(KTSG) - Thủ tục hành chính công, xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam đang có những bước tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan quản lý nhà nước tùy tiện đặt ra thêm các đòi hỏi ngoài quy định gây khó cho người dân, doanh nghiệp.
- TPHCM thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công
- TPHCM sẽ có trung tâm phục vụ hành chính công vào đầu năm 2025

Mới đây, khi TPHCM bước vào mùa tuyển sinh đầu cấp lớp 1 và 6, nhiều phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo để xin “giấy xác nhận thông tin cư trú theo mẫu CT07”. Một số UBND phường, xã và trường tiểu học, trung học cơ sở vẫn yêu cầu thủ tục đăng ký vào trường phải có giấy CT07 dù cơ quan Công an TPHCM khẳng định chỉ cần sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID trong tuyển sinh đầu cấp. Trường hợp thông tin về nơi cư trú của cha, mẹ học sinh trên ứng dụng VNeID hiển thị không đúng với thông tin do công dân cung cấp thì UBND cấp xã, ban giám hiệu nhà trường lập danh sách gửi công an phường, xã nơi công dân cư trú để xác minh(1).30
Không hiểu sao chính quyền địa phương, trường học vẫn yêu cầu giấy xác nhận thông tin cư trú nói trên, buộc người dân phải tự làm ngược với chỉ đạo của chính quyền thành phố.
Tự đặt thêm quy định liên quan đến thủ tục đất đai ở tỉnh Khánh Hòa là một ví dụ khác. Tỉnh này quy định để được tách thửa đối với đất ở tại nông thôn, thì thửa đất muốn tách phải có diện tích tối thiểu 60 mét vuông. Do đó, người dân làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng trong khu đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ, nhằm tăng thêm đất ở cho đủ diện tích tối thiểu 60 mét vuông để được tách thửa.
Tuy nhiên, khi giải quyết thủ tục, Phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã Ninh Hòa đã yêu cầu người dân phải thực hiện “định vị vị trí đất ở”. Trong khi đó, Luật Đất đai 2024 cùng các nghị định, thông tư liên quan đều không có quy định nào về “định vị vị trí đất ở”(2).
Một ví dụ khác là về thủ tục giải thể doanh nghiệp. Mới đây, kết quả khảo sát thực trạng cung cấp thủ tục hành chính cho doanh nghiệp năm 2024 do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) tiến hành ghi nhận, quy trình thủ tục liên quan đến giải thể doanh nghiệp rất nhiêu khê.
Một số cơ quan thuế địa phương buộc doanh nghiệp phải khôi phục hoạt động rồi mới cho đóng mã số thuế, trong khi Tổng cục Thuế không hề đưa ra yêu cầu này. Doanh nghiệp không thể “cãi” được khi cơ quan thuế địa phương tự đặt thêm yêu cầu rắc rối như vậy nếu muốn giải thể doanh nghiệp cho xong việc.
Hiện nay người dân đều có tài khoản VNeID và doanh nghiệp đều được quản lý trên hệ thống công nghệ của ngành thuế nên việc tra cứu thông tin đã rất dễ dàng và chính xác. Cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương không thể lấy lý do cần kiểm tra, xác minh để tùy tiện đặt ra thủ tục ngoài quy định như những vụ việc trên. Nhà nước đã phải tốn rất nhiều công sức để xây dựng “cao tốc” chính phủ điện tử, chính quyền thông minh, nên không thể để tồn tại “ổ gà, ổ voi” làm phiền hà người dân, doanh nghiệp.
(1) https://tuoitre.vn/dia-phuong-bat-phai-co-giay-xac-nhan-cu-tru-de-tuyen-sinh-dau-cap-cong-an-tp-hcm-ra-van-ban-20250328083743453.htm
(2) https://tuoitre.vn/yeu-cau-dan-dinh-vi-vi-tri-dat-o-khi-lam-thu-tuc-dat-dai-co-trai-phap-luat-20250403193554674.htm