướng Đông”, nên sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư từ các nước này trong giai đoạn tới, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và chuyển đổi số. Hiện Việt Nam cũng là cửa ngõ tiếp cận ASEAN, Trung Quốc để các doanh nghiệp Trung Đông đầu tư, kinh doanh tại các thị trường này.

Đặc biệt, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư từ các nước phương Tây gặp khó khăn vì ảnh hưởng bởi nền kinh tế khó khăn và chính sách thắt chặt tiền tệ, các quỹ đầu tư Trung Đông đại diện cho chính phủ, nắm trong tay khối tài sản khổng lồ nhờ cơn bùng nổ giá dầu, đang nổi lên như những nhà tài trợ quan trọng trong việc định hình tương lai của nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ, đặc biệt quan tâm tới các ngành thuộc xu thế mới.

Có thể kể đến như Quỹ ADIA quản lý 853 tỉ đô la Mỹ, là quỹ đầu tư lớn thứ tư trên thế giới; Tập đoàn Đầu tư Dubai quản lý 320,8 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 12 trên thế giới; Công ty Đầu tư Mubadala quản lý 276 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 13 trên thế giới; Công ty Phát triển Abu Dhabi quản lý 159 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 16 trên thế giới; Cơ quan Đầu tư Emirates quản lý 87 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 20 trên thế giới. Ngoài ra, còn có Quỹ đầu tư công của Ảrập Saudi (PIF) quản lý 925 tỉ đô la Mỹ, Quỹ đầu tư QIA của Qatar quản lý 475 tỉ đô la Mỹ hay Quỹ đầu tư Kuwait quản lý 800 tỉ đô la Mỹ.

Theo tính toán của Goldman Sachs, tổng tài sản của các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) dự kiến tăng từ 2.700 tỉ đô la Mỹ năm 2021 lên 3.500 tỉ đô la Mỹ vào năm 2026. Tài sản của khối này được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, cung cấp nguồn vốn dồi dào cho hoạt động đầu tư vào các ngành phát triển mới. Được biết các quốc gia như Ảrập Saudi, Kuwait, UAE hay Qatar đều có chung mục tiêu là tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế, chuyển dịch mạnh mẽ từ kinh tế dầu mỏ truyền thống sang công nghệ, du lịch, giáo dục theo hướng tăng cường đầu tư ra nước ngoài.

Dù vậy, việc thu hút vốn FDI của Việt Nam từ khu vực Trung Đông còn nhiều hạn chế, nên dư địa để thu hút đầu tư từ khu vực này vẫn còn rất lớn. Theo dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2023 các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông rót vốn FDI vào Việt Nam chỉ hơn 251 triệu đô la Mỹ, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với 183,5 triệu đô la Mỹ.

Điểm nghẽn tăng trưởng kinh tế trong những năm qua của Việt Nam là do cơ sở hạ tầng quá tải và thiếu hụt năng lượng; Việt Nam lại đặt mục tiêu chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nên thách thức đặt ra cho Việt Nam không phải là nhỏ. Vì vậy, kỳ vọng nguồn vốn đầu tư từ Trung Đông có thể tham gia tích cực hơn vào các lĩnh vực này, từ đó sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng tích cực hơn trong giai đoạn kế tiếp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới