Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thấy gì từ hoạt động đầu tư của các ngân hàng?

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thống kê 28 ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính chi tiết cho thấy, trong nửa đầu năm 2022, tổng giá trị danh mục chứng khoán đầu tư tăng mạnh, hơn 110.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu tăng ở chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán là hơn 105.000 tỉ đồng, còn chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn chỉ tăng 5.000 tỉ đồng.

Cho vay khách hàng tại Vietcombank tăng 15% so với đầu năm, còn tiền gửi khách hàng chỉ tăng 5%. Ảnh: N.K

Tăng cường đầu tư?

Trong nửa đầu năm 2022, hầu hết các ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư nhằm tối ưu hóa hiệu suất sử dụng vốn, khi mà tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng sớm hết room và chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp chỉ tiêu mới, khiến các ngân hàng không thể cho vay ra trong khi nguồn vốn vẫn ở mức độ dồi dào.

Đáng lưu ý là dù số liệu chung cho thấy tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong sáu tháng đầu năm là 9,35%, cao gấp đôi mức tăng trưởng huy động vốn (4,51%), nhưng số liệu tại không ít ngân hàng cho thấy tuy tăng trưởng tín dụng khá cao nhưng tăng trưởng huy động vốn vẫn cao hơn nhiều, nên các ngân hàng này càng có lý do để tăng cường đầu tư từ nguồn vốn dư thừa.

Cơ cấu các khoản mục trong chứng khoán đầu tư của các ngân hàng cũng có sự thay đổi đáng kể. Một số ngân hàng tăng mạnh tỷ trọng trái phiếu đầu tư vào các tổ chức tín dụng khác, khi mà thời gian qua vẫn đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá để tăng cường nguồn vốn trung và dài hạn, đáp ứng các chỉ tiêu an toàn.

Ví dụ, tại VPBank, tính đến cuối quí 2-2022, dư nợ cho vay khách hàng tăng mạnh 10% so với đầu năm, nhưng tiền gửi khách hàng thậm chí tăng đến 22%. Còn tại TPBank, cho vay khách hàng chỉ tăng 7% trong khi tiền gửi khách hàng tăng 12% so với đầu năm. Ngược lại, những đơn vị có dư nợ tăng trưởng cao hơn huy động vốn, thì đã có nguồn vốn khác từ giấy tờ có giá (GTCG) hay huy động từ thị trường 2 - liên ngân hàng - bù đắp lại.

Đơn cử như tại MBBank, dư nợ cho vay khách hàng tăng 14%, trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng 3%; nhưng sáu tháng đầu năm nay lượng GTCG phát hành đã tăng ròng 24.700 tỉ đồng, tương đương tăng 37%. Tại BIDV, cho vay khách hàng tăng 9%, cao hơn nhiều mức tăng 2% ở tiền gửi khách hàng; nhưng bù lại ngân hàng này đã tăng ròng gần 11.000 tỉ đồng GTCG.

Hay như tại Vietcombank, cho vay khách hàng tăng 15%, còn tiền gửi khách hàng chỉ tăng 5% so với đầu năm; nhưng tiền gửi của các tổ chức tín dụng (TCTD) khác tăng đến 53% và tiền vay TCTD khác gấp 2,2 lần so với đầu năm. Tại Techcombank, cho vay khách hàng tăng 13%, tiền gửi khách hàng chỉ tăng nhẹ 2% so với đầu năm; tuy nhiên tiền gửi của các TCTD khác tăng 26% và tiền vay các TCTD khác tăng 25%.

Thống kê 28 ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính chi tiết cho thấy, tổng giá trị danh mục chứng khoán đầu tư tăng mạnh, hơn 110.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu tăng ở chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán là hơn 105.000 tỉ đồng, còn chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn chỉ tăng 5.000 tỉ đồng.

Xu hướng này cho thấy các ngân hàng đang ưu tiên lướt sóng ngắn hạn ở chứng khoán đầu tư thay vì nắm giữ dài hạn như giai đoạn trước, khi mà xu hướng lãi suất đang bắt đầu đi lên trở lại và có thể mang đến rủi ro cho những khoản đầu tư có lãi suất cố định dài hạn như trái phiếu. Thực tế lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ đã đi lên trở lại từ đầu năm đến nay, theo diễn biến chung ở các thị trường khác.

Cơ cấu thay đổi

Một điểm quan trọng nữa là cơ cấu các khoản mục trong chứng khoán đầu tư của các ngân hàng cũng có sự thay đổi đáng kể. Trong đó, một số ngân hàng tăng mạnh tỷ trọng trái phiếu đầu tư vào các TCTD khác, khi mà các ngân hàng thời gian qua vẫn đẩy mạnh phát hành GTCG để tăng cường nguồn vốn trung và dài hạn, đáp ứng các chỉ tiêu an toàn. Theo số liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm nay, nhóm ngân hàng vẫn đang dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị 80.466 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 48,9%, cao gần gấp đôi nhóm đứng thứ hai là bất động sản với 42.583 tỉ đồng, chiếm 25,9%.

TPBank có quy mô chứng khoán đầu tư tăng đều ở cả trái phiếu chính phủ, trái phiếu các tổ chức tín dụng khác và trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt là tất cả chứng khoán đầu tư của TPbank đều đang nằm ở khoản mục sẵn sàng để bán.

Cụ thể, ở ngân hàng đứng đầu về mức tăng chứng khoán đầu tư trong nửa đầu năm nay là BIDV, trong tổng mức tăng hơn 37.300 tỉ đồng thì riêng đầu tư vào trái phiếu các TCTD khác đã tăng hơn 30.600 tỉ đồng. Tương tự, ngân hàng VPBank có mức tăng cao thứ hai về chứng khoán đầu tư là 25.900 tỉ đồng, riêng lượng trái phiếu các TCTD khác mà ngân hàng này nắm giữ đã tăng thêm 17.300 tỉ đồng.

Đối với kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), nếu như trước đây chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, thì giờ đây đã chững lại hoặc thậm chí sụt giảm tại một số ngân hàng, trong bối cảnh kênh đầu tư này bị kiểm soát chặt chẽ hơn và chứa đựng nhiều rủi ro hơn, trong khi các ngân hàng cũng bị nhiều hạn chế ở mảng đầu tư này.

Đơn cử như Techcombank, trong khi tăng đầu tư ở trái phiếu chính phủ thêm 7.700 tỉ đồng và trái phiếu các TCTD khác hơn 5.000 tỉ đồng, thì lượng TPDN mà tổ chức này nắm giữ giảm mạnh hơn 13.463 tỉ đồng, từ 62.808 tỉ đồng xuống 49.345 tỉ đồng. Dù vậy, Techcombank vẫn nằm trong tốp đầu các ngân hàng có số dư TPDN nắm giữ lớn nhất hiện nay.

Hay như tại Ngân hàng Đông Nam Á, số dư TPDN giảm ròng 5.165 tỉ đồng so với đầu năm, xuống chỉ còn 955 tỉ đồng. Sacombank giảm 1.431 tỉ đồng TPDN, trong khi các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, VIB cũng thu hẹp lượng TPDN nắm giữ với mức giảm ròng hơn 300 tỉ đồng.

Ngược lại, vẫn có những ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh kênh đầu tư này, trong bối cảnh dư thừa vốn quá lớn. Như tại SHB, trong bối cảnh cho vay khách hàng chỉ tăng nhẹ 3% còn tiền gửi khách hàng tăng 4%, ngân hàng này đã đầu tư thêm 11.781 tỉ đồng TPDN, nâng lượng nắm giữ lên 17.879 tỉ đồng.

Hay như tại VPBank, với tiền gửi có tốc tăng trưởng cao gấp đôi dư nợ cho vay, ngân hàng này cũng rót thêm 9.408 tỉ đồng vào TPDN, nâng lượng nắm giữ lên 37.190 tỉ đồng. Trong khi đó, MBBank tuy danh mục chứng khoán đầu tư chỉ tăng thêm 3.248 tỉ đồng, nhưng riêng đầu tư TPDN đã tăng ròng 7.350 tỉ đồng, đưa ngân hàng này vượt qua Techcombank lên vị trí số 1 về lượng TPDN đang nắm giữ, với con số 49.719 tỉ đồng.

TPBank là một trường hợp đáng chú ý khi quy mô chứng khoán đầu tư tăng đều ở cả trái phiếu chính phủ, trái phiếu các TCTD khác và TPDN, với mức tăng lần lượt là 6.029 tỉ đồng; 3.204 tỉ đồng và 4.697 tỉ đồng. Đặc biệt là tất cả chứng khoán đầu tư của TPbank hiện nay đều đang nằm ở khoản mục sẵn sàng để bán.

Ở kênh trái phiếu chính phủ, dù lãi suất phát hành có tăng nhưng với tốc độ khá chậm so với lãi suất tiền gửi của các ngân hàng, nên rủi ro lãi suất ở kênh đầu tư này là hiện hữu trước xu hướng lãi suất đang đi lên như hiện nay. Do đó, các ngân hàng không mấy mặn mà. Thay vào đó, các ngân hàng ưa chuộng kênh tín phiếu có kỳ hạn ngắn nhiều hơn.

Như Vietcombank, trong khi lượng trái phiếu chính phủ chỉ tăng thêm 2.800 tỉ đồng, ngân hàng này đã phát sinh đầu tư vào tín phiếu Kho bạc Nhà nước, tín phiếu NHNN hơn 18.808 tỉ đồng tính đến cuối tháng 6-2022. Xu thế này cũng khá tương đồng dựa trên diễn biến NHNN đã bắt đầu phát hành tín phiếu trở lại từ nửa cuối tháng 6 đến nay.

1 BÌNH LUẬN

  1. trái phiếu doanh nghiệp phát hành trái luật thì phải truy tố cả nhân sự lãnh đạo ngân hàng vì họ biết rõ qui định của luật. Không loại trừ việc cấu kết với doanh nghiệp để rút ruột ngân hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới