(KTSG) - Ổn định thị trường hàng hóa và tâm lý người dân là một trong những mục tiêu rất quan trọng giúp tạo động lực tăng trưởng cho cả hệ thống sản xuất cũng như tăng động cơ tiêu dùng trên thị trường nội địa. Những ngày qua, hiện tượng người dân xếp hàng ở các cây xăng bán lẻ để mua xăng đang gây ra tâm lý hoang mang lo lắng về sự bất ổn.
- Không chỉ là chuyện thiếu xăng
- Doanh nghiệp không nhập xăng dầu vì thua lỗ: cần rà soát lại thuế, các chi phí trong cơ cấu giá?
Thực trạng này cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại những bất cập trong cách thức quản lý kinh tế vi mô trong nước để tìm ra giải pháp khắc phục hiệu quả.
Hiện tượng khan hiếm xăng dầu nhất thời dẫn đến hành vi đổ xô đi mua của người dân thoạt nhìn thì có thể xem đây chỉ là vấn đề mang tính chất thời điểm nhưng lại xuất phát từ ba lý do chính và có thể tiếp tục xuất hiện trong những tình huống tương tự nếu không sửa chữa tận gốc cách thức quản lý.
Chính sách kiểm soát giá triệt tiêu động cơ kinh doanh của các đại lý xăng dầu
Mặc dù các chính sách quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước đã được sửa đổi và có hiệu lực kể từ đầu năm 2022 nhưng các quy định về chi phí kinh doanh định mức, một trong những yếu tố cấu thành giá xăng dầu, đang được xem là điểm nghẽn lớn nhất lại chưa thể điều chỉnh.
Điều này dẫn đến thực trạng mức chiết khấu cho các đại lý quá thấp, không đủ bù đắp chi phí hoạt động khiến các cây xăng chỉ muốn đóng cửa vì kinh doanh lỗ. Mục tiêu kiểm soát chi phí có thể hiểu là để giúp người dân mua xăng dầu với mức giá rẻ phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt, thúc đẩy sản xuất vì đây là năng lượng thiết yếu đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, khi giá cả không phản ánh được thực trạng cung cầu trên thị trường và doanh thu không đủ bù đắp chi phí hay mức sinh lợi không đáp ứng kỳ vọng của bên cung ứng thì sẽ làm triệt tiêu động cơ kinh doanh của họ.
Với mức giá kiểm soát thấp hơn nhiều so với giá kỳ vọng, bên cung ứng sẽ có động cơ cung cấp lượng xăng dầu ít hơn so với khả năng họ có thể thực hiện trong điều kiện giá cả phản ánh đúng quan hệ cung cầu trên thị trường.
Trong khi đó, với mức giá rẻ hơn so với mức giá cân bằng thị trường, người tiêu dùng lại có xu hướng tiêu dùng cao hơn so với mức sản lượng lẽ ra họ sẽ mua nếu giá cả phản ánh đúng quan hệ cung cầu thị trường.
Hai hành vi đối lập này gây ra hiện tượng thiếu hụt hàng hóa không đến từ nguyên nhân khan hiếm mà chủ yếu đến từ sự lựa chọn của nhà sản xuất, cung ứng và người tiêu dùng do tác động của chính sách kiểm soát giá.
Độc quyền nhóm ngành xăng dầu làm giảm cạnh tranh, gây ra tổn thất xã hội
Theo quy định chung, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng với một tổng đại lý hoặc một công ty đầu mối hay phân phối xăng dầu. Trong khi đó, thị phần cung ứng rơi vào nhóm một số ít công ty, đặc biệt Petrolimex nắm giữ 50%.
Như vậy, thị trường ngành xăng dầu mang đặc điểm độc quyền nhóm trong cung ứng. Thế độc quyền nhóm này khó phá vỡ khi năng lượng vốn là ngành đòi hỏi sự can thiệp và điều tiết từ phía Nhà nước tương tự như ngành điện lực.
Tình trạng độc quyền nhóm và quy định hạn chế đang khiến cho các đại lý xăng dầu không có thêm sự lựa chọn khi thiếu nguồn cung ứng dẫn đến thực trạng thiếu hụt tại một số thời điểm đòi hỏi phải có sự can thiệp của Nhà nước.
Hiện nay Petrolimex dường như đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường, định hướng giá xăng dầu và điều tiết lượng cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, bản chất Petrolimex và các doanh nghiệp xăng dầu còn lại vẫn là những tổ chức hoạt động vì lợi nhuận và có thể theo đuổi các chiến lược riêng để đảm bảo doanh thu cao nhất khi so sánh tương quan với chi phí bỏ ra, trong đó có cả việc hạn chế lượng xăng dầu nhập khẩu hoặc phân phối trong nước tại một số thời điểm giá cả bất lợi.
Việc có ít công ty đóng vai trò cung ứng gây thiệt thòi khi hạn chế tính cạnh tranh khiến nhóm các doanh nghiệp độc quyền có quyền được quyết định sản lượng cung ứng tùy theo chiến lược kinh doanh mà họ theo đuổi.
Nếu chấp nhận thêm doanh nghiệp gia nhập cung ứng sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của thị trường, đảm bảo điểm cân bằng sản lượng và giá cả vừa đáp ứng lợi nhuận tốt nhất có thể cho bên cung ứng vừa đảm bảo nhu cầu hiệu quả cho nhóm tiêu dùng. Nhưng vì muốn chủ động điều tiết giá và sản lượng, đảm bảo dễ quản lý ngành xăng dầu với số lượng doanh nghiệp vừa phải nên hiện nay rào cản gia nhập ngành còn lớn khiến thị trường chưa hoạt động hiệu quả ở mức tối đa, gây tổn thất xã hội.
Tâm lý đám đông góp phần gây thiếu hụt
Tâm lý đám đông đổ xô đi mua xăng dầu gây ra thực trạng tiêu dùng vượt quá nhu cầu thực sự của người dân cũng là một trong những nguyên nhân chính góp phần gây bất ổn cho thị trường xăng dầu trong những ngày qua.
Trong kinh tế học vi mô, hiện tượng này thường được gọi là hiệu ứng trào lưu, đối với các mặt hàng thông thường thì các doanh nghiệp có khuynh hướng tạo ra tính trào lưu cho sản phẩm của mình để tăng nhu cầu khách hàng, dẫn đến đẩy mạnh doanh số bán.
Việc một số điểm bán xăng dầu quyết định để bảng đóng cửa vô tình gây ra cảm giác lo lắng sẽ bị thiếu xăng trong tương lai. Thay vì chỉ đổ đầy bình xăng xe hay mua xăng vừa đủ đáp ứng nhu cầu, một số người mua thêm để tích trữ phòng hờ trường hợp khan hiếm. Điều này vô hình trung đã đẩy lượng cầu xăng tăng lên gấp nhiều lần nhu cầu hiện hữu.
Tệ hơn, tâm lý hoang mang của người dân có tính dây chuyền và dễ bị lan truyền rộng ra trong thời gian ngắn thông qua các thông tin truyền miệng hoặc lo sợ quá mức từ người thân quen. Sự khuếch đại đó một lần nữa khiến nhu cầu thị trường được tăng lên theo cấp số nhân trong khi khả năng cung ứng vẫn không thay đổi hoặc thậm chí là có giảm nhẹ từ những nguyên nhân đã kể trên.
Để hạn chế rủi ro bất ổn thị trường
Đối với những sản phẩm dịch vụ đặc biệt thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như năng lượng (xăng dầu, điện), lương thực (lúa gạo), giáo dục, y tế… Nhà nước thường điều tiết giá cả và sản lượng cung ứng để đảm bảo quyền tiếp cận của người dân.
Tuy nhiên, sự can thiệp này vô tình bẻ gãy khả năng cân bằng giữa cung và cầu khiến hiệu quả kinh tế thị trường không được phát huy, gây ra những trục trặc và bất ổn liên tục. Cách hay hơn để vừa đảm bảo quyền tiếp cận lại phát huy ưu điểm kinh tế thị trường là xây dựng cơ sở dữ liệu về giá cả, sản lượng cung ứng, nhu cầu thị trường để tạo cơ chế truyền dẫn thông tin cho các đối tượng xã hội, cách này vừa có thể giúp kết nối thị trường nhằm cân bằng cung - cầu, vừa dự báo được các nhu cầu trong tương lai để chuẩn bị hiệu quả.
Khi xây dựng chính sách liên quan đến điều tiết, kiểm soát giá, các cơ quan ban ngành nên thẩm định lại khả năng kinh doanh đáp ứng mức sinh lời mong muốn của các đối tượng kinh doanh thông qua thử thiết lập báo cáo tài chính và khảo sát khả năng sẵn lòng chi trả của người dân.
Tuy nhiên, khó có một mức giá nào có thể làm hài lòng hết tất cả các đối tượng trong xã hội, cho nên, thay vì cố gắng kiểm soát giá thấp nhất có thể, Nhà nước nên kết hợp thêm các chính sách hỗ trợ đi kèm đối với các đối tượng khó khăn đặc biệt để tránh bóp méo mức giá quá mức, gây triệt tiêu động cơ kinh doanh của doanh nghiệp.
Với tốc độ phát triển nền kinh tế ngày càng cao và sự thay đổi bản chất của thị trường nhanh hơn, cần phải thẩm định lại nhu cầu và đặc điểm cung cầu để có hướng điều tiết vĩ mô phù hợp.
Đối với thị trường kinh doanh xăng dầu hiện nay, việc giảm bớt rào cản để tăng khả năng gia nhập thị trường của doanh nghiệp nhằm làm tăng tính cạnh tranh là điều cần được xem xét thực hiện vì đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp thúc đẩy hiệu quả ngành năng lượng.
(*) Chuyên gia cao cấp về kinh tế và chính sách - Công ty Tư vấn quốc tế enCity
Xếp hàng là trật tự, là văn minh. Nhưng xếp hàng mua xăng hiện nay có vẻ không như vậy. Chuyện này dễ làm người ta suy diễn đang quay lại tình cảnh thời bao cấp, không tử tế. Đã qua rất lâu rồi thời mua như cướp, bán như cho, cần không có, có không cần… Ta đã hi sinh phấn đấu rất nhiều và rất lâu mới có thể đạt được thành quả đổi mới như ngày hôm nay. Bằng mọi giá không thể để tái diễn cảnh nghèo nàn tụt hậu như xưa nữa.