Thứ hai, 18/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thế giới thừa pin xe điện

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (BNEF) cảnh báo, làn sóng xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện và pin trữ điện trên khắp thế giới sẽ cung cấp công suất pin lớn hơn 5 lần so nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu vào cuối năm 2025.

Công suất sản xuất pin xe điện ngày càng dư thừa do có quá nhiều nhà máy pin đang được triển khai trên thế giới. Ảnh: iStock

Báo cáo Triển vọng xe điện năm 2024 của BNEF cho biết, nhu cầu pin lithium-ion đang tăng trưởng mạnh mẽ khi các nhà sản xuất xuất ô tô đẩy mạnh sản xuất xe điện và các công ty điện lực lắp đặt các nhà máy pin trữ điện lớn để ổn định lưới điện. Tuy nhiên BNEF cảnh báo, các nhà sản xuất pin đang triển khai quá nhiều nhà máy mới đến mức công suất sản xuất sẽ vượt xa nhu cầu trong những năm còn lại của thập niên hiện tại. Đến cuối năm 2025, ngành công nghiệp pin toàn cầu đủ khả năng sản xuất pin với công suất lớn gấp 5 năm lần mà thế giới cần trong năm đó.

“Đây là tin tốt cho các nhà sản xuất ô tô và người mua xe điện nhưng sẽ đánh dấu thời kỳ đầy thách thức phía trước đối với đấu thủ mới tham gia vào ngành pin”, báo cáo của BNEF bình luận.

Khả năng dư cung pin đáng chú ý nhất là ở Trung Quốc, nơi năng lực sản xuất sẽ vượt quá nhu cầu pin hàng năm. Công suất sản xuất pin của Trung Quốc cao gấp 3 lần nhu cầu nội địa trong năm ngoái. Mức dư thừa công suất sẽ tăng lên hơn 6 lần nhu cầu nội địa trong năm 2025 nếu tất cả dự án nhà máy pin ở Trung Quốc đi vào hoạt động như kế hoạch.

Đây cũng sẽ là một vấn đề ở Mỹ, nơi Tổng thống Joe Biden xem nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng pin nội địa là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự khí hậu và công nghiệp. Chính phủ Mỹ đã cung cấp nhiều khoản hỗ trợ cho các nhà sản pin, bao gồm khoản vay có điều kiện trị giá 9,2 tỉ đô la Mỹ cho hãng xe Ford Motor để xây dựng ba nhà máy sản xuất pin vào năm ngoái.

Châu Âu cũng sẽ đối mặt với tình trạng dư thừa năng lực sản xuất pin. Tuy nhiên, các chính phủ trong khu vực vẫn đang thúc đẩy sản xuất pin. Nortvolt, nhà sản xuất pin của Thụy Điển có một nhà máy đang được xây dựng ở Đức. Dù vậy, Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck đang thuyết phục công ty này xây dựng một nhà máy khác.

Theo Yayoi Sekine, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu lưu trữ năng lượng của BNEF, một số dự án nhà máy sản xuất pin trên thế giới có thể bị trì hoãn hoặc hủy bỏ do tình trạng dư thừa công suất của ngành. Sekine cảnh báo đây là vấn đề chung trên thế giới, kể cả ở Mỹ.

Năm ngoái, Ford thông báo trì hoãn sản xuất pin tại một nhà máy thứ hai ở bang Kentucky do tốc độ phổ cập xe điện chậm hơn dự kiến. Hãng cũng đẩy lùi kế hoạch tăng cường sản xuất xe điện do lo ngại cuộc chiến giá sẽ làm tăng thua lỗ ở mảng kinh doanh xe điện, vốn chứng kiến mức lỗ 1,3 tỉ đô la Mỹ trong quí đầu tiên. Tính trung bình, Ford lỗ trung bình 130.000 đô la cho mỗi xe điện trong 10.000 xe điện bán trong 3 tháng đầu năm.

Trong khi đó, các thành phần vật liệu hóa học sử dụng để sản xuất pin cũng đang thay đổi. Báo cáo của BNEF cho biết, pin lithium-iron-phosphate  (LFP) ngày càng được sử dụng phổ biến để cung cấp năng lượng cho xe điện. Các hãng xe điện ở Trung Quốc đặc biệt chuộng pin LFP. Loại pin này rẻ hơn so với pin lithium-ion tiêu chuẩn, vốn sử dụng nhiều kim loại đắt tiền như nickel, mangan và cobalt. Chi phí sản xuất pin LFP ở Trung Quốc đã giảm về mức  53 đô la Mỹ/kWh, chỉ gần bằng một nửa mức chi phí sản xuất pin trung bình trên toàn cầu.

Báo cáo của BNEF cũng cho biết, doanh số xe thuần điện (BEV) trên toàn cầu trong giai đoạn 2024-2026 sẽ thấp hơn 6,7 triệu chiếc so với dự báo đưa ra hồi năm ngoái. BNEF điều chỉnh con số dự báo chủ yếu do doanh số xe điện ở Mỹ và Đức dự kiến tăng trưởng chậm lại.

Tuy nhiên, BNEF lưu ý doanh số xe lai sạc điện (PHEV) tăng trưởng nhanh hơn xe BEV và xe lai xăng điện (hybrid) truyền thống kể từ năm 2019. Xe PHEV kết hợp động cơ đốt trong và động cơ điện giống như xe hybrid, nhưng có thể nạp điện từ trạm sạc.

Trong báo cáo năm ngoái, BNEF dự báo, doanh số xe PHEV sẽ đạt đỉnh gần 6,5 triệu chiếc vào năm 2026, sau đó sẽ giảm dần còn 325.000 chiếc vào năm 2035. Trong báo cáo lần này, BNEF dự báo doanh số xe PHEV sẽ đạt đỉnh gần 9,2 triệu chiếc vào năm 2030 và giảm xuống còn hơn 4,7 triệu chiếc vào năm 2035.

Trung Quốc trở thành thị trường xe PHEV lớn nhất thế giới vào năm 2022 nhờ các mẫu xe giá rẻ từ BYD và Li Auto. Hiện tại, giá bán trung bình của xe PHEV ở Trung Quốc gần như ngang bằng với giá xe chạy bằng động cơ đốt trong.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới