Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thế giới: những khoảnh khắc đứng yên

Trần Thanh Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - 1. Giải Grammy lần thứ 65 diễn ra hôm 6-2 (giờ Việt Nam) vinh danh Kim Petras, một ca sĩ chuyển giới nổi tiếng với những bản nhạc pop. Trước đó, Giải Quả cầu vàng lần thứ 80 ở Mỹ cũng xướng tên một nữ diễn viên điện ảnh chuyển giới, đó là Michaela Jaé Rodriguez trong series phim Jose.

Một người đàn ông đang nắm tay cô con gái đã thiệt mạng trong trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7-2. Nguồn: CNN

Rất lạ, khoảnh khắc của hai giải thưởng nổi tiếng diễn ra đầu năm 2023 nâng bước người chuyển giới lên bục vinh danh trong tiếng reo hò và sau một thời gian nhân loại khốn đốn vì dịch bệnh khiến tôi liên tưởng đó là lúc thế giới đứng yên, một sát-na diệu kỳ của thời gian, để mọi người tôn vinh nỗ lực tự thân luôn muốn là chính mình của hai người phụ nữ đặc biệt!

Sự đánh dấu trong lĩnh vực điện ảnh và âm nhạc với điểm nhấn khá thú vị ấy cho thấy thế giới nghệ thuật hoàn toàn xác nhận sự đóng góp của bất cứ ai khi họ hiến dâng đời mình cho đam mê bỏng cháy. Không có rào cản trong ý nghĩ, không có sự kỳ thị hay ngoảnh mặt làm ngơ trước một con người, nhất là khi họ đã sống và làm việc hết mình ngay cả trong thời điểm bao thứ bộn bề diễn ra trên hành tinh.

Tôi rưng rưng lặng đi khi trong chương trình của giải Grammy diễn ra lễ tưởng niệm những nghệ sĩ trong giới âm nhạc đã khuất vì đại dịch Covid-19 vô cùng trân quý và xúc động.

2. Thế giới đã chứng kiến một trận đại dịch kinh hoàng, một cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra, cả sự thay đổi kỳ lạ của thời tiết, và rồi trong những ngày vừa qua là tiếng khóc đau xót não nùng từ trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Trong ngồn ngộn thông tin ập đến mỗi ngày từ những vùng diễn ra tai ách, trong tiếng nguyện cầu và niềm hy vọng vào sự kỳ diệu hoặc bao dung đến từ đâu đó, lại thấy thấp thoáng bóng dáng của tình người và lòng nhân ái. Chỉ có xích lại gần nhau, bày tỏ với nhau tiếng nói ấm áp mới giúp nhau vơi bớt đi niềm đau, nỗi buồn đôi khi khó lòng vượt qua được.

Những chuyến bay cứu trợ, những đoàn thiện nguyện từ khắp nơi được gửi đến những điểm nóng trên thế giới đã khẳng định tiếng vọng thao thức của con người khi đồng loại đang vật vã, kêu gào trong cảnh tai ương chướng họa. Đó là những khoảnh khắc của tấm chân tình, của lòng người. Vá đắp nỗi khổ và dựng lên những chiếc lều sưởi ấm khoảng trống đau thương, ấy là bản tính thiện lương cần phát huy hơn bao giờ hết khi thế giới ngày càng đối diện với bao trắc trở!

Cuối tuần vừa rồi, tôi giở đọc bài viết về chuyện một nữ khoa học gia ngành địa chất ở Colorado (Mỹ) chuyên nghiên cứu về các vết đứt gãy, về nguy cơ động đất ở nhiều vùng trên thế giới. Bà ấy đã bật khóc khi nghe tin về cơn địa chấn kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Một khoảnh khắc diễn ra rất nhanh nhưng gây ra nỗi đau cắt xé nhân loại. Tiếng khóc của bà Ezgi Karasozen, khoa học gia từng lớn lên ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) hòa chung với những giọt nước mắt của hàng vạn đồng hương mình ở quê nhà, khi thông tin về những hy vọng cứu người sống sót sau thảm họa đang mờ dần trong tuyệt vọng.

Đó là những tiếng khóc trong một thế giới càng mong muốn tiến đến sự phát triển vượt bậc lại càng đối diện với biết bao thứ mong manh, đổ vỡ. Và những vết nứt dài rộng sau những cơn địa chấn ấy là một sự cảnh báo về những cơn dư chấn hoặc biến dạng sóng địa chấn, bắt buộc con người phải thiết lập cho mình một vành đai an toàn.

Sự chuyển động của thế giới luôn có thực và nhất thiết phải thế. Song, có thể giây phút đứng yên và ngẫm nghĩ về tính hai mặt của nó, đôi khi không phải là thừa!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới