(KTSG) - Ngày 14-5-2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ tăng thuế cao đối với nhiều loại hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặc dù giá trị của lượng hàng nhập khẩu hiện tại bị ảnh hưởng bởi các mức thuế này là nhỏ (chỉ 18 tỉ đô la so với tổng lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2023 là 427 tỉ đô la), việc tăng thuế mới mang ý nghĩa quan trọng cho chiến lược thương mại của Mỹ. Những biện pháp này được coi là điều chỉnh thương mại phòng ngừa hơn là chữa trị và đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc chiến thương mại căng thẳng vượt xa các biện pháp bảo vệ (protection) đơn thuần trước đây.
- Kinh tế Mỹ giảm tốc, nỗi lo lạm phát được khơi lại
- Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm khi lạm phát siết chặt chi tiêu của người dân
Bài viết này sẽ bàn về các khoản tăng thuế này và tác động của chúng đối với Mỹ và Trung Quốc, sau đó sẽ đi sâu hơn về lý do đằng sau của chủ nghĩa bảo hộ mới và những tác động đối với chính sách thương mại của Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Phạm vi tăng thuế
Việc Mỹ tăng thuế gần đây đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc bao gồm những thay đổi đáng kể nhằm chống lại các hoạt động thương mại của Trung Quốc. Thuế quan nhắm vào một loạt lĩnh vực chiến lược, bao gồm thép và nhôm; chất bán dẫn; xe điện (EV); pin và khoáng sản quan trọng, cùng nhiều lĩnh vực khác.
Thép và nhôm: Thuế quan đối với một số sản phẩm thép và nhôm sẽ tăng từ 7,5% lên 25%. Theo Nhà Trắng, động thái này nhằm bảo vệ ngành thép Mỹ khỏi tình trạng dư thừa công suất và trợ cấp không công bằng của Trung Quốc, dẫn đến các sản phẩm có mức phát thải cao, giá thấp giả tạo cạnh tranh với hàng hóa Mỹ.
Hiện tại không có đảng phái lớn hay nhà hoạch định chính sách nào ở Mỹ quan tâm đến thương mại tự do. Để hiểu lý do của sự thay đổi tư tưởng từ thương mại tự do sang chủ nghĩa bảo hộ này, chúng ta cần phân tích sâu hơn về ảnh hưởng của hàng nhập khẩu Trung Quốc đối với nền kinh tế Mỹ trong 20 năm qua.
Chất bán dẫn: Thuế quan đối với chất bán dẫn sẽ tăng lên 50% vào năm 2025. Lý do là để giảm thiểu rủi ro từ việc Trung Quốc mở rộng sản xuất chất bán dẫn, đe dọa các khoản đầu tư theo định hướng thị trường và làm trầm trọng thêm các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng. Đạo luật Khoa học và CHIPS, cung cấp gần 53 tỉ đô la cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn trong nước, sẽ bổ sung cho đợt tăng thuế này.
Xe điện: Thuế quan đối với xe điện sẽ tăng lên 100% vào năm 2024. Chiến lược rộng hơn của Nhà Trắng bao gồm các ưu đãi thuế cho sản xuất xe điện và pin, tín dụng tiêu dùng và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Pin và khoáng sản quan trọng: Thuế đối với pin lithium-ion EV và các khoáng sản quan trọng khác sẽ tăng lên 25%, trong đó một số mặt hàng như than chì tự nhiên và nam châm vĩnh cửu sẽ phải chịu mức thuế tương tự vào năm 2026. Biện pháp này được thiết kế để giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc về mặt thương mại, các thành phần quan trọng của chuỗi cung ứng năng lượng sạch và nâng cao năng lực sản xuất trong nước.
Các sản phẩm khác: Thuế đối với cần cẩu từ tàu tới bờ sẽ tăng lên 25% từ 0%, thuế đối với ống tiêm và kim tiêm sẽ tăng lên 50% từ 0% hiện nay và một số thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) sử dụng trong các cơ sở y tế sẽ tăng lên 25% từ mức tối thiểu là 0% hiện nay. Các mức thuế này nhằm khuyến khích sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong các lĩnh vực thiết yếu này.
Theo Nhà Trắng, việc tăng thuế này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm đối phó với các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc và hỗ trợ các ngành công nghiệp của Mỹ. Chính quyền Mỹ cũng đã chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn trốn thuế và tăng cường thực thi chống các hành vi phản cạnh tranh. Những hành động này phản ánh cách tiếp cận chiến lược nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, bảo vệ việc làm và đảm bảo sự công bằng trong thương mại.
Tác động kinh tế đối với Mỹ
Trong ngắn hạn, việc tăng thuế sẽ có tác động hạn chế đến giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế của Mỹ, chủ yếu là do nhập khẩu các mặt hàng lớn như xe điện từ Trung Quốc hiện gần như bằng 0. Giá trị nhập khẩu 18 tỉ đô la bao gồm chủ yếu là pin lithium-ion (13 tỉ đô la) trong khi một số sản phẩm thép, nhôm và vật tư y tế chiếm phần còn lại.
Thuế quan nhằm bảo vệ việc làm, giảm mất cân bằng thương mại, giảm thiểu rủi ro an ninh từ công nghệ Trung Quốc và duy trì năng lực sản xuất quốc phòng. Những lý do đan xen này cho thấy mức thuế của ông Joe Biden đối với xe điện Trung Quốc chỉ là khởi đầu cho một sự thay đổi lớn trong chính sách thương mại của Mỹ.
Về lâu dài, việc tăng thuế có thể khuyến khích các công ty Mỹ đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Điều này có thể dẫn tới sự phát triển của các quan hệ đối tác thương mại mới và sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, những thay đổi như vậy cần có thời gian và đầu tư, đồng thời giai đoạn chuyển đổi có thể gặp nhiều thách thức về mặt kinh tế.
Tác động kinh tế đối với Trung Quốc
Tính đến thời điểm viết bài này, Trung Quốc vẫn chưa đáp trả bằng các mức thuế trả đũa. Tác động ngắn hạn là lượng đơn đặt hàng và tỷ suất lợi nhuận giảm đối với các nhà sản xuất hàng hóa cho thị trường Mỹ. Trung Quốc có thể tìm cách tăng cường bán số hàng này cho các nước khác, đặc biệt là ở các khu vực như Đông Nam Á, châu Phi và châu Âu, để giảm thiểu tác động của việc giảm khả năng tiếp cận thị trường Mỹ.
Về lâu dài, Trung Quốc có thể đẩy nhanh nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh tế từ tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu sang tăng trưởng dựa vào tiêu dùng trong nước và đổi mới. Quá trình chuyển đổi này phù hợp với các mục tiêu kinh tế hiện tại của Trung Quốc nhưng có thể được đẩy nhanh do áp lực của xung đột thương mại.
Ý nghĩa với thương mại toàn cầu
Việc Mỹ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với thương mại toàn cầu. Việc tăng thuế quan góp phần tạo ra một môi trường bất ổn, có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các quốc gia nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa của Mỹ và Trung Quốc có thể gặp phải sự gián đoạn, dẫn đến bất ổn kinh tế trên diện rộng. Hơn nữa, xung đột thương mại có thể khuyến khích các nước khác áp dụng các chính sách bảo hộ nhiều hơn, dẫn đến sự phân mảnh của hệ thống thương mại toàn cầu. Điều này có thể làm suy yếu các tổ chức như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), được thiết kế để thúc đẩy thương mại tự do và công bằng. Mặt khác, một số quốc gia có thể nhìn thấy cơ hội để lấp đầy những khoảng trống do thương mại Mỹ - Trung Quốc giảm để lại, có khả năng dẫn đến việc tái cấu trúc mạng lưới thương mại toàn cầu.
Các rào cản thuế quan và phi thuế quan mà Mỹ, EU và các nước khác đưa ra đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm tăng áp lực cho những hàng hóa này vào Việt Nam, vừa là điểm đến cuối cùng vừa là tuyến quá cảnh.
Việc tăng thuế không chỉ đơn thuần là một biện pháp kinh tế; nó cũng có những khía cạnh chính trị và chiến lược quan trọng. Đối với Mỹ, thuế quan là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm giải quyết những lo ngại về các hoạt động thương mại của Trung Quốc, bao gồm đánh cắp tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ và trợ cấp của nhà nước cho các công ty Trung Quốc. Bằng cách tăng thuế, Mỹ nhằm gây áp lực buộc Trung Quốc thực hiện cải cách cơ cấu để tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp Mỹ.
Rõ ràng là cuộc chiến thương mại sẽ tiếp tục bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2024. Chủ nghĩa bảo hộ hiện là chính sách kinh tế đồng thuận của cả hai đảng chính trị lớn ở Mỹ. Tổng thống Joe Biden đã gia hạn thuế quan của cựu Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc và đánh thuế xe điện mới; ông Trump đang cố gắng vượt mặt ông Biden bằng cách hứa (trong chiến dịch tranh cử của mình) sẽ tăng mức thuế từ 100% lên 200%, mở rộng sang Mexico và áp thêm mức thuế 60% đối với tất cả hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Hiện tại không có đảng phái lớn hay nhà hoạch định chính sách nào ở Mỹ quan tâm đến thương mại tự do. Để hiểu lý do của sự thay đổi tư tưởng từ thương mại tự do sang chủ nghĩa bảo hộ này, chúng ta cần phân tích sâu hơn về ảnh hưởng của hàng nhập khẩu Trung Quốc đối với nền kinh tế Mỹ trong 20 năm qua.
Cú sốc từ Trung Quốc lần thứ nhất và thứ hai
Tất cả các nhà kinh tế đều học và nắm bắt được giá trị của thương mại tự do trong bài học đầu tiên về kinh tế quốc tế. Chỉ gần đây, và rất miễn cưỡng, họ buộc phải từ bỏ khái niệm lý tưởng này khi ba nhà kinh tế, dẫn đầu là Giáo sư kinh tế David Autor của Đại học MIT, đã viết một bài nghiên cứu(1) năm 2016 cho thấy rằng thương mại với Trung Quốc đã tàn phá một phần lớn lực lượng lao động Mỹ trong những năm 2000 - thời kỳ được gọi là thập niên của cú sốc từ Trung Quốc lần thứ nhất.
Bài nghiên cứu cho thấy rằng cuộc cạnh tranh với Trung Quốc diễn ra quá nhanh chóng và đột ngột, quá khốc liệt và lan rộng khắp mọi ngành công nghiệp đến mức mà các công nhân nhà máy ở Mỹ không còn nơi nào để đi nữa. Nhiều người đã chuyển vĩnh viễn sang các công việc trong lĩnh vực dịch vụ được trả lương ít hơn nhiều so với số tiền họ kiếm được trước đây, chẳng hạn như làm ở McDonald’s. Một số đã tham gia vào danh sách phúc lợi. Trong một cuốn sách xuất bản năm 2017(2), tác giả bài này đã dành một chương (chương 6) để bàn về những vấn đề này.
Cú sốc lần thứ hai từ Trung Quốc là giai đoạn hiện tại (những năm 2020), khi mà sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc rơi vào thế yếu, thị trường bất động sản sụp đổ gây khó khăn cho các ngân hàng và chính quyền địa phương. Để thúc đẩy tăng trưởng, Trung Quốc đã quyết định sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ hơn dựa vào thị trường nội địa rộng lớn mang lại cho nước này lợi thế cạnh tranh. Để làm điều này, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng cho các công ty sản xuất vay thay vì cho công ty bất động sản hoặc chính quyền địa phương vay. Hơn nữa, chính phủ trung ương trợ cấp cho lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là trong các lĩnh vực ưu tiên như chất bán dẫn, xe điện, pin, tấm pin mặt trời, thép và hàng không vũ trụ.
Trong một nghiên cứu(3) của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Mỹ, các tác giả Dipippo, Mazzocco và Kennedy (2022) ước tính rằng vào năm 2019, Trung Quốc đã chi hơn 210 tỉ đô la theo tỷ giá hối đoái thị trường (348 tỉ đô la theo PPP) cho chi tiêu về chính sách công nghiệp so với 84 tỉ đô la của Mỹ và 26 tỉ đô la của Nhật Bản. Sau đại dịch Covid-19, phạm vi trợ cấp đa dạng, cả trợ cấp trực tiếp như các khoản vay ngân hàng giá rẻ do chính phủ chỉ đạo, lẫn trợ cấp gián tiếp như các quy định môi trường yếu, càng làm cho các sản phẩm của Trung Quốc thậm chí còn cạnh tranh mạnh hơn.
Để tăng mức cầu nhằm đáp ứng cho mức cung này, Trung Quốc phải tăng đầu tư, tiêu dùng trong nước hoặc xuất khẩu. Tuy nhiên, mức đầu tư của nước này đã lên đến 43% GDP hiện nay trong khi tiêu dùng trong nước bị hạn chế do tăng trưởng kinh tế chậm, môi trường kinh doanh không ổn định và tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt là trong giới trẻ. Quyết định tập trung vào sản xuất hàng hóa thay vì dịch vụ (như y tế, giáo dục, dịch vụ xã hội) cũng thúc đẩy Trung Quốc đi theo xuất khẩu vì những sản phẩm này thường dành cho thị trường nước ngoài.
Trong tình hình trước đây với các nước sản xuất và xuất khẩu mạnh về công nghiệp như Nhật Bản, Đức hay Hàn Quốc, mối lo ngại về hiệu quả kinh tế sẽ khiến các nước này phải giảm sản lượng nếu có dấu hiệu thị trường đang có thặng dư cung. Nhưng nguồn cung của Trung Quốc có quy mô quá lớn, cùng với áp lực cần có việc làm cho công nhân Trung Quốc và mục đích xây dựng các ngành công nghiệp chiến lược, đã làm hàng hóa của nước này tràn ngập trên thị trường thế giới, có khả năng phá hủy các ngành công nghiệp ở EU, Mỹ và các nước đang phát triển.
Ở Mỹ, các nhóm được hưởng lợi từ cú sốc đầu tiên từ Trung Quốc là các tập đoàn đa quốc gia, các ngành công nghệ cao, nhà bán lẻ, người tiêu dùng và các chủ ngân hàng. Sức nặng chính trị của các nhóm này cộng lại lớn hơn nhiều so với sức nặng chính trị của những công nhân phải gánh chịu hậu quả của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, chủ nghĩa bảo hộ đã không xảy ra trong thời kỳ này. Thế nhưng, các nhóm được hưởng lợi từ cú sốc từ Trung Quốc lần thứ hai không còn là các công ty đa quốc gia vì Trung Quốc đã có thể phát triển doanh nghiệp của riêng mình - BYD thay thế Tesla và Huawei thay thế Apple. Trên thực tế, một số công ty đa quốc gia của Mỹ đang cố gắng rời khỏi Trung Quốc.
Tương tự, các ngành công nghệ cao không còn có thể hưởng lợi từ việc bán sản phẩm của họ ở Trung Quốc vì các công ty Trung Quốc đã hoàn thành chuỗi cung ứng của họ và trên thực tế đang cố gắng buộc các công ty công nghệ cao của Mỹ mua linh kiện của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao mối lo ngại về hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã lan sang các nhóm lợi ích khác ở Mỹ và ít ai kêu gọi chống đối việc áp đặt thuế quan cũng như các rào cản thương mại lên hàng hóa từ Trung Quốc. Điều này xảy ra không chỉ ở Mỹ mà còn ở các nước phương Tây khác.
Tuy nhiên, thuế quan chỉ là một công cụ của chiến tranh thương mại
Các rào cản phi thuế quan, chẳng hạn như các tiêu chuẩn quy định mà các nhà sản xuất nước ngoài không thể dễ dàng đáp ứng, thường hiệu quả hơn, đặc biệt vì chúng khó thách thức hơn. EU đang đưa ra một số các biện pháp này và Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy. Có một số dấu hiệu tiềm ẩn cho thấy những rào cản này đã bắt đầu có hiệu lực; cơn lũ xe điện Trung Quốc có thể đang bắt đầu chững lại ở các nước này.
Trung Quốc đang phản ứng trước sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ ở châu Âu và ở Mỹ bằng cách chuyển sang bán hàng nhiều hơn cho các nước ở Đông Nam Á, Nam Á, Trung Đông và Mỹ Latinh. Nhưng trong khi một số nước đang phát triển (như Việt Nam) sẵn sàng mua hàng Trung Quốc thì những nước khác lại phản đối. Brazil, bề ngoài là một trong những đối tác của Trung Quốc trong tổ chức BRICS, đang tiến hành một cuộc điều tra trên diện rộng về việc Trung Quốc “bán phá giá” nhiều loại hàng hóa khác nhau. Ấn Độ đang có kế hoạch làm điều tương tự.
Có thể hiểu được rằng các quốc gia trên thế giới không mấy hài lòng với ý tưởng về một tương lai mà Trung Quốc sản xuất tất cả mọi thứ cho thế giới và mọi quốc gia khác chỉ sản xuất hàng nông sản, nguyên liệu thô, dịch vụ và giấy mượn nợ (IOU). Tất nhiên đó là một sự kịch tính hóa quá mức, nhưng nỗ lực thúc đẩy sản xuất hiện tại của Trung Quốc phù hợp với tầm nhìn coi Trung Quốc là “quốc gia sản xuất mọi thứ” của thế giới. Cùng với việc Trung Quốc hiện đang tạo ra 29% giá trị gia tăng sản xuất toàn cầu, điều này đem đến một số lo ngại của một số nước trên thế giới về Trung Quốc.
Thuế quan đối với xe điện
Việc Tổng thống Joe Biden tăng thuế rất cao đối với xe điện là một biện pháp nhằm dự đoán động lực thương mại trong tương lai hơn là để giải quyết các vấn đề trong quá khứ. Hiện nay, xe điện Trung Quốc có giá thành rẻ, chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với xe điện sản xuất ở phương Tây. Thuế quan đối với xe điện của Trung Quốc không ảnh hưởng đến cuộc sống của người Mỹ hiện nay vì có rất ít xe điện của Trung Quốc trên thị trường. Tuy nhiên, thuế quan này có thể ngăn cản khả năng tiếp cận với xe điện Trung Quốc giá cả phải chăng, chất lượng cao trong tương lai.
Nếu các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thành lập nhà máy ở các nước như Mexico, họ có thể bỏ qua hàng rào thuế quan của Mỹ mà vẫn đưa ra mức giá cạnh tranh. Cách tiếp cận này cho phép người tiêu dùng Mỹ tiếp cận với xe điện của Trung Quốc đồng thời mang lại lợi ích cho các quốc gia như Mexico trong việc tạo việc làm. Tuy nhiên, nếu Mỹ mở rộng thuế quan đối với xe điện từ Mexico, người Mỹ có thể phải đối mặt với những lựa chọn hạn chế và giá cao hơn cho những chiếc xe điện tiên tiến.
Đối với ngành công nghiệp ô tô của Mỹ, thuế quan của ông Joe Biden mang lại sự bảo vệ tạm thời khỏi sự cạnh tranh của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu thuế quan không áp dụng cho xe điện do Mexico sản xuất, thời gian “nghỉ ngơi” này sẽ tồn tại không lâu. Các nhà sản xuất ô tô Mỹ như GM và Ford, vốn đang có lợi thế về cơ cấu ưu tiên xe điện, sẽ tiếp tục cạnh tranh với các thương hiệu Trung Quốc. Quá trình chuyển đổi xe điện, được thúc đẩy bởi các chính sách của chính phủ và tiến bộ công nghệ, là điều không thể tránh khỏi.
Có hai cân nhắc quan trọng khác đối với chính quyền Mỹ trong việc tăng thuế xe điện. Thứ nhất, họ lo ngại rằng các cơ quan an ninh của Trung Quốc có thể nhúng các “cửa hậu” vào các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, có khả năng sử dụng những lỗ hổng này để gây gián đoạn ở Mỹ trong một cuộc xung đột. Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo lưu ý rằng ô tô Trung Quốc được kết nối “giống như điện thoại thông minh trên bánh xe” và có thể “thu thập lượng lớn dữ liệu nhạy cảm về người lái xe - thông tin cá nhân, thông tin sinh trắc học...”. Những phương tiện này cũng có thể bị thao túng từ xa bởi các tác nhân độc hại.
Thứ hai là về năng lực sản xuất quốc phòng. Trong thời chiến, các nhà máy dân sự thường được tái sử dụng để sản xuất vật liệu chiến tranh. Nếu ngành sản xuất nặng của Mỹ suy giảm do sự cạnh tranh của Trung Quốc, Mỹ có thể gặp khó khăn trong việc tăng cường năng lực sản xuất quốc phòng trong một cuộc xung đột, có khả năng dẫn đến những hậu quả nguy hiểm trong chiến tranh. Để đảm bảo sản xuất trong nước sẵn sàng phục vụ mục đích quân sự, họ cần phải thực hiện các rào cản thương mại để bảo vệ trước hàng nhập khẩu được Trung Quốc trợ cấp nhiều.
Thuế quan cũng tác động đến quá trình chuyển đổi xanh. Nếu thuế quan chỉ giới hạn cho Trung Quốc, quá trình chuyển đổi vẫn tiếp tục, với việc người Mỹ mua xe điện thương hiệu Trung Quốc từ các nhà máy ở Mexico. Tuy nhiên, nếu thuế quan được đánh trên tất cả xe điện nước ngoài thì có thể làm chậm nỗ lực khử carbon, đặc biệt nếu các nhà sản xuất ô tô của Mỹ không đầu tư vào sản xuất xe điện.
Tóm lại, ý nghĩa rộng hơn của các mức thuế này là sự thay đổi theo hướng chủ nghĩa bảo hộ trong chính sách thương mại của Mỹ, được cả hai đảng chính trị lớn ủng hộ. Thuế quan nhằm bảo vệ việc làm, giảm mất cân bằng thương mại, giảm thiểu rủi ro an ninh từ công nghệ Trung Quốc và duy trì năng lực sản xuất quốc phòng. Những lý do đan xen này cho thấy mức thuế của ông Joe Biden đối với xe điện Trung Quốc chỉ là khởi đầu cho một sự thay đổi lớn trong chính sách thương mại của Mỹ.
Ý nghĩa đối với chính sách thương mại của Việt Nam
Các rào cản thuế quan và phi thuế quan mà Mỹ, EU và các nước khác đưa ra đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm tăng áp lực cho những hàng hóa này vào Việt Nam, vừa là điểm đến cuối cùng vừa là tuyến quá cảnh.
Trong trường hợp đầu tiên (điểm đến cuối), Chính phủ Việt Nam phải tiến hành đánh giá toàn diện các biểu thuế và điều chỉnh chúng để đảm bảo rằng ngành công nghiệp trong nước không bị ảnh hưởng bất công và bất lợi do hàng hóa Trung Quốc được nhận trợ cấp trực tiếp và gián tiếp của chính phủ nước họ.
Trong trường hợp thứ hai, Mỹ đã bày tỏ lo ngại về việc hàng hóa Trung Quốc được quá cảnh qua Việt Nam để rồi vào Mỹ nhằm tránh mức thuế cao hơn. Mỹ sẽ không ngần ngại áp đặt các biện pháp mạnh mẽ để tránh tình trạng này, nhất là nếu ông Donald Trump thắng cử và muốn đem một nước có cán cân thương mại lớn bất lợi cho Mỹ ra làm cảnh cáo.
Đây là trường hợp mà thiệt hại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam về lâu về dài sẽ rất nặng nề và cần phải tránh bằng mọi giá. Chính phủ vì vậy phải kiểm soát chặt chẽ dòng hàng hóa này thông qua việc siết chặt kiểm soát đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc ngay từ bây giờ. Mặt khác, cũng cần cho phép và khuyến khích các khoản đầu tư hợp pháp của Trung Quốc có tiềm năng nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất và xuất khẩu, cũng như các khoản đầu tư nào khác đến từ các quốc gia thân thiện.
(1) Autor, D.H., Dorn, D. and Hanson, G.H., 2016. The China shock: Learning from labor-market adjustment to large changes in trade. Annual review of economics, 8, pp.205-240.
(2) Hinh T. Dinh (2017) Jobs, Industrialization, and Globalization. OCP Center, Morocco. https://www.policycenter.ma/publications/jobs-industrialization-and-globalization
(3) DiPippo, G., Mazzocco, I. and S. Kennedy. 2022. Red ink: estimating Chinese industrial policy spending in comparative perspective. Center for Strategic and International Studies (CSIS).