Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thế giới bước vào năm thứ tư liên tiếp thiếu hụt cà phê robusta

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Một trong những công ty kinh doanh cà phê lớn nhất toàn cầu là Volcafe (Thụy Sĩ) dự báo, thế giới sẽ thiếu hụt cà phê robusta năm thứ tư liên tiếp. Điều này là do Việt Nam, nhà sản xuất lớn nhất loại cà phê này tiếp tục đối mặt thời tiết khô hạn ảnh hưởng đến sản lượng. Sau khi lao dốc hồi đầu tháng 5, giá cà phê robusta tăng mạnh mẽ trong những ngày gần đây.

Nông dân thu hoạch quả cà phê ở Buôn Ma Thuột. Ảnh: Bloomberg

Theo báo cáo của Volcafe, sản lượng cà phê robusta của Việt Nam trong niên vụ 2024-2025 dự kiến chỉ đạt  24 triệu bao (mỗi bao tương đương 60kg), mức thấp nhất trong 13 năm. Báo cáo nhận địnhh lượng mưa kém ở Việt Nam đã gây ra “thiệt hại không thể khắc phục” đối với mùa trổ hoa của cà phê. Trong khi đó, việc sử dụng phân bón ít hơn và mở rộng trồng sầu riêng, làm giảm diện tích cà phê cũng gây áp lực lên sản lượng.

Volcafe dự báo, mức thiếu hụt cà phê robusta toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 là 4,6 triệu bao, thấp hơn mức thiếu hụt 9 triệu bao trong mùa trước. Nguồn cung thắt chặt đã thúc đẩy cơn bùng nổ giá cà phê robusta trong năm nay, với hợp đồng tương lai được giao dịch ở London tăng lên đỉnh cao mới trong ngày trên 4.300 đô la Mỹ/tấn vào cuối tháng 4.

Theo Volcafe, giải pháp cho tình trạng thiếu hụt cà phê robusta hiện tại là giá phải tăng cao hơn, để gây áp lực lên nhu cầu hoặc thúc đẩy người mua sử dụng nhiều cà phê arabica hơn.

Cà phê robusta giá rẻ hơn arabica nhưng nguồn cung bị đe dọa trong bối cảnh điều kiện thời tiết El Niño tiếp tục gây thiệt hại cho cây cà phê robusta ở Đông Nam Á. Nhu cầu cà phê robusta được thúc đẩy nhờ sự phổ biến ngày càng tăng của cà phê hòa tan ở các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, Volcafe dự đoán nhu cầu ở các thị trường này sẽ chậm lại trong thời gian tới khi chi phí tăng giá được chuyển sang người tiêu dùng

“Giá cà phê pha trộn nhiều robusta vẫn ở mức thấp hơn đáng kể so giá cá pha trộn chứa nhiều arabica. Do đó, người tiêu dùng tiếp tục lựa chọn cà phê pha trộn nhiều robusta”, báo cáo của Volcafe cho biết.

Theo báo cáo, nhu cầu của ngành đã bắt đầu chuyển sang hạt cà phê arabica trong sáu tháng qua, nhưng cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ hơn hơn hoặc nhu cầu robusta cần giảm nhiều hơn để loại bỏ tình trạng thắt chặt nguồn cung robusta.

Xuất khẩu kỷ lục trong niên vụ trước của Brazil (nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ hai thế giới) đang bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung cà phê robusta ở châu Á. Nhưng sản lượng cà phê robusta của Brazil dự kiến giảm trong niên vụ 2024-2025. Volcafe cho biết, hạn hán nghiêm trọng và các đợt nắng nóng vào mùa thu năm ngoái đã làm giảm triển vọng sản lượng cà phê robusta của Brazil.

Triển vọng nguồn cung cà phê arabica sáng sủa hơn và nguồn cung toàn cầu của loại cà phê này dự kiến vẫn vượt mức tiêu thụ trong niên vụ 2024-2025. Nhưng Volcafe dự báo mức thặng dư của arabica chỉ khoảng 700.000 tấn do thời tiết bất lợi ở Việt Nam, Brazil và các nước Trung Mỹ. Bang Minas Gerais, nơi cung cấp khoảng 30% sản lượng cà phê arabica của Brazil, không có mưa trong tuần qua và đây là tuần thứ tư liên tiếp bang này không nhận được lượng mưa nào.

Sau khi lao dốc vào hồi đầu tháng này, giá cà phê robusta ở London tăng mạnh trong những phiên giao dịch gần đây. Trong phiên giao dịch hôm 21-5, giá cà phê robusta có lúc tăng đến 7%, mức tăng trong ngày mạnh nhất kể từ năm 2010. Tại sàn giao dịch hàng hóa ở New York, giá cà phê arabica cũng tăng đến 6%.

Sau khi đón nhận thông tin từ báo cáo của Volcafe, hôm 22-5, giá cà phê robusta tăng 4,9% lên 3.917 đô la/tấn, đánh dấu mức cao nhất trong 3 tuần.

Theo Andrea Illy, chủ tịch hãng rang cà phê Illycaffe (Ý) nhận định, giá cà phê robusta đắt đỏ sẽ khuyến khích sử dụng nhiều cà phê arabica hơn trong các sản phẩm pha trộn, nhưng điều đó chưa  xảy ra vào thời điểm này. Đối với một số sản phẩm nhất định, như cà phê hòa tan, thành phần robusta đóng vai trò quan trọng hơn.

Dù vậy, yếu tố có thể kìm hãm đà tăng giá cà phê là hoạt động xuất khẩu đang phục hồi mạnh mẽ. Xuất khẩu cà phê trên toàn cầu trong tháng 3 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 12,99 triệu bao. Xuất khẩu cà phê toàn cầu từ tháng 10-2023 đến tháng 3-2024 tăng 10,4% lên mức 69,16 triệu bao. Comexim, một trong những công ty xuất khẩu cà phê lớn nhất Brazil nâng ước tính xuất khẩu cà phê của quốc gia này trong niên vụ 2023-2024 lên 44,9 triệu bao so với ước tính trước đó là 41,5 triệu bao.

Nhà phân tích Guilherme Morya của ngân hàng Rabobank ghi nhận, xuất khẩu cà phê robusta và arabica từ Brazil vẫn mạnh mẽ. Tuy nhiên ông cho biết, những bất ổn về nguồn cung cà phê robusta của Việt Nam đã thu hút các quỹ phòng hộ tham gia vào thị trường và đẩy giá cà phê robusta trên thị trường quốc tế tăng cao.

Trong khi đó, vụ thu hoạch cà phê ở Indonesia dự kiến bắt đầu trong tháng này hoặc tháng sau, chậm trễ đáng kể so với bình thường do bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết khô hạn của hiện tượng El Nino, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Thời tiết thuận lợi hơn dự kiến sẽ hỗ trợ sự phục hồi sản lượng cà phê trong niên vụ của Indonesia, nước sản xuất cà phê lớn thứ tư thế giới, chủ yếu trồng cà phê robusta. Hiệp hội kinh doanh và xuất khẩu cà phê Indonesia dự báo sản lượng cà phê của Indonesia sẽ tăng 14% lên khoảng 10 triệu bao trong năm 2024.

Theo Bloomberg, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới