Thêm "giấy phép con" trong ngành du lịch?
Đào Loan
(TBKTSG Online) - Nhiều giám đốc, người phụ trách lữ hành chưa có bằng cao đẳng chuyên ngành lữ hành, chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch vừa được cơ quan quản lý nhắc nhở là phải bổ sung điều kiện bằng cấp hoặc phải bồi dưỡng nghiệp vụ để thi lấy chứng chỉ nghiệp vụ nếu không sẽ bị phạt.
Quy định này trong Luật Du lịch 2017 từng gây tranh cãi khi xây dựng luật vì có những ý kiến cho rằng, việc bắt buộc giám đốc đi học lại chưa chắc là có thể bảo vệ quyền lợi du khách nhưng lại có thể là một loại giấy phép con gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Đến nay, tranh cãi này lại tiếp tục nổ ra khi luật bắt đầu được thực hiện.
Khách du lịch nước ngoài đi tour Củ Chi của một công ty lữ hành tại TPHCM. Ảnh: Đào Loan |
Theo Luật Du lịch 2017, người phụ trách kinh doanh lữ hành nội địa phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành, trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa. Người phụ trách kinh doanh lữ hành quốc tế thì phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành và nếu học chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
Thông tư 06/2017 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều Luật Du lịch 2017, quy định cụ thể người phụ trách kinh doanh lữ hành là người giữ một trong các chức danh sau như chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, tổng giám đốc, giám đốc hoặc phó giám đốc, trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Chuyên ngành về lữ hành được thông tư này quy định là quản trị dịch vụ và du lịch, quản trị lữ hành, điều hành tour du lịch, tiếp thị du lịch, du lịch, dịch vụ lữ hành, quản lý và kinh doanh du lịch. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-2-2018 nhưng có thời gian chuyển tiếp một năm nên đến đầu 2019 mới chính thức được thực hiện. Những ngày qua, cơ quan chức năng bắt đầu nhắc nhở doanh nghiệp bổ sung bằng cấp và đưa ra danh sách một số trường để những người chưa có bằng ôn luyện để lấy chứng chỉ nghiệp vụ.
Hầu như, doanh nhân nào cũng cho rằng đây là quy định không hợp lý, gây lãng phí thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp. Dịch vụ lữ hành được xác định là một dịch vụ kinh doanh có điều kiện vì liên quan đến an toàn, tính mạng của khách hàng nên luật đã đưa ra nhiều quy định để bảo vệ khách hàng như doanh nghiệp muốn kinh doanh không chỉ phải thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp mà còn phải ký quỹ hàng trăm triệu đồng tùy theo quy định của từng mảng lữ hành, phải mua bảo hiểm cho khách hàng. Hướng dẫn viên du lịch cũng phải có thẻ được cơ quan chức năng cấp...
Vì thế, yêu cầu mới không góp phần vào việc bảo đảm quyền lợi của khách hàng và cũng không góp phần vào việc nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp vì chẳng có khách hàng nào quyết định mua tour vì nhìn vào bằng cấp của người đứng đầu doanh nghiệp mà dựa vào uy tín, giá cả, sức hấp dẫn của dịch vụ... Một người có ý tưởng dịch vụ hay, đáp ứng các điều kiện để mở công ty lữ hành thì không nên ràng buộc về chuyện bằng cấp chuyên ngành mà hãy để họ tự do kinh doanh. Khách hàng sẽ là người đưa ra quyết định sau cùng, cho công ty đó tồn tại hay đóng cửa, còn chuyện yêu cầu bằng cấp chuyên ngành chỉ khiến doanh nghiệp tốn thêm hàng chục tỉ đồng.
Theo thông báo của một trường được phép tổ chức kỳ thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch tại TPHCM, chi phí để ôn thi, thi lấy chứng chỉ là 2,5 triệu đồng/người/nghiệp vụ hướng dẫn nội địa/quốc tế và 3 triệu đồng/người/nghiệp vụ điều hành nội địa/quốc tế. Người học phải ôn tập trong hai ngày và thi với thời gian tương tự. Người học cũng được yêu cầu phải nộp bản photocopy chứng minh nhân dân và bằng đại học, cao đẳng.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, tính đến hết năm 2017, chưa tính doanh nghiệp lữ hành nội địa, cả nước có 1.752 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Thực tế, rất nhiều người đứng đầu doanh nghiệp hoặc đang điều hành dịch vụ lữ hành không có bằng cấp chuyên ngành, tức là phải đi học theo quy định mới.
Thêm một điều bất hợp lý trong quy định này là, ngay cả những người đã học chuyên ngành du lịch ở nước ngoài cũng khó "thoát" việc phải đi học lại vì Thông tư 06/2017 yêu cầu, bằng cấp chuyên ngành còn có thêm quy định là, văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Trong khi đó, nếu không học ở nước ngoài, không học ở Việt Nam để có bằng cấp chuyên ngành thì chỉ cần đóng tiền và 2 ngày ôn tập là có thể thi lấy chứng chỉ để đáp ứng điều kiện kinh doanh.
Chính vì những bất hợp lý đó nên nhiều ý kiến cho rằng, quy định mới chưa thỏa đáng và ở mức độ nào đó có thể xem yêu cầu thêm bằng cấp chuyên ngành là một loại giấy phép con cho doanh nghiệp lữ hành. Điều này đi trái với tinh thần của Chính phủ là tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, gỡ bỏ giấy phép con cho doanh nghiệp tự do kinh doanh.
Đọc thêm:
Nhiều giám đốc doanh nghiệp lữ hành có thể phải đi học lại
Tàu du lịch, nhà hàng chuẩn bị quay lại bến Bạch Đằng
Việt Nam sẽ có thêm khách du lịch đường biển từ Dubai
TPHCM: Du khách quét mã QR để biết thông tin các điểm tham quan