(KTSG) - Cả Ngân hàng Thế giới (WB) lẫn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều vừa đưa ra những nhận định bi quan về tương lai trung hạn của nền kinh tế thế giới. Giám đốc điều hành IMF, Kristalina Georgieva cảnh báo kinh tế toàn cầu đang đối diện những năm tháng tăng trưởng chậm lại, triển vọng trung hạn là yếu kém nhất trong vòng 30 năm qua.
- Khó trông chờ vào Trung Quốc để giải cứu kinh tế thế giới
- Kinh tế thế giới vẫn tiếp tục bị đe dọa bởi xung đột Nga-Ukraine
Cụ thể, IMF cho rằng trong vòng năm năm tới kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng bình quân 3%/năm so với con số bình quân cho hai thập niên qua là 3,8%/năm. Lý do chủ yếu là sự phân mảnh kinh tế cũng như các mối căng thẳng địa chính trị.
Trước đó, WB cảnh báo sẽ có một thập niên mất mát khi các nước cần những nỗ lực thần kỳ chỉ để đạt mức tăng trưởng tương đương thập niên trước. Với xu hướng hiện nay, tổ chức này dự báo tốc độ tăng trưởng tối đa có thể đạt được cũng sẽ ở mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng 3,5% trong thập niên 2000-2010, xuống còn bình quân 2,6% trong thập niên 2011-2021 và sụt tiếp còn 2,2%/năm trong các năm từ 2022-2030. Mức tăng trưởng yếu kém này còn có thể bị suy suyển nếu khủng hoảng tài chính bùng nổ ở các nền kinh tế quan trọng, khơi mào cho một đợt suy thoái toàn cầu.
Tác động đầu tiên của sự phân mảnh nền kinh tế lên các nước đang phát triển là nhu cầu mua hàng xuất khẩu của họ sẽ giảm sút; giá lương thực, nhiên liệu sẽ tăng cao; lạm phát vẫn sẽ lởn vởn đâu đó và nợ nước ngoài ngày càng nặng gánh. Dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ bị chỉnh hướng chảy đến các nước thân thiện chứ không đến địa chỉ làm ra lợi nhuận nhiều nhất. Chuỗi cung ứng sẽ được sắp xếp lại khi các nước tìm kiếm sự chủ động và củng cố mối liên kết đồng minh.
Trong bối cảnh đó, nước ta với độ mở nền kinh tế rất lớn, cần điều chỉnh chiến lược để hạn chế tác động xấu, tìm hướng đi tối ưu và chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra. Tuy nhiên, suy nghĩ thông thường là xem kết quả kinh tế của quí trước, năm trước để xem ngành nào, lĩnh vực nào yếu kém thì cố gắng vực dậy không còn đúng trong tình huống mới này nữa. Sự yếu kém đó có thể phản ánh xu thế thay đổi từ bên ngoài, rất khó tác động. Ngược lại, nhắm tới các ngành, lĩnh vực vẫn còn thành tích tốt để củng cố, phát huy và hỗ trợ nhiều lúc lại đem về kết quả vì phù hợp với dòng chảy mới.
Như thế, đẩy mạnh các dự án đầu tư công, không chỉ các dự án lớn mà luôn cả các dự án nhỏ, ở mức độ địa phương, những dự án nhanh chóng tạo công ăn việc làm là những nỗ lực khả thi, nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Ưu tiên cho đầu tư vào nông thôn và nông nghiệp, vừa tạo ra một hậu phương vững chắc cho công nhân tạm thời thất nghiệp vừa bảo đảm không để rơi vào vòng xoáy giá lương thực tăng vọt như nhiều nước đang gánh chịu. Đẩy mạnh các chính sách khuyến khích các ngành dịch vụ phát triển, từ mua bán trên các nền tảng thương mại điện tử đến các ngành thâm dụng lao động như ăn uống, du lịch, giải trí…
Bên cạnh đó, bài học rút ra từ các xáo động trên lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán trong thời gian qua cho thấy cần chủ động nâng mức giám sát, kiểm soát rủi ro của hệ thống ngân hàng, nhất là trong thời đại thông tin lan truyền nhanh qua mạng xã hội, các hoạt động gửi tiền, rút tiền đều có thể tiến hành qua ứng dụng. Chúng ta sẽ vượt qua những năm tháng kinh tế thế giới khó khăn trước mắt nếu biết phát huy thế mạnh, phát huy sở trường và nương theo các xu thế mới, các chuỗi cung ứng mới.