Thứ Năm, 8/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thi hoa hậu dưới góc độ kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thi hoa hậu dưới góc độ kinh tế

Trần Lê Vân Thư – Ls. Lê Trọng Thêm(*)

(TBKTSG) – Song song với hoạt động văn hóa, nghệ thuật là các câu chuyện kinh doanh của nhiều tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức các cuộc thi hoa hậu. Bản chất pháp lý của các cuộc thi hoa hậu là hình thức thi có giải; có người tổ chức cuộc thi, người thi, giải thưởng, quy chế, thể lệ cuộc thi. Và không thể không kể đến các nhà tài trợ, những người mong muốn tận dụng sự quan tâm và sức ảnh hưởng đến công chúng của các cuộc thi hoa hậu để quảng bá hình ảnh thương hiệu, hàng hóa, dịch vụ.

Tất cả các bên tham gia đều được hưởng lợi, và tất nhiên, một nền kinh tế du lịch thì không thể thiếu các hoạt động kinh doanh văn hóa, nghệ thuật như các cuộc thi hoa hậu. Chỉ đáng tiếc là hoạt động kinh doanh các cuộc thi hoa hậu hiện nay không theo cơ chế thị trường mà vẫn theo lối mòn của nền kinh tế tập trung, bao cấp.

Đầu voi, đuôi chuột trong lựa chọn đơn vị tổ chức

Theo quy định của luật, mọi tổ chức Việt Nam có đăng ký kinh doanh dịch vụ văn hóa, nghệ thuật hoặc được thành lập có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật đều có quyền tổ chức cuộc thi hoa hậu. Tuy nhiên, hạn ngạch bị khống chế không quá hai cuộc thi hoa hậu mỗi năm, đồng nghĩa với cánh cửa cấp phép cho những người mới muốn tham gia tổ chức cuộc thi gần như bị đóng lại, nảy sinh cơ chế “xin-cho”, chuyện chạy suất đăng cai.

Trong hai suất đăng cai thi hoa hậu hàng năm, cơ chế quản lý hiện hành không tồn tại bất kỳ một quy chế xét duyệt nào để lựa chọn đối ứng viên được quyền tổ chức cuộc thi; không có tiêu chí về năng lực tài chính, kinh nghiệm tổ chức hay đại loại như là nguyên tắc hễ nộp hồ sơ trước thì được ưu tiên chẳng hạn. Khi đó, việc cấp phép hay không cấp phép cho một cuộc thi hoàn toàn dựa vào ý chí chủ quan của những người được nhà nước giao quyền quản lý.

Chính cách thức quản lý này mà nhiều đơn vị đã tổ chức các cuộc thi không đạt chất lượng cao vẫn được đăng cai tổ chức. Nói cách khác, trong nhiều năm qua có sự phát triển về số lượng các cuộc thi hoa hậu nhưng lại không gia tăng được chất lượng ở mỗi cuộc thi.

Tù mù và cảm tính trong lựa chọn ngôi hậu và đại diện tham gia các cuộc thi quốc tế

Mặc dù danh hiệu hoa hậu do ban giám khảo quyết định nhưng sự thừa nhận, mến mộ đối với hoa hậu lại đến từ công chúng. Luật hiện hành tập trung quy định các điều kiện cơ bản đối với thí sinh dự thi hoa hậu, như phải đủ 18 tuổi trở lên, có vẻ đẹp tự nhiên, có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên… Ngoài ra, trong thể lệ cuộc thi, ban tổ chức có thể quy định thêm các tiêu chí dành cho thí sinh. Thành phần ban giám khảo được lựa chọn trên yếu tố chuyên môn trong các lĩnh vực như nhân trắc học, mỹ học, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, nhiếp ảnh, xã hội học.

Chính sách quản lý nhà nước trong tổ chức các cuộc thi hoa hậu hiện nay cho phép đơn vị tổ chức chủ động quyết định thể lệ cuộc thi, thành phần ban giám khảo, quy chế hoạt động của ban tổ chức, ban giám khảo. Chính cơ chế ưu ái dành sự chủ động cho nhà tổ chức khiến yếu tố chủ quan chi phối kết quả các cuộc thi. Như kết quả một cuộc thi hoa hậu gần đây đã gặp phải sự phản đối dữ dội từ công chúng. Có thể nói, còn nhiều sự hoài nghi trong công chúng về tính khách quan, công tâm và trách nhiệm trong các cuộc thi hoa hậu.

Thí sinh đại diện cho Việt Nam tham dự các cuộc thi hoa hậu quốc tế là những người đoạt các danh hiệu chính từ các cuộc thi trong nước và được đơn vị tổ chức đại diện làm thủ tục xin cấp phép dự hoa hậu quốc tế và đưa thí sinh đi dự thi. Hiện nay cơ chế xét duyệt cấp phép cũng chưa có quy định rõ ràng, do vậy việc lựa chọn người đại diện cũng hoàn toàn cảm tính từ phía cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị tổ chức.

Cần thay đổi về mặt quản lý

Việc khống chế số lượng cuộc thi hoa hậu là nhằm quy tụ nguồn lực tổ chức và thu hút được nhiều thí sinh chất lượng cao, để việc trao danh hiệu hoa hậu trở nên cao quý hơn. Tuy nhiên, cơ chế quản lý hiện hành không tạo được hành lang pháp lý cho sự cạnh tranh lành mạnh giữa những tổ chức mong muốn kinh doanh trong lĩnh vực này. Nên chăng cơ quan quản lý nhà nước thay đổi cách quản lý, có thể theo hướng bỏ hạn ngạch số lượng cuộc thi và tổ chức một cuộc thi hoa hậu cuối cùng trong năm với các ứng viên là các hoa hậu, á hậu của các cuộc thi riêng lẻ trước đó. Còn nếu muốn giữ lại hạn ngạch số lượng cuộc thi thì cần phải gia tăng điều kiện, nguyên tắc lựa chọn đơn vị đủ tiêu chuẩn để cấp phép tổ chức thông qua cơ chế đấu thầu đăng cai tổ chức cuộc thi.

Và để có được những đại diện xuất sắc cho nhan sắc của người Việt tham dự các cuộc thi người đẹp quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước cần quy định chặt chẽ và rõ ràng hơn trong vấn đề xét duyệt ban giám khảo, hướng dẫn về thể lệ các cuộc thi thay vì để mở như hiện nay. Riêng đối với các gương mặt đại diện Việt Nam đi thi quốc tế thì cần thiết quy định rõ ràng hơn thay vì phó mặc cho các đơn vị tổ chức cuộc thi hoa hậu trong nước quyết định.

(*) Công ty Luật LTT & Lawyers

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới