Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thế lưỡng nan của luật chống độc quyền: sáng tạo và công bằng

Mai Nguyễn Dũng - Tô Kiến Lương (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tháng 6-2024, tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu, Apple đã ra mắt Apple Intelligence. Đây là một nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) dựa vào sự kết hợp của vi xử lý trên thiết bị và đám mây, hứa hẹn cung cấp một trải nghiệm người dùng hoàn toàn mới, với khả năng hiểu biết và hỗ trợ người dùng một cách thông minh và cá nhân hóa hơn bao giờ hết.

Những tưởng người dùng của hãng “quả táo cắn dở” đều có thể sử dụng tính năng này trên toàn thế giới, nhưng chỉ hai tuần sau đó, gã khổng lồ công nghệ này lại quyết định không phát hành Apple Intelligence tại Liên minh châu Âu (EU) vì lo ngại về vấn đề tuân thủ Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (Digital Market Act - DMA).

Apple và luật chống độc quyền của EU

Theo tuyên bố, Apple lo ngại rằng các yêu cầu về khả năng tương tác của DMA có thể buộc hãng phải thỏa hiệp tính toàn vẹn của sản phẩm theo cách gây rủi ro cho quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của người dùng. Cụ thể, DMA yêu cầu các tính năng cơ bản trên thiết bị như nhắn tin, gọi điện, tin nhắn thoại, chia sẻ hình ảnh và video (vốn có khả năng tích hợp sâu với Apple Intelligence) cũng phải hoạt động trên các thiết bị của các hãng đối thủ và bên thứ ba khác. Phản bác lại tuyên bố trên của Apple, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng động thái này chính là một tuyên bố gây sốc về hành vi hạn chế cạnh tranh ở một khu vực mà Apple đang chiếm ưu thế.

Cần phải nhắc lại, DMA, áp dụng từ năm 2023, đã có những quy định ngặt nghèo về nghĩa vụ của các công ty công nghệ lớn (còn được gọi là người gác cổng - gatekeepers) phải đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng(1). Các công ty này không được lạm dụng dữ liệu cá nhân, không ưu tiên dịch vụ của mình so với đối thủ, cũng như phải cho phép người dùng gỡ cài đặt ứng dụng mặc định sẵn có và cung cấp quyền truy cập công bằng cho các doanh nghiệp khác. Điều đáng lưu ý là các công ty vi phạm DMA có thể bị phạt nặng, với mức phạt có khi lên đến 10% doanh thu hàng năm toàn cầu, hoặc trong trường hợp vi phạm lặp lại, mức phạt có thể lên đến 20%.

Trước khi tranh cãi về tính năng AI trên các thiết bị Apple trở nên sôi nổi, hãng công nghệ từ thung lũng Silicon này từng bị EC điều tra và phạt nhiều lần cũng vì các quy định chống độc quyền. Tháng 3-2024, EC đã phạt Apple hơn 1,8 tỉ euro vì lạm dụng vị trí thống trị trên thị trường phân phối ứng dụng phát nhạc trực tuyến cho người dùng iPhone và iPad thông qua App Store (cửa hàng ứng dụng thuộc sở hữu độc quyền của Apple đối với người dùng iPhone và iPad)(2). Quyết định này xuất phát từ cuộc điều tra bắt đầu từ khiếu nại của Spotify vào năm 2019, cho rằng Apple áp đặt các quy định hạn chế nhà phát triển ứng dụng, ngăn họ thông báo cho người dùng về các dịch vụ đăng ký nhạc rẻ hơn bên ngoài ứng dụng.

Ngoài ra, Apple còn đang bị EU điều tra vì các hành vi bị cho là hạn chế cạnh tranh trên App Store. Những vấn đề chính bao gồm việc Apple buộc các nhà phát triển phải sử dụng hệ thống thanh toán trong ứng dụng của mình và áp đặt mức phí hoa hồng 30%. Điều này đã gây ra nhiều tranh cãi và chỉ trích từ các nhà phát triển ứng dụng, họ cho rằng chính sách của Apple làm giảm khả năng cạnh tranh và lựa chọn cho người tiêu dùng, đồng thời tạo ra một môi trường không công bằng cho các doanh nghiệp nhỏ(3).

Thế lưỡng nan của luật chống độc quyền

Trở lại câu chuyện về Apple Intelligence, thị trường châu Âu đã chứng kiến sự tăng trưởng tích cực nhờ các sản phẩm công nghệ và ứng dụng AI được cải tiến liên tục. Việc Apple không phát hành các công nghệ này tại châu Âu được dự kiến sẽ làm giảm sự sôi động của thị trường và hạn chế quyền tiếp cận của người tiêu dùng với các tiến bộ công nghệ mới nhất (tất cả các quốc gia thuộc EU sẽ không thể tiếp cận công nghệ này). Điều này sẽ gây ra sự thất vọng và giảm sút niềm tin vào việc các công ty công nghệ lớn sẽ tiếp tục mang lại những cải tiến đột phá cho thị trường.

Mặc dù mục tiêu của DMA khi ra đời là nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh hiệu quả hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ và ứng dụng nhỏ đối đầu với các gã khổng lồ, các quy định của DMA trong trường hợp này lại cản trở sự phát triển và triển khai nhanh chóng các công nghệ mới.

Mặc dù mục tiêu của DMA khi ra đời là nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh hiệu quả hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ và ứng dụng nhỏ đối đầu với các gã khổng lồ, các quy định của DMA trong trường hợp này lại cản trở sự phát triển và triển khai nhanh chóng các công nghệ mới. Bằng cách áp đặt các gánh nặng tuân thủ và hạn chế một số thực hành kinh doanh, đạo luật trên có thể làm chậm lại chính sự đổi mới mà nó muốn bảo vệ.

Nói cách khác, DMA đã tạo nên sự đối lập giữa một bên là sự đổi mới, sáng tạo của công nghệ và bên còn lại là thiết lập, tạo sự công bằng cho thị trường, tăng tính cạnh tranh. Điều này đã tạo nên một tình huống nghịch lý của luật chống độc quyền, ảnh hưởng đến nhóm đối tượng cuối cùng chính là người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ.

Ảnh hưởng của các công ty công nghệ lớn như Google, Meta/Facebook và Amazon đối với đổi mới công nghệ và quá trình hoạch định chính sách là rất sâu sắc. Những gã khổng lồ công nghệ này đã dẫn đầu trong việc thúc đẩy những tiến bộ trong công nghệ AI, định hình cơ bản cách chúng ta tương tác với các nền tảng kỹ thuật số và với nhau. Những đóng góp của họ không chỉ dừng lại ở việc đầu tư tài chính mà còn bao gồm việc tạo ra và triển khai các công nghệ tiên tiến, cách mạng hóa nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ngoài ra, các công ty này đã tích cực tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, dẫn đến hệ quả đôi khi làm mờ ranh giới giữa lợi ích công cộng và lợi ích doanh nghiệp. Quyền lực của họ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghệ mà còn lan sang lĩnh vực chính sách, nhờ vào nguồn tài chính mạnh mẽ, chuyên môn cao và khả năng cung cấp thông tin chiến lược về kinh tế số(4).

Các vấn đề trên đã tạo nên cơ sở cho nghịch lý giữa “sáng tạo” và “công bằng”, khung pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh đã tiến vào “tình thế lưỡng nan”. Mặc dù mục tiêu thúc đẩy cạnh tranh công bằng của DMA rất đáng khen ngợi, nhưng điều quan trọng là phải tìm ra sự cân bằng không làm cản trở đổi mới và sáng tạo một cách không cần thiết. Các công ty công nghệ lớn đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến bộ công nghệ, và các quy định quá nghiêm ngặt có thể làm suy giảm động lực này.

Các nhà hoạch định chính sách cần xem xét các tác động rộng lớn hơn của DMA để đảm bảo rằng nó không chỉ thúc đẩy một thị trường kỹ thuật số cạnh tranh mà còn khuyến khích sự đổi mới. Điều này đòi hỏi một cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc áp đặt các quy định nghiêm ngặt để ngăn chặn các hành vi độc quyền và đảm bảo rằng các doanh nghiệp vẫn có động lực để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới. Bằng cách này, các đạo luật chống độc quyền trong tương lai có thể tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng và năng động, nơi các công ty lớn không thể lạm dụng vị thế của mình, đồng thời hỗ trợ sự sáng tạo và tiến bộ công nghệ.

(*) Khoa Luật, CELG, Đại học UEH
(1) European Commission. (2024). Digital Markets Act: Ensuring fair and open digital markets. https://commission.europa.eu/strategy-and-policy/priorities-2019-2024/europe-fit-digital-age/digital-markets-act-ensuring-fair-and-open-digital-markets_en
(2) European Commission. (2024). Commission fines Apple over €1.8 billion over abusive App store rules for music streaming providers.
https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/ip_24_1161
(3) European Commission. (2023). Antitrust: Commission sends Statement of Objections to Apple (Case No. AT.40716).
https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/ip_23_1217/smo
(4) Shaleen Khanal, Hongzhou Zhang, Araz Taeihagh. (2024). Why and how is the power of Big Tech increasing in the policy process? The case of generative AI, Policy and Society, https://doi.org/10.1093/polsoc/puae012

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới