Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tháo gỡ khó khăn cho bất động sản TPHCM

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sáng nay, 8-11, Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) và một số doanh nghiệp bất động sản đã cùng trao đổi, tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản ở TPHCM.

Các dự án cao cấp như The Grand Manhattan thì nhiều, trong khi nhà ở xã hội cho TPHCM lại quá ít - Ảnh: TL

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, một số phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO)... Các doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước thực tế buộc phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí có tập đoàn giảm 50% số lao động, tác động rất lớn đến an sinh xã hội, cuộc sống người lao động.

Chia sẻ những khó khăn, các đại diện ở TPHCM như Phú Mỹ Hưng, Novaland, Nam Long, Hưng Thịnh, Khang Điền, Him Lam, Phúc Khang, Lê Thành, TTC Land, Địa ốc Sài Gòn... đồng tình với ý kiến của Bộ Xây dựng, cho rằng thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái, rất cần sự lắng nghe và thấu hiểu của Chính phủ.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số doanh nghiệp bất động sản "đói vốn" phải vay ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro; phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng)…

HoREA cũng cho biết, trên địa bàn TPHCM hiện có hơn 100 dự án bất động sản vướng mắc về pháp lý, bị "đắp chiếu" hàng chục năm, rất cần các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc tháo gỡ. Điển hình như dự án Dragon City (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) của Công ty cổ phần địa ốc Phú Long, còn tồn tại 1 căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời dẫn đến hơn 16 năm nay, Phú Long không thể triển khai dự án. Dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý tại số 91A Đỗ Xuân Hợp (thành phố Thủ Đức) của Công ty cổ phần địa ốc Thảo Điền đến nay đã hơn 10 năm nhưng chưa triển khai vì thiếu thủ tục giao đất.

Hay dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (giai đoạn 2) của Công ty Lê Thành, theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm và dân cư khu vực phía Tây thành phố, vị trí khu đất giai đoạn 2 thuộc quy hoạch đất thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được điều chỉnh quy hoạch cục bộ vì Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời theo Luật Đầu tư mới thì chỉ khi dự án phù hợp quy hoạch mới trình UBND thành phố chấp thuận đầu tư.

Trong quí 3-2022, Sở Xây dựng thành phố đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai cho 4 dự án với tổng cộng 2.144 căn, giảm 200% số dự án so với quí trước. Dự án được cấp phép mới trong quí chỉ có 2 dự án với quy mô 2.057 căn; 5 dự án nhà ở thu nhập thấp trong khu đô thị đang triển khai với quy mô 3.367 căn. Tuy nhiên số dự án được triển khai quá nhỏ so với nhu cầu…

Bên cạnh các dự án “đắp chiếu” còn rất nhiều, thị trường bất động sản lại có dấu hiệu “hụt hơi”, giảm thanh khoản, các đại diện doanh nghiệp bất động sản ở TPHCM tại cuộc trao đổi rất lo lắng và kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành sớm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về thể chế pháp luật, giúp làm tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở cho thị trường, xử lý tình trạng khan hiếm nhà ở, mất cân đối cung - cầu nhà ở dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây.

Theo TTXVN

1 BÌNH LUẬN

  1. Lấy lại những gì đã mất, trước hết là uy tín thương hiệu, là nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành bất động sản VN hiện nay. Có thể cho rằng VN là một trong những thị trường bất động sản sôi động và hấp dẫn nhất thế giới. Đồng thời với đó là đi đôi với mức độ bát nháo cũng vô cùng cao. Việc đánh giá, phân tích kỹ nhằm tiếp tục phát huy những lợi thế hệ sinh thái của thị trường BĐS là việc cần phải làm ngay của các nhà quản lý và chính bản thân các doanh nghiệp. Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, lạm phát bao vây, dòng tiền cạn kiệt… tất yếu sẽ không tránh khỏi tổn thất, nhưng đừng để tổn hại lớn đến lòng tin của người tiêu dùng. Thiếu lòng tin, tất cả sẽ mất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới