Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thế giới đối mặt nhiệt độ cao kỷ lục trong năm nay khi El Nino quay trở lại

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)  - Các nhà khoa học khí hậu cảnh báo nhiệt độ trung bình của Trái đất có thể tăng lên mức cao kỷ lục mới trong năm 2023 hoặc 2024, do biến đổi khí hậu và khả năng hiện tượng thời tiết El Nino quay trở lại.

Nước ở hồ Brenets nằm giữa biên giới Pháp và Thụy Sĩ khô cạn hồi tháng 8-2022. Mùa hè năm ngoái là mùa hè nóng kỷ lục ở châu Âu. Ảnh: Rte.ie

Các mô hình khí hậu cho thấy sau 3 năm của hiện tượng thời tiết La Nina ở Thái Bình Dương, thường làm giảm nhẹ nhiệt độ toàn cầu, thế giới có thể chứng kiến sự quay trở lại của El Nino, hiện tượng thời tiết gây nắng nóng, vào cuối năm nay.

Với hiện tượng El Nino, các luồng gió thổi về phía tây dọc theo đường xích đạo sẽ chậm lại và luồng nước ấm bị đẩy về phía đông Thái Bình Dương, dẫn đến nhiệt độ bề mặt biển ở đây nóng lên và đi vào khí quyển, khiến nhiệt độ nhiều khu vực trên toàn cầu nóng lên.

“El Nino thường dẫn đến nhiệt độ phá vỡ kỷ lục ở cấp độ toàn cầu. El Nino xảy ra vào năm 2023 hay 2024 vẫn là điều chưa rõ nhưng tôi nghĩ, hiện tượng này có nhiều khả năng xuất hiện hơn là không", Carlo Buontempo, Giám đốc Cơ quan thông tin biến đổi hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), nói.

Theo Buontempo, các mô hình khí hậu cho thấy các điều kiện thời tiết El Nino sẽ quay trở lại vào cuối mùa hè ở Bắc bán cầu và khả năng phát triển mạnh vào cuối năm.

Báo cáo của C3S, công bố hôm 20-4, đánh giá diễn biến cực đoạn của khí hậu mà thế giới trải qua vào năm 2022, được xem là năm nóng thứ năm trong lịch sử thế giới.

Dữ liệu cho thấy nhiệt độ trung bình của châu Âu trong giai đoạn 5 năm gần nhất cao hơn khoảng 2,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Năm 2022 là năm có nhiệt độ trung bình cao thứ hai trong lịch sử ở châu Âu. Nhiệt độ trong mùa hè năm ngoái ở châu Âu đạt mức cao kỷ lục, cao hơn 1,4 độ C so với mức trung bình gần đây.

Các nhà khoa học của C3S ghi nhận nhiệt độ ở châu Âu đang tăng với tốc độ nhanh gấp đôi so với nhiệt độ trung bình toàn cầu.

Theo C3S, các con sông ở châu Âu trải qua năm thứ sáu liên tiếp có dòng chảy dưới mức trung bình trong năm 2022, dẫn đến “năm khô hạn nhất” của châu Âu nếu xét về phạm vi địa lý. Mực nước thấp cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường sông vốn đóng góp 80 tỉ euro cho các nền kinh tế EU mỗi năm. Lòng sông khô hạn cũng khiến các nhà máy thủy điện và hạt nhân ở châu Âu phải cắt giảm công suất phát điện, góp phần đẩy giá điện lên mức cao kỷ lục. Nhiệt độ mùa hè cao kỷ lục ở châu Âu trong năm ngoái đã làm giảm sản lượng các vụ mùa trên khắp nước Pháp và Trung Âu. Tổn thất liên quan đến khí hậu trên toàn thế giới đã tăng vọt lên mức khoảng 270 tỉ đô la mỗi năm.

Một đợt khô hạn hiện tại đang làm héo úa mùa màng và làm trì hoãn các vụ gieo trồng ở một số nước châu Âu, có nguy cơ làm tăng thêm lạm phát lương thực.

Năm nóng nhất của nhiệt độ Trái đất được ghi nhận vào năm 2016, trùng với thời điểm hiện tượng El Nino phát triển mạnh, dù biến đổi khí hậu cũng đẩy tăng nhiệt độ ngay cả trong những năm không có hiện tượng này.

Theo C3S, tám năm qua là thời kỳ nóng nhất được ghi nhận trên thế giới, phản ánh xu hướng nhiệt độ Trái đất nóng lên trong dài hạn do khí nhà kính gây biến đổi khí hậu.

Friederike Otto, giảng viên cao cấp tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London, nhận định nhiệt độ tăng do hiện tượng El Nino có thể làm trầm trọng thêm tác động của biến đổi khí hậu mà các nước đang trải qua, bao gồm các đợt nắng nóng nghiêm trọng, hạn hán và cháy rừng.

“Nếu El Nino phát triển mạnh, rất có thể năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016 giữa lúc mà nhiệt đô Trái đất đang tăng do con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch”, Otto nói.

Dù hầu hết các nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới cam kết đưa phát thải về mức zero ròng, tổng lượng phát thải carbon trên toàn cầu tiếp tục tăng vào năm ngoái.

Những đợt mưa dữ dội do biến đổi khí hậu khiến Pakistan hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng trong năm 2022. Trong tháng 2-2023, băng ở vùng biển xung quanh Nam cực đã xuống còn 1,79 triệu km2, mức thấp kỷ lục kể từ khi dữ liệu vệ tinh được theo dõi vào năm 1979. Một số nhà khoa học lo ngại khủng hoảng khí hậu đã lan tới nơi xa xôi như Nam cực.

Báo cáo của C3S cho biết nhiệt độ trung bình của thế giới hiện nay đang cao hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

C3S sử dụng hàng tỉ dữ liệu giám sát và đo lường từ các vệ tinh, tàu biển, máy bay và trạm thời tiết trên thế giới để đưa ra các báo cáo dự báo thời tiết theo từng tháng và theo mùa.

Cùng với Cơ quan Vũ trụ châu Âu, C3S đóng vai trò trung tâm trong các chương trình trị giá 16 tỉ euro của EU nhằm ứng phó biến đổi khí hậu thông qua dự báo chính xác. Hiện nay, C3S là nhà cung cấp dữ liệu khí hậu lớn nhất thế giới.

Theo Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới