(KTSG) - Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 cho thấy, trong năm qua người dân đánh giá cao hơn hiệu quả phòng, chống tham nhũng và quản trị điện tử, nhưng lại đánh giá thấp hơn hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định tại địa phương.
Tham nhũng giảm nhưng công khai, minh bạch cũng giảm
Theo đánh giá của người dân, công tác kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở địa phương có cải thiện nhưng chưa đáng kể, thể hiện qua mức tăng điểm ở chỉ số nội dung này còn khiêm tốn, từ 6,71 điểm vào năm 2022 lên 6,77 vào năm 2023. Mức thay đổi theo hướng tích cực hơn này cũng phù hợp với xếp hạng của người dân về các vấn đề Nhà nước cần tập trung giải quyết trong thời gian tới: tham nhũng đã giảm từ vị trí thứ 5 vào năm 2022 xuống vị trí thứ 6 vào năm 2023 trong danh mục tốp 10 vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm.
Bên cạnh đó, người dân có cảm nhận hiện trạng tham nhũng có xu hướng giảm ở 5 trong số 8 hoạt động công vụ đo lường qua PAPI. Đó là: cán bộ chính quyền dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng, người dân phải đưa “lót tay” để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính quyền địa phương nhận chung chi để doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường, phụ huynh phải “bồi dưỡng” giáo viên để con em được quan tâm hơn ở trường tiểu học công lập, và người dân phải đưa “lót tay” để được quan tâm hơn khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện công.
Mặc dù vậy, trong năm 2023, tỷ lệ người cho rằng cần phải đưa “lót tay” để đảm bảo xin được việc làm trong khu vực nhà nước cao hơn so với năm 2021.
Kết quả khảo sát PAPI năm 2023 cũng cho thấy một số hành vi tham nhũng vẫn tồn tại trong khu vực công ở địa phương. Đáng chú ý là số người cho rằng cần phải dựa vào “quan hệ” để có được việc làm trong cơ quan nhà nước vẫn ở mức cao, mặc dù tỷ lệ người dân có cảm nhận như vậy đã giảm kể từ năm 2016. Trên phạm vi toàn quốc, có từ 56-62% số người được hỏi cho biết vẫn tồn tại hiện trạng “vị thân” này.
Bên cạnh bức tranh nhiều màu thể hiện đánh giá của người dân về hiệu quả kiểm soát tham nhũng ở địa phương là một bức tranh có màu sắc xám hơn về hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương trong năm 2023. Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có ý nghĩa rất quan trọng cho việc phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công, bởi khi người dân có thông tin đúng, đủ, họ mới có thể thực hiện “kiểm tra, giám sát” và yêu cầu cán bộ, công chức giải trình.
Điều đáng lo ngại là có tới 23 tỉnh, thành phố có điểm số ở chỉ số nội dung về công khai, minh bạch giảm đáng kể so với năm 2021, đặc biệt là trong công khai, minh bạch thu, chi ngân sách cấp xã. Nếu như từ năm 2018-2022, có khoảng 43-46% số người được hỏi trên toàn quốc xác nhận bảng kê khai thu, chi ngân sách cấp xã được niêm yết công khai, thì đến năm 2023, tỷ lệ này giảm xuống còn 39%, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tương tự, mức độ công khai, minh bạch trong lập và niêm yết danh sách hộ nghèo ở địa phương cũng giảm sút rõ rệt kể từ năm 2019.
số người cho rằng cần phải dựa vào “quan hệ” để có được việc làm trong cơ quan nhà nước vẫn ở mức cao, mặc dù tỷ lệ người dân có cảm nhận như vậy đã giảm kể từ năm 2016. Trên phạm vi toàn quốc, có từ 56-62% số người được hỏi cho biết vẫn tồn tại hiện trạng “vị thân” này.
Một trọng tâm quan trọng khác của Báo cáo PAPI năm 2023 là kết quả đánh giá hiệu quả thực hiện quản trị điện tử. Quản trị điện tử là một trụ cột quan trọng cho ngôi nhà quản trị công hiệu quả.
Kết quả khảo sát năm 2023 cho thấy những thay đổi tích cực về điều kiện tiếp cận Internet của người dân và mức độ sử dụng các cổng dịch vụ công ở địa phương so với năm 2020. Mặc dù có tới gần 80% người dân tham gia khảo sát PAPI năm 2023 cho biết họ đã dùng Internet tại nhà, song “khoảng cách số” trong tiếp cận Internet giữa các nhóm dân cư khác nhau về giới tính, khu vực sinh sống, dân tộc hoặc tình trạng hộ khẩu vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Đáng chú ý là tỷ lệ nam giới có điều kiện sử dụng Internet cao hơn từ 5-10% so với nữ giới, và người đồng bào dân tộc thiểu số có mức độ tiếp cận Internet thấp hơn từ 10-20% so với người Kinh qua các năm từ 2016-2023.
Bên cạnh đó, kết quả PAPI năm 2023 cũng cho thấy đa số người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, có khoảng 8,3% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia, và 7,6% sử dụng Cổng dịch vụ công cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc. Một trong những lý do khiến người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến là do lo ngại về quyền riêng tư, với một phần ba số người đã dùng các cổng dịch vụ công nêu lý do này.
Những phát hiện này cho thấy cần cải thiện tính dễ tiếp cận và thân thiện với người dùng của các cổng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo tính thuận tiện và toàn trình cho tất cả các đối tượng người dùng là công dân.
Những vấn đề đáng quan ngại nhất đối với người dân trong năm 2023
Năm 2023, ba vấn đề lớn người dân cho rằng Nhà nước cần tập trung giải quyết trong năm tiếp theo, đó là nghèo đói (chiếm 22,39% tổng số người trả lời), việc làm (12,79%) và tăng trưởng kinh tế (9,2%). Những kết quả này cho thấy người dân thực sự quan ngại về tình hình kinh tế trong năm qua.
So với năm 2022, tỷ lệ người dân quan ngại về việc làm tăng mạnh nhất (+2,7%), tiếp đến là về thu nhập (+1,3%). Những mối quan ngại liên quan tới sinh kế càng trở nên rõ nét kể từ năm 2017 khi phân tích theo nhóm các vấn đề người dân cần Nhà nước tập trung giải quyết.
Xu hướng này còn được phản ánh rõ hơn qua tỷ lệ người trả lời (26%) cho biết tình hình kinh tế hộ gia đình của họ hiện nay kém hơn so với năm năm trước (ngoại trừ năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19). Người dân cũng có cảm nhận bi quan hơn về tình hình kinh tế của đất nước, với 54,4% số người được hỏi đánh giá nền kinh tế quốc gia là “tốt”, thấp hơn gần 12% so với năm 2022.
Sinh kế cũng là yếu tố nổi bật thúc đẩy di cư nội địa ở Việt Nam. Năm 2023, tỷ lệ người dân cân nhắc di cư tới địa phương khác để có việc làm tốt hơn là 21,8%, chỉ đứng sau tỷ lệ mong muốn di cư vì lý do đoàn tụ gia đình (40,68%). Lý do thúc đẩy di cư được đề cập nhiều thứ ba là điều kiện môi trường sống xấu đi. Đây là một kết quả khảo sát quan trọng trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Mối quan ngại về môi trường sống đặc biệt phổ biến trong cư dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long - một điểm nóng về di cư với điểm đến nhiều nhất là TPHCM.