(KTSG) - Các yếu tố nào làm thành hạnh phúc và làm thế nào người ta có thể đo lường hay so sánh mức độ hạnh phúc của nhân loại ở các quốc gia trên toàn thế giới?
Đã 10 năm nay, World Happiness Report (WHR - tạm dịch Báo cáo hạnh phúc thế giới) - một ấn bản của United Nations Sustainable Development Solutions Network (Mạng lưới phát triển bền vững Liên Hiệp Quốc) - đã đưa ra đáp án cho câu hỏi nêu trên. WHR phân tích bảng trả lời của người dân ở các nước dựa trên dữ liệu từ Gallup World Poll (Viện thăm dò Gallup) về ba vấn đề chính tạo ra hạnh phúc trong cuộc sống, gồm các yếu tố của chất lượng sống, cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực của người dân.
Thông thường, khoảng 1.000 bản trả lời được thực hiện mỗi năm tại một quốc gia và kết quả của từng năm là kết quả trung bình của ba năm gần nhất nhằm tăng cường độ chính xác. Dĩ nhiên, kết quả đó chỉ là tương đối. Tuy vậy, WHR cũng đưa ra cái nhìn tổng quát về vấn đề này.
Báo cáo WHR 2022, được công bố hôm 18-3, cho thấy các nước Bắc Âu tiếp tục dẫn đầu trong bảng xếp hạng, trong đó Phần Lan giữ vững vị trí cao nhất toàn cầu năm năm liền. Cũng không có gì ngạc nhiên khi ở dưới cùng phần lớn là các nước châu Phi và hai vị trí áp chót và chót bảng lần lượt là Liban và Afghanistan, nơi chiến tranh, giặc giã kéo dài triền miên.
Năm nay, Việt Nam xếp thứ 79, nằm ở khu vực giữa trong bảng xếp hạng gồm 146 quốc gia và vùng lãnh thổ được thăm dò. Có thể so sánh nước mình với các láng giềng Đông Nam Á, gồm Singapore hạng 27, Philippines (60), Thái Lan (61), Mã Lai (70), Indonesia (87), Lào (95), Campuchia (114) và Myanmar (126).
Chất lượng cuộc sống gồm nhiều vấn đề được đánh giá theo thang điểm 10, từ 0 (mức thấp nhất) đến 10 (mức cao nhất) như thu nhập, sự giúp đỡ từ xã hội, sức khỏe, khả năng tự do ra quyết định của một người, sự rộng lượng... Cảm xúc tích cực được ghi nhận bằng câu trả lời “có” hay “không” cho ba câu hỏi liên quan đến các cảm xúc tạo hạnh phúc trong ngày trước khi trả lời - gồm nụ cười, sự thích thú và việc học được hay làm được điều gì đó một cách hứng thú; còn cảm xúc tiêu cực liên quan đến ba cảm xúc gây mất hạnh phúc - gồm lo lắng, buồn bã và giận dữ.
Dịch bệnh, chết chóc, sự mất mát, sự bất ổn là những điều con người trên thế giới phải hứng chịu trong năm qua khi Covid-19 tồn tại dai dẳng. Tuy nhiên, trong muôn trùng khó khăn, một điểm sáng của nhân loại nổi lên, theo WHR 2022. Đó là lòng nhân từ. Nói khác đi trên khắp thế giới, dù khó khăn, con người vẫn sẵn sàng chìa tay giúp đỡ đồng loại trong cơn hoạn nạn.
Theo Giáo sư John Helliwell thuộc Đại học Kinh tế Vancouver, Canada - một trong các tác giả của WHR 2022 - điều gây ngạc nhiên lớn trong kết quả điều tra là trên toàn thế giới, dù không có bàn tay tổ chức chung nào, đã có sự gia tăng đáng kể cả ba hình thức con người thể hiện lòng nhân từ(1). Ở khắp nơi, nhân loại đóng góp nhiều hơn cho các tổ chức từ thiện, sẵn lòng giúp đỡ người xa lạ và sẵn sàng trực tiếp tham gia các hoạt động thiện nguyện. Nhìn chung, cả ba hình thức này tăng 25% so với năm trước và cao hơn hẳn so với thời kỳ tiền Covid-19.
Tuy Việt Nam chỉ ở vị trí thứ 79 trong WHR 2022, lòng nhân ái của người Việt trong đại dịch rõ ràng hòa chung với các quốc gia khác trên thế giới, thể hiện qua tấm lòng của đồng bào, cả trong nước lẫn ngoài nước. Như Giáo sư Helliwell đã nói, tuy không có bàn tay tổ chức nào, lòng tương thân tương ái xuất hiện một cách tự nhiên khắp nơi trong nước. Còn từ nước ngoài, kiều bào nhường cơm sẻ áo qua việc gửi về nước lượng kiều hối cao hơn năm trước dù chính họ cũng đang gặp khó về kinh tế không kém gì người thân trong nước.
Với những người Việt như thế, cho đi góp phần tạo nên hạnh phúc, và ngược lại, sự vô cảm giết chết nó. Về bản chất, hạnh phúc cũng là một cảm xúc xã hội vì không ai có thể sống hạnh phúc nếu chỉ có một mình. Trong một xã hội nhân văn, tinh thần mọi người quan tâm đến hạnh phúc của bản thân và của những người chung quanh dễ dàng lan tỏa khắp nơi một cách tự nhiên như chính hơi thở con người.
------------
(1) https://edition.cnn.com/travel/article/worlds-happiest-countries-2022-wellness/index.html
Cho đi chắc chắn sẽ nhận lại hạnh phúc. Quan trọng là sự cảm nhận về hạnh phúc như thế nào ? Có thể là sự an lạc tinh thần, đủ đầy vật chất, sự mãn nguyện về cuộc sống … Mỗi người sẽ có những quan niệm khác nhau. Tuy nhiên mọi người sẽ có một điểm chung, nhân nào quả đó.
Có những cách cho đi khác nhau. Nhưng không phải mọi cách cho đều dẫn đến hạnh phúc. Ví dụ, hàng năm, đến hẹn lại lên, vào ngày lễ tết, nhiều cơ quan đoàn thể thường tổ chức thông báo tập họp người nghèo, người khó đến để trao quà. Năm nào cũng vậy. Năm nào cũng ghi vào bảng báo cáo thành tích, nhưng thực trạng nghèo khó mãi không thay đổi. Thực ra điều tối quan trọng không phải là “phát chẩn” mà là “phát tài”. Làm sao tạo điều kiện để mọi người nghèo tự lực thoát nghèo bền vững, người khó nỗ lực vượt qua thử thách thành công. Đến một lúc nào đó, không còn tái diễn cảnh “trao quà thường niên”, thì mới có thể đạt đến hạnh phúc trọn vẹn.