Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thay đổi chế độ dinh dưỡng để tăng tuổi thọ

Vỹ Du

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo một nghiên cứu mới đây, người có chế độ dinh dưỡng khoa học ngay từ khi còn trẻ sẽ giúp cuộc sống của mình tốt hơn cũng như có thể kéo dài thêm tuổi thọ lên đến 13 năm.

Nghiên cứu này tạo ra mô hình mô phỏng những diễn biến có thể xảy ra với tuổi thọ ở nam nữ nếu họ thay thế chế độ dinh dưỡng điển hình phương Tây vốn dựa trên ăn thịt đỏ và thực phẩm đã được chế biến sẵn, bằng cách giảm các loại thực phẩm này trong khi tăng cường lượng rau củ tươi, các loại hạt và các loại cây họ đậu trong bữa ăn của mình.

Theo một nghiên cứu đăng trong tạp chí PLOS Medicine, nếu một phụ nữ bắt đầu ăn uống đúng cách khi bước sang tuổi 20, cô ấy có thể kéo dài tuổi thọ thêm 10 năm. Tương tự, một nam thanh niên ăn uống khoa học từ năm 20 tuổi có thể sẽ kéo dài tuổi thọ thêm 13 năm.

Bài nghiên cứu cho biết chú trọng vào chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp người lớn tuổi sống thọ hơn. Ngay cả khi thực hiện phương pháp này lúc bước vào tuổi 60, phụ nữ có thể kéo dài tuổi thọ của mình thêm tám năm. Trong khi đó, nam giới có thể sống thêm chín năm nếu họ bắt đầu chế độ dinh dưỡng lành mạnh lúc đã lục tuần.

Ăn thực phẩm giàu chất đạm có nguồn gốc từ thực vật vẫn có thể giúp một người 80 tuổi sống thọ hơn. Theo nghiên cứu nói trên, các cụ ông cụ bà ở tuổi 80 có thể sẽ sống thêm 3 năm rưỡi nếu họ biết ăn uống đúng cách.

Tiến sĩ David Katz, chuyên gia về thuốc phòng ngừa bệnh và cũng là một nhà dinh dưỡng học, cho biết: “Quan điểm cho rằng cải thiện chế độ dinh dưỡng sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính và tăng tuổi thọ đã có từ lâu. Nói chung, khi giảm được nguy cơ mắc bệnh mãn tính và đột tử sớm chúng ta sẽ sống lâu hơn”.

Tiến sĩ Katz, chủ tịch và người thành lập tổ chức phi lợi nhuận True Health Initiative - một liên minh toàn cầu tập hợp các chuyên gia dành thời gian nghiên cứu các dược phẩm giúp ích cho lối sống dựa trên thực nghiệm - đã đăng tải các nghiên cứu về cách sử dụng thực phẩm như thuốc phòng bệnh.

Ông Katz nói: “Những chế độ dinh dưỡng được xem là tối ưu chưa hẳn đã thực sự tốt, mà [chế độ này] phải tốt hơn cái thường được cho là ‘điển hình’”. Ông nhấn mạnh rằng chế độ dinh dưỡng phải được cải thiện nhằm đem lại lợi ích lớn hơn.

Theo ông, một chế độ dinh dưỡng tốt vẫn cho phép chúng ta ăn số lượng vừa phải thịt và sản phẩm từ sữa”.

Mô hình mô phỏng cách kéo dài tuổi thọ

Để mô phỏng ảnh hưởng của việc thay đổi chế độ dinh dưỡng lên tuổi thọ, các nhà nghiên cứu Na Uy sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp các dữ liệu có sẵn trong nghiên cứu Global Burden of Disease (Gánh nặng bệnh toàn cầu). Nghiên cứu này theo dõi 286 nguyên nhân gây tử vong, 369 loại bệnh và thương tích, 87 nguyên nhân rủi ro ở 204 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Theo nghiên cứu này, tuổi thọ một người sẽ tăng lên khi họ ăn thêm nhiều các loại đậu, bao gồm đậu Hà Lan, đậu lăng; ngũ cốc nguyên hạt; các loại hạt khác như hạt óc chó, hạnh nhân, hồ đào và hạt pistachio.

Hạt, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt không chỉ chứa đạm, mà còn có chất béo có lợi, vitamin, chất khoáng và chất chống oxy hóa phyto (hóa chất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính).

Giảm thịt đỏ và các loại thịt chế biến khác

Hạn chế ăn thịt đỏ và các loại thịt chế biến - chẳng hạn như ba rọi xông khói, xúc xích và thịt nguội khác - sẽ cho phép chúng ta kéo dài tuổi thọ tốt hơn.

Thịt đỏ và thịt chế biến gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, trong đó có bệnh tim mạch và ung thư ruột.

Tim Key, nhà dịch tễ học thuộc Đại học Oxford, đồng thời là thành viên của Hội đồng cố vấn dinh dưỡng của Bộ Y tế Anh Quốc, trong một bài phỏng vấn do CNN thực hiện cho biết: “Đã có nhiều bằng chứng cho thấy thịt được chế biến có thể gây ung thư ruột đến nỗi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp món thịt này vào danh sách hóa chất gây ung thư kể từ năm 2015”.

Theo các chuyên gia sức khỏe, thay thế thịt đỏ và các món thịt chế biến bằng thịt gia cầm nạc, cá và đạm thực vật sẽ giúp cải thiện chế độ dinh dưỡng nhanh và hiệu quả.

Thực phẩm có đạm bắt nguồn từ thực vật như đậu nành, đậu xanh, đậu lăng, các loại đậu khác, đậu hũ, tempeh (một món ăn truyền thống Indonesia làm từ đậu nành) hạt và ngũ cốc nguyên chất; một số loại rau, như bông cải xanh, có nhiều protein.

Một nghiên cứu năm 2020 được thực hiện ở hơn 37.000 người Mỹ trung niên cho thấy nhóm người ăn nhiều đạm thực vật giảm nguy cơ tử vong do bất kỳ một loại bệnh nào lên đến 27% và 29% giảm nguy cơ tử vong vì bệnh tim hơn người ăn ít đạm thực vật.

Tiến sĩ Frank Hu, người đứng đầu khoa dinh dưỡng thuộc Đại học Harvard và đồng tác giả bài nghiên cứu về sức khỏe này, cho biết: “Lợi ích sẽ càng tăng lên khi chế độ dinh dưỡng được cải thiện thông qua phương pháp thay thế thịt đỏ và thịt chế biến bằng thực phẩm có đạm bắt nguồn từ thực vật”.

-----------------

Nguồn tham khảo: https://edition.cnn.com/2022/02/08/health/longer-life-diet-wellness/index.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới