(KTSG Online) - VASEP đặt ra mục tiêu cho xuất khẩu thuỷ sản năm 2024 là 9,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 3% so với 2023, đồng thời nhận định khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) là một trong những thách thức của ngành thuỷ sản trong năm nay.
- Cước tàu biển ‘nhảy vọt’ ảnh hưởng doanh nghiệp xuất khẩu nông, thuỷ sản ra sao?
- Thành lập kiểm ngư địa phương hỗ trợ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đặt mục tiêu xuất khẩu thuỷ sản cho năm 2024 ở mức 9,5 tỉ đô la Mỹ, theo TTXVN.
Có nhiều nguyên nhân để VASEP đưa ra mục tiêu trên, trong đó, hiệp hội nhận định kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, lạm phát tuy giảm nhưng vẫn chưa về mức mục tiêu của các nước, lãi suất cao... là những yếu tố ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Do vậy, người tiêu dùng sẽ chưa thực sự mạnh tay trong quyết định chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng thủy sản toàn cầu khó tăng mạnh.
Theo đánh giá và phân tích của VASEP, tôm Việt Nam sẽ tiếp tục cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung khi hai nước này đang cố gắng tăng thị phần cả ở Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản, đồng thời tăng xuất khẩu tôm chế biến dù tỷ trọng còn khiêm tốn.
VASEP cho rằng thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức đối với doanh nghiệp toàn ngành, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 thì sẽ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thuỷ sản sang EU. Trong trường hợp này, những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Dù vậy, vẫn có thông tin tích cực, đơn cử như xuất khẩu cá tra có những tín hiệu lạc quan vì giá xuất khẩu được dự báo sẽ tăng trở lại ở các thị trường. Ngoài sản phẩm phi-lê đông lạnh, xu hướng nhập khẩu cá tra chế biến sâu, có giá trị gia tăng và các sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá tra) tiếp tục tăng.