Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thế giới lo ngại thiếu dầu ăn khi Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nguồn cung dầu ăn của thế giới - vốn đã bị chiến tranh siết chặt - ngày càng hiếm hoi hơn khi Indonesia ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ trong bối cảnh thiếu hụt cục bộ và giá tăng cao. Indonesia hiện chiếm hơn 1/3 xuất khẩu dầu thực vật toàn cầu, với hai quốc gia đông dân nhất là Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong số những khách hàng hàng đầu.

Carlos Mera, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa nông nghiệp tại ngân hàng Rabobank ở Hà Lan, nói rằng nguồn cung dầu ăn của Indonesia cho thế giới là “không thể thay thế”. Đây là cú đánh bồi vào tình trạng thiếu hụt lương thực hiện nay của thế giới.

Thị trường dầu thực vật rối loạn

Người dân Indonesia đang xếp hàng chờ mua dầu ăn ở Palembang hồi tháng 2-2022. Ảnh: Anadolu Agency / Getty Images

Indonesia đứng đầu thế giới về sản xuất và tiêu thụ dầu cọ. Mặt hàng thiết yếu này có vai trò “nhạy cảm” trong sinh hoạt thường ngày và đời sống chính trị ở xứ vạn đảo. Theo Nikkei Asia, Tổng thống Joko Widodo đưa ra lệnh cấm này chỉ vài ngày sau vụ bắt giữ một quan chức cấp cao Bộ Thương mại và giám đốc điều hành của bốn hãng dầu cọ, trong đó có một công ty liên kết với tập đoàn Wilmar International tại Singapore. Bộ Tư pháp nói vị quan chức bị cáo buộc đã cấp giấy phép xuất khẩu cho bốn công ty trên mặc dù họ không đáp ứng hạn ngạch bán dầu cọ trong nước theo giá do chính phủ ấn định hồi tháng 2.

Chiến tranh Ukraine bùng nổ cách đây hai tháng đã khiến mua bán nông sản toàn cầu bị đình trệ. Lệnh cấm công bố hôm 22-4 của Indonesia đã khiến giá dầu đậu nành (loại dầu thay thế cho dầu cọ) giao sau của Mỹ, tăng vọt lên mức giá cao kỷ lục trong ngày thứ ba liên tiếp. Ở Anh, một số siêu thị đang hạn chế mua các loại dầu ăn trích xuất từ hạt hướng dương, trái ô liu và hạt cải dầu.

Chiến tranh đã khiến việc buôn bán dầu hướng dương rơi vào hỗn loạn và cũng đang siết chặt nguồn cung cấp các loại dầu thực vật khác được sử dụng trong thực phẩm, nhiên liệu sinh học và các sản phẩm chăm sóc cá nhân.

Những bất ổn về thời tiết ở các nơi có nhà sản xuất dầu ăn lớn trên thế giới đang làm tăng thêm nỗi lo thiếu hụt. Tình trạng khô hạn đã làm giảm quy mô thu hoạch đậu nành ở Nam Mỹ - nơi cung cấp đậu nành lớn nhất thế giới. Hạn hán ở Canada đã làm giảm sản lượng hạt cải dầu, khiến nguồn cung có sẵn rất ít.

Thiếu hàng, giá cao chót vót có thể làm trầm trọng thêm lạm phát đối với các mặt hàng thực phẩm như dầu trộn salad và sốt mayonnaise ở các nước giàu có như Mỹ. Các nước đang phát triển như Ấn Độ có thể sẽ phải chịu những tác động tồi tệ nhất. Các nước phụ thuộc vào nhập khẩu dầu cọ bởi đây là lựa chọn rẻ tiền hơn thay thế cho dầu đậu nành, dầu hạt hướng dương và dầu hạt cải đắt tiền.

Atul Chaturvedi, Chủ tịch Hiệp hội chiết xuất dung môi của Ấn Độ và Hiệp hội mua bán dầu ăn, nói rằng: “Chúng tôi vô cùng sốc trước quyết định của Indonesia. Chúng tôi không mong đợi một lệnh cấm như vậy”.

Chi phí lương thực thiết yếu tăng cao cũng dẫn đến cuộc tranh luận lớn nhất trong một thập niên qua về việc sử dụng đất nông nghiệp để trồng trọt sản xuất nhiên liệu. Hiệp hội các nhà làm bánh Mỹ (ABA), nơi tập trung 85% năng lực làm bánh nướng ở Mỹ, đang cảnh báo về các kệ hàng tạp hóa trống rỗng.

Chủ tịch ABA Robb MacKie phát biểu: “Chúng tôi rất mong Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ cho phép dùng số lượng dầu đậu nành dự trữ trong chế biến thực phẩm, thay vì chuyển hướng sang sản xuất dầu diesel sinh học”.

Căng thẳng giữa lương thực và nhiên liệu cũng đang bùng phát ở các khu vực khác, bao gồm cả Indonesia.

Tosin Jack, Giám đốc phân tích thị trường hàng hóa tại Mintec ở Anh, cho rằng động thái mới nhất của Indonesia chắc chắn sẽ làm “trầm trọng thêm” lạm phát thực phẩm vốn đã ở mức cao kỷ lục. Vị chuyên gia này cũng nói nguồn cung dầu thực vật đang hiếm đã khiến các hãng thực phẩm ứng phó bằng cách tạo ra công thức mới hoặc chuyển sang các nguyên liệu thay thế khi có thể.

Đối với các hãng thực phẩm đóng gói như khoai tây chiên, vốn có danh sách thành phần sản phẩm thường cho phép nhà sản xuất linh hoạt bằng cách nói rằng thực phẩm có thể dùng nhiều loại dầu thực vật, lệnh cấm của Indonesia đã khiến các hãng này gạch đi bớt một loại dầu – dầu cọ.

Thay đổi thành phần nguyên liệu trong sản xuất thực phẩm là vấn đề nan giải, tức là hãng sản xuất phải đưa ra một sản phẩm không có cùng các đặc điểm cảm quan như trước – theo lời Jeannie Milewski, giám đốc điều hành của Hiệp hội sản xuất nước sốt và nước chấm (ADS) có trụ sở ở Atlanta. Dầu đậu nành là nguyên liệu chủ yếu của các thành viên ADS.

Giá các loại dầu khác leo thang”

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Indonesia sẽ xuất khẩu hơn 30 triệu tấn dầu cọ trong niên vụ 2021-2022, chiếm hơn 30% thị trường thế giới. Nguồn: USDA

Bloomberg đưa tin giá dầu đậu nành giao trong tương lai ở Mỹ đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm 2021, một phần do nhu cầu cao hơn đối với các nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học. Sau đó, giá tăng lên mức cao kỷ lục sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, làm gián đoạn các chuyến hàng dầu hướng dương và đặt ra nhu cầu về các mặt hàng thay thế.

Giá cải dầu của Canada đã leo lên mức cao nhất mọi thời đại vào năm ngoái khi hạn hán trầm trọng, khiến diện tích trồng trên các thảo nguyên Bắc Mỹ bị thu hẹp. Giá dầu cọ ở châu Á cũng đã tăng khoảng 50% và hạt cải dầu ở châu Âu là 55% trong 12 tháng qua.

“Nói chung, mặc dù có giá cao kỷ lục, nhu cầu dầu thực vật vẫn ở mức cao vì có vai trò thiết yếu trong chế độ ăn uống ở tất cả các nước, đặc biệt như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh”, theo nhà tư vấn độc lập John Blaize, cũng là người tư vấn cho Hiệp hội xuất khẩu đậu nành Mỹ.

Blaize nói lệnh cấm của Indonesia là một “vấn đề lớn” nhưng ông tin rằng chuyện cấm sẽ không kéo dài. Ông lưu ý rằng Indonesia đã xuất khẩu 26,87 triệu tấn dầu cọ vào năm 2021 so với tiêu thụ 15,28 triệu tấn trong nước.

Hiện tại, lệnh cấm của Indonesia làm gia tăng lo lắng về chi phí và tình trạng thiếu lương thực. Các nhà phân tích cho rằng các quốc gia xuất khẩu khác có thể sẽ noi gương khi cuộc chiến Ukraine vẫn kéo dài.

“Chúng tôi nhận ra một vài sản phẩm có thể sẽ tăng giá. Điều này càng làm mọi người thêm lo lắng”, Carlos Mera của Rabobank nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới