(KTSG Online) - Theo Nghị định mới, giá cơ sở xăng dầu không chỉ được xác định từ nguồn nhập khẩu mà sẽ tính thêm từ nguồn xăng dầu sản xuất trong nước. Thêm vào đó, các kỳ điều hành giá bán lẻ sẽ cách nhau 10 ngày thay vì 15 ngày như trước đây, tức là mỗi tháng điều chỉnh ba lần. Thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 về kinh doanh xăng dầu. Nghị định có hiệu lực từ ngày 2-1-2022.
Nghị định này được cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công Thương chuẩn bị trong thời gian khá dài, với nhiều vòng xin ý kiến, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ ban hành. Điểm đáng chú ý là Nghị định số 95 bổ sung Điều 38a về công thức giá cơ sở xăng dầu.
Theo điều 38a về công thức tính giá cơ sở xăng dầu, giá cơ sở xăng dầu được xác định bằng (=) giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu nhân với (x) tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu cộng (+) giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân với (x) tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước.
Như vậy, công thức mới tính giá cơ sở xăng dầu được xác định từ cơ cấu tỷ trọng gồm cả 2 nguồn nhập khẩu và sản xuất trong nước, thay vì chỉ trên giá nhập khẩu như trước đây.
Về nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, Nghị định nêu rõ thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Như vậy, các kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ cách nhau 10 ngày, thay vì 15 ngày như đang áp dụng.
Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.
Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.
Cũng theo Nghị định, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười phần trăm (> 10%) số với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về biện pháp điều hành cụ thể.
Nghị định cũng sửa đổi điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Một trong các điều kiện được sửa là thương nhân phải có hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.
Giá cơ sở xăng sinh học được xác định bằng (=) tỷ lệ phần trăm thể tích xăng không chì (%) nhân (x) {(giá xăng thế giới cộng (+) chi phí đưa xăng từ nước ngoài về cảng Việt Nam cộng (+) chi phí về thuế nhập khẩu xăng) nhân (x) tỷ trọng sản lượng xăng nhập khẩu cộng (+) (giá xăng thế giới cộng (+) premium cộng (+) chi phí đưa xăng từ nhà máy lọc dầu trong nước đến cảng (nếu có)) nhân (x) tỷ trọng sản lượng xăng từ nguồn sản xuất trong nước)} cộng (+) tỷ lệ phần trăm thể tích Etanol nhiên liệu (%) nhân (x) giá Etanol nhiên liệu cộng (+) chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ bình ổn giá cộng (+) lợi nhuận định mức cộng (+) các khoản chi phí về thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Vũ như Cẩn. Tính kiểu gì cũng vậy thôi, nếu không thay đổi thuế/ phí cho hợp lý theo từng thời kỳ.