Thứ ba, 22/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thế giới đang bước vào toàn cầu hóa 2.0?

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) - Với chính sách thuế “đối ứng”, trước mắt ít nhất là 10% đánh lên hàng nhập khẩu từ hầu như tất cả các nước trên thế giới và 145% với hàng nhập từ Trung Quốc, Mỹ cho thấy quá trình toàn cầu hóa và thương mại tự do mấy chục năm qua dường như kết thúc.

Thế nhưng nhiều người không nghĩ thế - toàn cầu hóa đã ăn sâu vào cách tổ chức nền kinh tế của nhiều nước nên không thể dễ dàng xóa bỏ; có chăng là toàn cầu hóa sẽ tiến thêm một bước mới - tạm gọi là toàn cầu hóa 2.0.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ước tính chính sách thuế nhập khẩu mới của nước Mỹ sẽ làm tổng kim ngạch mua bán toàn thế giới giảm 1% vào năm 2025 - Ảnh minh họa: TL

Thế giới bên ngoài nước Mỹ

Mặc dù Mỹ là nước đứng thứ nhì trong giao thương quốc tế, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ lên đến 7.000 tỉ đô la năm 2022, nhưng xét về tỷ trọng Mỹ chỉ chiếm 9% tổng lượng thương mại hàng hóa toàn cầu. Tỷ trọng này lại có xu hướng giảm, năm 1970 lên đến 15% nhưng giảm còn 9% vào năm 2019. Vì thế chính sách thuế “đối ứng” của Mỹ nếu giữ nguyên như tuyên bố ban đầu có thể làm thương mại quốc tế chững lại một thời gian, nhưng sau đó các nước sẽ tìm cách ngồi lại với nhau bàn chuyện giao thương không có Mỹ. Bản chất các chuỗi cung ứng từ chất bán dẫn, chiếc iPhone đến xe hơi, máy laptop trải dài khắp nhiều nước, nên không thể có chuyện đột nhiên các nước khép lại biên giới, tự sản xuất tất cả các mặt hàng cần thiết.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ước tính chính sách thuế nhập khẩu mới của nước Mỹ sẽ làm tổng kim ngạch mua bán toàn thế giới giảm 1% vào năm 2025 thay vì tăng trưởng gần 3% như dự báo trước đó. Tuy nhiên, các nước sẽ nhanh chóng đẩy mạnh giao thương với nhau bằng các hiệp định thương mại song phương hay khu vực mới. Jason Furman, Giáo sư chính sách kinh tế tại Harvard Kennedy School, người từng làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế dưới thời cựu Tổng thống Obama, nói: “Bạn sẽ thấy nhiều nước trên thế giới ký kết thỏa thuận thương mại tự do, bỏ qua nước Mỹ”.

Eswar S. Prasad, Giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell, nói: “Sẽ không có chuyện chấm dứt thương mại tự do, nhưng cũng là một sự thoái lui khỏi thương mại tự do vô điều kiện. Logic mà nói, nay là lúc các nước ngồi lại với nhau để thúc đẩy thương mại tự do với nhau nhưng thực tế các nước sẽ phải tự lo cho mình”. Châu Âu chẳng hạn, có thể nâng mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, mua thêm hàng hóa của các nước khác, tạo ra một khối thương mại lớn không có Mỹ. Nhưng liệu châu Âu có thoải mái cho hàng giá rẻ Trung Quốc tràn vào? Hàng dư thừa sẽ đi đâu? Có lẽ các nước vẫn sẽ thương thảo với Mỹ nhưng đồng thời sẽ xây dựng những mối quan hệ thương mại mới để đề phòng.

Cải cách nội tại

Từ mâu thuẫn này đã nổi lên một giải pháp lâu dài mà các nước phải tính đến: kích thích tiêu dùng nội địa. Trước đây một mô hình nhiều nước đang phát triển theo đuổi là công nghiệp hóa hướng đến xuất khẩu. Khi quá đặt nặng trọng tâm phát triển vào làm hàng xuất khẩu, các nước có nguy cơ bỏ quên thị trường trong nước, các ngành công nghiệp phát triển không đồng đều và dễ chịu rủi ro khi có biến động thị trường. Đại dịch Covid-19 và nay là nguy cơ mức thuế “đối ứng” cao của Mỹ đã chứng tỏ điều đó.

Nhà kinh tế Dani Rodrik trong một bài viết trên tờ New York Times cho rằng chiến lược tập trung cho xuất khẩu đã hết hiệu lực, không còn đem lại lợi ích to lớn như hàng chục năm trước, chứ không đợi đến lúc nước Mỹ đóng cửa thị trường bằng hàng rào thuế. Để khơi lại tăng trưởng, theo ông, các nước phải bỏ qua các đòn phép thương mại của Mỹ để tập trung vào các thách thức sâu hơn: phát triển thị trường nội địa, tăng sức mua cho tầng lớp trung lưu, phát triển các ngành dịch vụ để tạo ra việc làm thu nhập cao.

Mô hình làm hàng xuất khẩu đã đưa bốn con hổ châu Á thoát nghèo gồm Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore, nhưng từ cuối thập niên 1990 các thay đổi về công nghệ, cách tổ chức sản xuất đã làm chiến lược này kém hiệu quả hơn trước. Nay, tự động hóa, robot, in 3D, tiến bộ trong công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm việc thay thế công nhân giá rẻ bằng máy móc khả thi hơn - chẳng bao lâu nữa, lợi thế công nhân giá rẻ sẽ không còn.

Lấy ví dụ Mexico chia sẻ đường biên giới dài với nước Mỹ lại cùng Canada ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ. Thế nhưng, theo Rodnik, lợi ích từ đầu tư nước ngoài, sản xuất để xuất khẩu của Mexico chỉ giới hạn vào một dải nhỏ của nền kinh tế Mexico trong khi phần còn lại vẫn trì trệ và tăng trưởng chung vẫn thấp. Vấn đề là các nhà máy hiện đại xây dựng nhằm phục vụ cho chuỗi cung ứng Bắc Mỹ không tích hợp suôn sẻ vào nền kinh tế chung của Mexico và không tạo được nhiều việc làm.

Rodnik cho rằng mặc dù sản xuất hàng xuất khẩu vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng, các nước cần cải cách các dịch vụ trong nước như chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và du lịch, nơi tạo ra nhiều việc làm. Từ các ngành dịch vụ này mới có thể xây dựng một tầng lớp trung lưu có sức mua bền vững, làm nền tảng cho toàn cầu hóa 2.0 bền vững hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới