(KTSG) - Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm tháng đầu năm nay đã có sự tăng trưởng trở lại, dù chưa thể quay lại đỉnh cao của giai đoạn 2020-2021. Tuy nhiên, tăng trưởng giữa các dòng vốn đang có sự phân cực lớn. Yếu tố nào dẫn đến điều này?
- Đối tác chiến lược toàn diện, vốn đầu tư nước ngoài và những thách thức
- Nghiên cứu giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Ấn tượng vốn FDI đăng ký mới
Theo số liệu cập nhật của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong năm tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 20-5-2024), bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, đạt gần 11,07 tỉ đô la Mỹ, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng khá khiêm tốn, tuy nhiên vẫn tích cực hơn nhiều so với mức giảm 7,3% của năm tháng đầu năm 2023 và mức giảm 16,4% của năm tháng đầu năm 2022.
Dù vậy, nếu so với đỉnh cao 13,89 tỉ đô la của năm tháng đầu năm 2020 và 14 tỉ đô la của năm tháng đầu năm 2021, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dường như vẫn chưa thật sự bứt phá như kỳ vọng. Giai đoạn 2020-2021 dù nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng đồng thời cũng thúc đẩy các tập đoàn đa quốc gia tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng do nhận thấy rủi ro nghiêm trọng khi phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc. Thêm vào đó, cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc khơi mào từ tháng 3-2018 càng khiến dòng vốn đầu tư chuyển dịch sang các nước lân cận như Việt Nam.
Mới đây, giữa tháng 5-2024, Mỹ lại bất ngờ thông báo tăng mạnh thuế đối với nhiều hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, từ xe điện, pin, thiết bị y tế cho đến các sản phẩm nhôm và thép. Điều này liệu có mang lại hiệu ứng tương tự, với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới, nhất là khi gần đây Việt Nam đã nâng mối quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện với một loạt nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Úc, trong khi các nền kinh tế phương Tây và Trung Quốc đang có xu hướng tách rời ra?
Rủi ro tỷ giá có lẽ cũng là một trong những yếu tố đã ảnh hưởng lên xu hướng vốn FDI điều chỉnh và dòng vốn đầu tư gián tiếp từ đầu năm đến nay.
Thật ra nếu đánh giá chi tiết hơn trong dòng vốn đầu tư nước ngoài năm tháng đầu năm 2024, vốn FDI cấp mới vẫn tăng trưởng khá mạnh, khi có đến 1.227 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 7,94 tỉ đô la, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng vọt 50,8% về số vốn đăng ký. Điều này cho thấy các nhà đầu tư quốc tế vẫn đánh giá rất cao về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tới, cũng như cho thấy các chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng tại Việt Nam từ đầu năm 2024 này không ảnh hưởng quá mạnh như những lo ngại trước đó.
Trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong năm tháng đầu năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,92 tỉ đô la, chiếm 36,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; dòng vốn từ Trung Quốc bao gồm Hồng Kông đạt hơn 1,88 tỉ đô la, chiếm 23,8%; xếp thứ 3 là Nhật Bản với 947,7 triệu đô la, chiếm 11,9%.
Bất ngờ nhất là sự xuất hiện của Thổ Nhĩ Kỳ với số vốn đăng ký xếp thứ 4 (730,1 triệu đô la, chiếm 9,2%). Thổ Nhĩ Kỳ đang là nền kinh tế lớn thứ 17 thế giới, mối quan hệ hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đang có cơ hội nâng cấp lên cao hơn, khi Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực Tây Á (sau UAE).
Còn đó những mảng xám
Năm tháng đầu năm 2024, trong khi vốn FDI đăng ký mới tăng trưởng ấn tượng, vốn FDI đăng ký điều chỉnh ghi nhận sụt giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 2,08 tỉ đô la. Nếu so với mức 5,61 tỉ đô la của năm tháng đầu năm 2022 cũng như 3,86 tỉ đô la và 3,46 tỉ đô la của năm tháng đầu năm 2021 và 2020, mới thấy vốn đăng ký điều chỉnh đang trong xu hướng đi xuống tiêu cực như thế nào.
Việc vốn đăng ký điều chỉnh giảm sút phản ánh những thay đổi trong chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, có thể do ảnh hưởng bởi lãi suất cao tại nhiều nước, khi vẫn đang theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, khiến chi phí vay vốn đầu tư đang quá lớn. Ngoài ra, môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn đang có một số hạn chế nhất định, từ các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, logistics, cho đến rủi ro thiếu hụt năng lượng ngày càng lớn, những điều này có lẽ đã phần nào ảnh hưởng đến quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam của các tập đoàn đa quốc gia.
Tương tự, dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng đang có diễn biến không mấy tích cực. Năm tháng đầu năm 2024, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.158 lượt, với tổng giá trị góp vốn 1,05 tỉ đô la, giảm mạnh 68,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 427 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 580,7 triệu đô la; 731 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 472,6 triệu đô la.
Đáng lưu ý, nếu như những năm trước vốn đầu tư gián tiếp thường tập trung vào các ngành sản xuất chế biến chế tạo, ngành tài chính ngân hàng, lượng góp vốn mua cổ phần trong năm tháng đầu năm nay ghi nhận rót vào hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 253,3 triệu đô la, chiếm 24,1%. Điều này phần nào cho thấy Việt Nam vẫn đang nỗ lực thu hút, kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực có chọn lọc, ưu tiên các dự án có hàm lượng chất xám cao.
Xu hướng suy yếu của vốn đầu tư gián tiếp còn thể hiện qua động thái bán ròng liên tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán trong những năm gần đây. Số liệu thống kê cho thấy tính riêng trong tháng 5 vừa qua, khối ngoại đã bán ròng gần 15.700 tỉ đồng trên sàn HOSE, bất chấp chỉ số VN-Index tiếp tục phục hồi tích cực. Lũy kế năm tháng đầu năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 35.300 tỉ đồng trên sàn HOSE, vượt con số bán ròng của cả năm 2023.
Rủi ro tỷ giá có lẽ cũng là một trong những yếu tố đã ảnh hưởng lên xu hướng vốn FDI điều chỉnh và dòng vốn đầu tư gián tiếp từ đầu năm đến nay. Chỉ trong năm tháng qua, tiền đồng đã mất giá gần 5% so với đô la Mỹ, cao hơn tốc độ mất giá của cả năm 2023. Đáng chú ý là tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn đang phải chịu áp lực trước xu hướng tiếp tục mạnh lên của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế và sự lao dốc của nhiều đồng tiền trong khu vực, đơn cử như yen của Nhật Bản và nhân dân tệ của Trung Quốc.
Dù vậy, điểm tích cực là rủi ro tỷ giá dường như không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ giải ngân vốn FDI trong thời gian qua. Cụ thể, năm tháng đầu năm nay chứng kiến lượng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 8,25 tỉ đô la, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức cao nhất của kỳ năm tháng đầu năm trong năm năm qua.