Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thi đua ở xứ mình và bài luận vào đại học Mỹ

Nguyễn Hoàng Chương(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Một đồng nghiệp đang công tác tại phòng giáo dục – đào tạo huyện gọi điện thoại cho biết đội tuyển học sinh giỏi của đơn vị anh có mấy em là F0 đang phải cách ly. Anh báo cáo về sở cùng với đề nghị lùi kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh sang tháng 3-2022. Vị lãnh đạo sở thông cảm với khó khăn đó, nhưng cho hay là tháng 3 còn phải bận tổ chức thi học sinh giỏi cấp quốc gia, thi khoa học kỹ thuật và một vài cuộc thi khác nữa, nếu lùi lại thì không còn thời gian nào.

Hóa ra trong bình thường mới, giáo dục phổ thông vẫn bận rộn với các cuộc thi chẳng khác gì thời bình thường cũ! Trong khi đó, tờ báo địa phương tại đây đưa tin mấy tuần qua số ca nhiễm Covid-19 ở mức ba con số và không hề giảm. Các cơ sở giáo dục luôn luôn phải xoay xở với F0, F1 trong giáo viên, trong học sinh, phải rất linh hoạt việc dạy học để có thể tiếp tục hoạt động an toàn.

Vừa nghe xong cuộc gọi về thi học sinh giỏi thì tiếp sau đó lại được nghe về câu chuyện thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi tại Trường THPT (trung học phổ thông) P… K. đang là tổ trưởng chuyên môn tại trường P. nói: “Thầy ơi, em vừa xong cuộc họp hội đồng chấm thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi của trường…”, rồi huyên thuyên kể chuyện.

Rằng trường P. có gần chục ứng viên tham gia cuộc thi này. Vòng 1 là về “giải pháp hữu ích”. K. kể: “Tên đề tài thi nào nghe cũng “oách” nhưng em biết quá trình làm chủ nhiệm lớp của một số thầy cô trong số những người dự thi. Họ chưa làm được gì nhiều cho trường, ngay cả cho lớp mà họ chủ nhiệm. Có cả giải pháp sao chép nhiều nội dung của một đề tài trên Internet, chụp cả hình ảnh minh họa của người ta. Cũng lại có “sáng kiến” mà nội dung là những mảnh ghép đi vay mượn…”.

Tôi hỏi lại: “Sao em không nêu ý kiến của mình?”. “Dạ có! Nhưng sếp em giải thích rằng đề tài này… “hot” và kết thúc cuộc họp”.

Phải chăng chính từ những cuộc thi chỉ để báo cáo và chạy theo thành tích làm cho cả thầy lẫn trò xơ cứng cảm xúc, bị triệt tiêu sự tìm tòi, và cái giá phải trả là sự chông chênh về tính cách mà nhà trường cần vun trồng cho học sinh, là sự thui chột lửa nghề của người thầy?

Báo Tuổi Trẻ hôm 14-2 có bài viết “Dạy con kiểu… xứ chuột túi”. Tôi biết kiểu nhà trường ở Úc không có nhiều những cuộc thi như ở xứ ta. Nhưng học sinh của họ trung thực, ngăn nắp, tự giác, sống trách nhiệm. Có chuyện kể về hai chị em học sinh Úc cùng ba mẹ đến Khu du lịch Madaguôi (Lâm Đồng), thấy rác vung vãi tại một khu thác nhỏ thì đã cùng nhau dọn sạch.

Cũng qua báo chí tôi được biết em Vũ Hà Châu, cựu học sinh Trường chuyên Ngoại ngữ, giành được học bổng trị giá tới 6,5 tỉ đồng để vào học tại Pomona College – một trong những trường hàng đầu của Mỹ (theo báo điện tử Dân trí) với bài luận ấn tượng, hoạt động trải nghiệm xuất sắc, và những câu trả lời sáng tạo đã thuyết phục được hội đồng tuyển sinh.

Bài luận của Vũ Hà Châu viết về khu phố cổ Hà Nội qua cảm nhận của một lập trình viên. Hoạt động trải nghiệm của Châu là thông qua dự án VieSign với mong muốn đem ngôn ngữ ký hiệu (của người khiếm thính) đến gần hơn với mọi người trong xã hội. Châu trả lời ba câu hỏi của giám khảo bằng ba khổ thơ em viết mà ghép lại thành một bài thơ đầy ắp thương yêu. Chính sự chân thành, lòng khoan dung, tình yêu cuộc sống giúp Châu đam mê học hỏi, tìm tòi, khám phá. Và điều đáng nói ở đây là sau khi rời ghế nhà trường phổ thông, Châu đã dành hẳn một năm để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc vượt vũ môn: tự mình lên ý tưởng, sắp xếp, hành động. Chính ý chí và sự sáng tạo mà em cố công tôi luyện đã “xô đổ” những giám khảo uy nghi nhưng thông minh của Đại học Pomona.

Liên tưởng những sự việc này với các cuộc thi đua rất xa tính trung thực vẫn tiếp diễn trong nhiều nhà trường để thấy rằng phẩm chất và năng lực của người trẻ do kết quả giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó theo tôi, nhà trường là nòng cốt. Giáo dục nói chung, trường học nói riêng vẫn còn đó những lo toan, trăn trở đã được gọi tên từ rất lâu – qua nhiều năm học, nhiều năm tháng, nhiều nhiệm kỳ. Đó là những lận đận của đời sống nhà giáo, những quy định cứng nhắc về soạn – giảng; những cuộc thi rối rắm; những đối phó, minh chứng; những bộ hồ sơ nặng trĩu phục vụ việc đánh giá, thi đua nâng hạng… Liệu đến bao giờ thì mới thay đổi?

(*)Nhà giáo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới